Ba mẹ chính là tấm gương để con trẻ noi theo. Chính vì vậy, ba mẹ nên chú ý tới mọi cử chỉ, ngôn ngữ của bản thân trong mọi hoạt động hàng ngày để tránh con trẻ noi theo những thói quen xấu.
- Những điều có thể mẹ chưa biết về giãn tĩnh mạch sau sinh
- 3 dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu cần đặc biệt lưu tâm
1. Hay nói tục
Ảnh hưởng tiêu cực đến con: Nhiều người có thói quen nói tục trong mọi trường hợp. Mỗi khi phát ngôn, họ sẽ đính kèm một vài từ hoặc câu chửi một cách vô tư. Cứ ngỡ rằng điều này sẽ không ảnh hưởng tới trẻ nhưng thực chất là có.
Bố mẹ thường xuyên nói tục hoặc nói ra những điều bất lịch sự trước mặt con sẽ khiến bé hiểu rằng, nói như vậy là chẳng có gì sai trái. Ban đầu, ở những tình huống cụ thể, con sẽ phát ngôn một cách vô thức dù chưa hiểu nghĩa của từ đó, nhưng càng về sau trẻ sẽ dần biến nó thành thói quen và tự cho phép mình được nói như vậy. Về lâu dài, con sẽ khó mà thay đổi thói quen này, dùng nó để giao tiếp với người thân, bạn bè ngoài xã hội.
Phương pháp thay đổi: Bố mẹ nên tránh, sửa dần cách nói chuyện, đặc biệt khi có trẻ ở gần đó thì tuyệt đối không nên chửi tục, nói bậy. Trong giáo dục con cái, lời nói và hành động phải đi đôi với nhau, không thể yêu cầu trẻ không được nói tục trong khi chính bố mẹ chúng lại đang làm điều đó.
2. Xem phim không dành cho lứa tuổi của bé
Các bậc phụ huynh cho rằng khi cùng trẻ xem những bộ phim tình cảm, bạo lực, người lớn sẽ giáo dục con đâu là người tốt, người xấu, việc gì nên làm, việc gì không. Tuy nhiên, trên thực tế việc này rất khó và không phải cha mẹ nào cũng có thời gian vừa xem vừa giải thích cho trẻ hiểu một cách thấu đáo.
Do còn nhỏ, trẻ chưa thể phân biệt được những hành vi trong phim ảnh là tốt hay xấu, nếu không được chỉ dẫn, trẻ sẽ dễ bắt chước theo. Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ cần chủ động hạn chế hoặc thay đổi thói quen giải trí của mình vì con trước khi mong chờ một sự phân loại quy củ và chi tiết từ các nhà quản lý phim ảnh.
Phương pháp thay đổi: Khi người lớn muốn xem chương trình riêng, hãy chắc chắn rằng con bạn không ở đó, bởi những thước phim có nội dung người lớn sẽ nhanh chóng khiến con bắt chước.
3. So sánh con mình với người khác
Từ rất lâu, "con nhà người ta" đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đứa trẻ. Đây là hình tượng mà nhiều bậc phụ huynh thường dùng để nói về một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, thậm chí là hoàn hảo về mọi mặt… nhằm mục đích răn đe, đốc thúc con mình cố gắng.
Dẫu biết, tâm lý chung, phụ huynh nào cũng đều mong muốn con em mình trở nên ngoan ngoãn, tài giỏi. Tuy nhiên, việc la mắng, chỉ trích, thậm chí so sánh con trẻ với một "tấm gương trong truyền thuyết" nào đó để thúc đẩy ý chí của các em, liệu có phải là phương pháp giáo dục hiệu quả hay không?
Phương pháp thay đổi: Đừng lúc nào cũng dùng tiêu chuẩn của những đứa trẻ khác để đo lường con mình, hãy để trẻ tự do phát triển theo cách tự nhiên, chỉ cần trẻ không bị tụt hậu hay ì ạch thì không cần quá lo lắng. Mỗi trẻ có một ưu điểm riêng và quan trọng là bố mẹ có cùng con tìm ra điều đó hay không mà thôi.
4. Bao bọc, yêu con quá nhiều
Ảnh hưởng tiêu cực đến con: Cha mẹ bảo vệ con theo bản năng. Họ yêu thương và quan tâm đến con cái, muốn nuôi dạy chúng khỏe mạnh, hạnh phúc và thành đạt.
Nhưng khi cha mẹ giúp đỡ quá nhiều, làm thay mỗi khi trẻ gặp khó khăn, hoặc che chắn con cái khỏi mọi sự tiêu cực của thế giới bên ngoài, họ trở thành những bậc cha mẹ bao bọc quá mức. Và sự bao bọc đó nhiều khi dẫn đến cực đoan.
Nhưng thực chất điều này đang tước đi cơ hội làm việc của trẻ, khiến trẻ không có cơ hội học hỏi, không được rèn luyện sức khỏe thì rất khó học được kỹ năng tự chăm sóc bản thân, đồng thời tư tưởng ỷ lại xuất hiện và trở thành đứa trẻ lười biếng, khó thích nghi với cuộc sống tập thể...
Phương pháp thay đổi: Cho trẻ một số cơ hội tự chủ, giao cho trẻ một số việc trong phạm vi khả năng để trẻ hiểu rằng chỉ có chăm chỉ mới được thưởng và để trẻ học khả năng mà con nên có.