Mang thai ngoài tử cung nếu phát hiện không kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vậy dấu hiệu có thai ngoài tử cung sớm nhất có thể phát hiện là gì?
- Dấu hiệu nhận biết có thai sau 1 tuần dễ nhận biết nhất
- Hiện tượng đau bụng có thai như thế nào? Có khác đau bụng kinh không?
Nội dung bài viết
Theo một số liệu thống kê gần đây, cứ 10 ca thai phụ tử vong thì có 1 ca do mang thai ngoài tử cung. Điểm mấu chốt để cứu chữa thai phụ trong biến chứng sản khoa này là phát hiện dấu hiệu có thai ngoài tử cung sớm nhất có thể. Cùng tìm hiểu những dấu hiệu có thai ngoài tử cung trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung về dấu hiệu có thai ngoài tử cung
Từ lúc thụ tinh đến khi sinh nở, quá trình mang thai đòi hỏi phải trải qua nhiều bước trong 9 tháng thai kỳ. Một trong những bước này là trứng sau khi được thụ tinh (hợp tử) sẽ di chuyển đến tử cung để làm tổ ở lớp niêm mạc tử cung. Trong trường hợp trứng được thụ tinh không làm tổ trong tử cung mà làm tổ ở một số vị trí khác như trong ống dẫn trứng, khoang bụng hoặc cổ tử cung thì được gọi là mang thai ngoài tử cung.
Khi mang thai ngoài tử cung ở những tuần đầu tiên, mọi dấu hiệu có thai ngoài tử cung và thử thai đều biểu hiện như có thai bình thường.
Triệu chứng thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung ở những tuần đầu sẽ có biểu hiện không khác gì thai bình thường. Thai phụ sẽ có cảm giác như buồn nôn, nghén, đau ngực, căng ngực, v.v. Sau đó, dần dần sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng sau là dấu hiệu có thai ngoài tử cung sớm nhất mà thai phụ có thể tự nhận biết:
- Đau dữ dội từng cơn ở ổ bụng, xương chậu, có thể đau lan lên vai hoặc cổ
- Đau dữ dội ở một bên bụng
- Chảy máu âm đạo nhẹ, rồi nặng dần
- Chóng mặt, ngất xỉu
- Cảm giác muốn đại tiện nhưng không đi được
Nếu bạn đang mang thai ở những tháng đầu tiên và thấy bản thân gặp phải một trong những dấu hiệu trên, đừng chần chừ hãy đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân thai ngoài tử cung
Đến nay y học vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân đích xác của hiện tượng mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên theo thống kê, việc mang thai ngoài tử cung có liên quan mật thiết đến các điều kiện sức khỏe sau của thai phụ:
- Viêm ống dẫn trứng, có sẹo ở ống dẫn trứng do nhiễm trùng hoặc do di chứng của phẫu thuật trước đó.
- Nội tiết trong cơ thể
- Bất thường trong di truyền
- Dị tật bẩm sinh
- Một số tình trạng bất thường về hình dạng và tình trạng của ống dẫn trứng và các cơ quan sinh sản.
Để tầm soát nguyên nhân cụ thể, thai phụ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa và thực hiện các phương pháp tầm soát do bác sĩ chỉ định.
Ai có nguy cơ mang thai ngoài tử cung?
Tất cả phụ nữ mang thai đều có nguy cơ mang thai ngoài tử cung, bao gồm mang thai tự nhiên và mang thai do hỗ trợ sinh sản (IUI,IVF). Tuy nhiên, nếu có thêm các điều kiện sau thì tỷ lệ rủi ro sẽ tăng lên cao hơn:
- Thai phụ từ 35 tuổi trở lên
- Thai phụ có tiền sử phẫu thuật vùng chậu hoặc phá thai nhiều lần
- Thai phụ có tiền sử viêm vùng chậu
- Thai phụ bị lạc nội mạc tử cung
- Thụ thai xảy khi sau khi thắt ống dẫn trứng hoặc đặt vòng
- Có tiền sử mang thai ngoài tử cung
- Tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ví dụ như lậu hoặc chlamydia
- Có bất thường về cấu trúc ống dẫn trứng khiến trứng khó di chuyển
Nếu bạn thuộc bất kỳ đối tượng nào kể trên, hãy tham khảo tư vấn của các chuyên gia sinh sản trước khi chuẩn bị mang thai.
Điều trị thai ngoài tử cung
Điều trị bằng thuốc
Nếu thai ngoài tử cung được chẩn đoán sẽ không ngay lập tức gây nguy hiểm cho tính mạng thai phụ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để đẩy thai ngoài tử cung ra ngoài cơ thể một cách an toàn. Trong quá trình dùng thuốc, thai phụ sẽ phải xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo thuốc có hiệu quả. Tuy nhiên, một tác dụng phụ không mong muốn là bạn sẽ không thể mang thai trong một vài tháng sau khi dùng thuốc.
Phẫu thuật
Phẫu thuật nội soi để loại bỏ phôi thai và chữa trị nội thương được chỉ định cho hầu hết cho các ca mang thai ngoài tử cung. Các bác sĩ thường sẽ cố gắng loại bỏ phôi thai mà ít gây ảnh hưởng nhất đến các cơ quan sinh sản. Tuy nhiên, một số trường hợp không may mắn có thể sẽ bị cắt bỏ ống dẫn trứng.
Chăm sóc tại nhà sau điều trị
Sau khi điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, thai phụ cần phải tự chăm sóc vết mổ để giữ cho vết mổ luôn sạch sẽ, khô ráo. Thường xuyên kiểm tra xem có bị chảy máu quá nhiều, có dịch có mùi hôi, cơ thể có bị sốt,v.v. Sau phẫu thuật khoảng 6 tuần, có thể thai phụ sẽ bị chảy máu nhẹ. Ngoài ra, thai phụ cần thực hiện theo khuyến cáo sau:
- Không nâng vật nặng
- Để vùng chậu được nghỉ ngơi: Tránh quan hệ tình dục, tránh sử dụng tampon hoặc thụt rửa
- Vận động cơ thể nhẹ nhàng và có chế độ dinh dưỡng phù hợp tránh bị thiếu chất hoặc bị táo bón.
- Thông báo ngay lập tức cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Mang thai ngoài tử cung là một trong những biến chứng sản khoa có mức độ tử vong rất cao. Trong khi đó nguyên nhân và cách phòng ngừa cũng chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả. Do vậy khi mới mang thai, các bạn cần quan sát thật kỹ những dấu hiệu có thai ngoài tử cung được giới thiệu trong bài viết để được chữa trị kịp thời.