Vừa vào những ngày trở lại trường, cũng là lúc con gái dậy thì đầu tiên năm 11 tuổi. Kiến thức chăm sóc con như thế nào là hữu ích trong những ngày này?
- Bé nghiện ăn sữa chua tốt gấp vạn lần thuốc bổ nhưng lưu ý 3 'khung giờ vàng' thích hợp này mới phát huy công dụng
- Tốn hàng chục triệu đồng mỗi lần mang thai chỉ để ăn… đất sét
Trẻ dậy thì ở độ tuổi nào là bình thường?
Theo Sức khỏe và Đời sống, dậy thì được coi là sớm nếu xuất hiện trước 8 tuổi (bé gái) và 9 tuổi (bé trai). Quá trình này được coi là muộn nếu chưa bắt đầu ở tuổi 13 (nữ) và tuổi 14 (nam). Những nghiên cứu gần đây cho thấy, dậy thì xuất hiện ngày càng sớm hơn, đặc biệt là ở các bé gái.
Quá trình này thường bắt đầu khi các bé được 10,5 tuổi. Dấu hiệu đầu tiên là ngực phát triển. Ngực nhú lên thành những cục nhỏ dưới núm vú, ở một hoặc cả hai bên. Những cục này có thể cứng và có kích thước khác nhau. Thời điểm này trẻ thường bắt đầu cao nhanh. Sau khoảng 6 tháng, lông mu xuất hiện (mặc dù ở một số trẻ, mọc lông mu lại là biểu hiện đầu tiên của dậy thì), rồi đến lông nách.
Trong vài năm tiếp theo, ngực tiếp tục lớn lên, lông mu và cơ quan sinh dục ngoài tăng trưởng dần dần, dẫn tới kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Thay đổi này thường xuất hiện vào 12,5 - 13 tuổi, khoảng 2 năm sau khi bắt đầu dậy thì. Cơ thể tiếp tục phát triển và toàn bộ quá trình dậy thì hoàn tất sau 3-4 năm, với ngực, quầng vú và lông mu phát triển như ở người lớn.Trong giai đoạn dậy thì, các bé gái thường cao trung bình 7 - 8 cm/năm, và đạt đỉnh điểm khi kỳ kinh đầu tiên xuất hiện. Trẻ thường dừng cao khoảng 2 năm sau khi có kinh.
Con dậy thì trong những ngày đến trường
Mới đây, một phụ huynh chia sẻ những lo lắng của mình trên Báo Người Đưa Tin, chị tâm sự con 11 tuổi, đang bước vào giai đoạn dậy thì và vừa có kinh nguyệt. Do trùng vào dịp cháu bắt đầu tập trung cho năm học mới, nên chị rất lo lắng vẫn đề vệ sinh trong những ngày “đèn đỏ” của cháu, dù đã hướng dẫn cháu rất kỹ cách vệ sinh trong những ngày bình thường tại nhà và con làm rất tốt.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ trên Báo Người Đưa Tin đã lưu ý những điều này như sau:
Vệ sinh trong ngày thường cần thực hiện một số điều:
- Đầu tiên cần cho trẻ tìm hiểu kiến thức từ sách báo hoặc bác sĩ để trẻ biết và thay đổi thói quen có thể ảnh hưởng không tốt tới âm đạo. Điều này rất quan trọng, chiếm tới 50% trong việc phòng bệnh, nhất là phòng tái viêm nhiễm âm đạo.
- Đi vệ sinh xong chỉ cần thấm giấy khô, không rửa nước nhiều, đặc biệt là việc thụt rửa vì nó sẽ làm thay đổi môi trường âm đạo.
- Chỉ cần rửa nước máy, nước sạch là được không cần thiết phải lần nào rửa cũng dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ.
- Lựa chọn quần lót thấm hút tốt, khô thoáng.
- Dọn dẹp lông "vùng kín" sao cho phù hợp, không nên cạo hết lông, nhưng cũng không nên để quá rậm rạp gây ẩm ướt.
Vệ sinh âm đạo trong ngày đèn đỏ cần lưu ý một số điều sau:
Về cơ bản trẻ mới có kinh nguyệt hay phụ nữ trưởng thành vệ sinh "vùng kín" trong ngày “đèn đỏ” không có sự khác biệt quá nhiều. Trong những ngày có kinh, "vùng kín" ra máu và lượng máu sẽ tồn tại ở mức nhất định phía trong chứ không ra hết được, trong khi máu là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển.
Ngoài ra, trong những ngày này, mạch máu bị cương rất khó chịu, cơ thể chị em sẽ suy giảm miễn dịch, không khỏe như bình thường, dễ bị suy yếu. Do vậy, vi khuẩn rất dễ xâm nhập, tấn công và gây viêm nhiễm, nên việc vệ sinh rất quan trọng.
Trong ngày “đèn đỏ”, chị em không nên kiêng khem mà cần tắm rửa, vệ sinh thường xuyên hơn ngày thường. Khi vệ sinh cũng chỉ cần dùng nước sạch, nước máy không cần thiết phải dùng nước đun sôi hay dung dịch vệ sinh quá nhiều.
Dù lượng máu kinh ra ít vẫn phải thay băng vệ sinh 4-6 tiếng/lần. Trường hợp máu kinh ra nhiều, tràn băng thì cần thay sớm hơn. Kể cả với trường hợp dùng tampon cũng cần thay với khoảng thời gian như vậy, không nên để quá lâu sẽ gây bốc mùi khó chịu. Ngoài ra, cần mặc đồ lót thông thoáng, không ngâm mình ở bồn hay bơi trong ngày kinh nguyệt.
Với trẻ ở tuổi dậy thì, mới có kinh nguyệt phụ huynh cần tư vấn những điều trên cho con, đồng thường hướng dẫn con cách thay băng để con có thể tự thay khi ở trường.
Ngoài ra, luôn để sẵn băng vệ sinh trong cặp sách của con, không đợi đến sát ngày mới chuẩn bị bởi chu kỳ của trẻ chưa đều, có thể đến sớm hoặc muộn hơn, thậm chí tháng có kinh, tháng không có…
Với trẻ quá nhỏ tuổi (dưới 10 tuổi) đã có kinh nguyệt, mẹ nên chia sẻ với giáo viên phụ trách để cô giáo giúp con xử lý tình huống xấu có thể xảy ra nếu có. Đồng thời, phụ huynh nên chuẩn bị kiến thức để giáo dục, chia sẻ với con về vấn đề này giúp trẻ không bị bỡ ngỡ trong lần đầu "đèn đỏ".
Trẻ dậy thì nên ăn uống như thế nào trong ngày 'đèn đỏ'?
Theo Vinmec, trong giai đoạn này, trẻ chăm sóc cơ thể bằng chế độ như sau:
1.1 Uống nhiều nước
Uống nhiều nước luôn là lời khuyên hữu ích của các chuyên gia đối với mọi người, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt. Trong thời kỳ đèn đỏ, cơ thể thường có các triệu chứng điển hình là chuột rút, đau nhức. Việc uống đủ nước có thể làm giảm nguy cơ bị đau đầu, chuột rút,... Vì vậy, nên bổ sung nước tối thiểu 2 lít/ngày.
1.2 Trái cây
Các loại trái cây nhiều nước như táo, lê, dưa hấu,... giúp hạn chế cảm giác thèm đường của phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời cung cấp đủ chất dinh dưỡng và vi chất thiết yếu. Ăn trái cây ngọt giúp cung cấp đủ đường cho cơ thể mà không cần nhiều đường tinh luyện.
1.3 Rau lá xanh
Trong kỳ kinh nguyệt, phụ nữ thường bị giảm nồng độ sắt, đặc biệt là nếu kinh nguyệt ra nhiều. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, đau nhức cơ thể,... Vì vậy, nên tăng cường bổ sung các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau chân vịt,... vào thực đơn cho ngày đèn đỏ để tăng cường lượng sắt cho cơ thể. Đồng thời, rau chân vịt còn rất giàu magie, tốt cho sức khỏe.
1.4 Gừng
Một cốc trà gừng giúp cải thiện một số triệu chứng của kỳ kinh nguyệt. Gừng có tác dụng chống viêm nên có thể làm dịu các cơ bị đau nhức trong ngày đèn đỏ. Đồng thời, gừng còn làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn ói. Tuy nhiên, phụ nữ chú ý không nên tiêu thụ quá nhiều gừng. Việc tiêu thụ trên 4g gừng/ngày có thể gây ra chứng ợ nóng và đau bụng.
1.5 Thịt gà
Thịt gà là thực phẩm giàu chất sắt và protein mà chị em nên thêm vào chế độ ăn uống của mình. Ăn các thực phẩm giàu protein sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng quát, giúp phái đẹp no lâu trong kỳ kinh nguyệt và làm giảm cảm giác thèm ăn.
1.6 Cá
Cá rất giàu chất sắt, protein và axit béo Omega-3. Vì vậy, cá là loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng rất tốt cho chế độ ăn uống của mọi người. Ăn cá sẽ bổ sung sắt cho cơ thể, kiểm soát được tình trạng giảm nồng độ sắt trong thời kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, Omega-3 cũng làm giảm cường độ của cơn đau trong kỳ đèn đỏ. Đồng thời, dưỡng chất này còn làm giảm chứng trầm cảm, tâm trạng thất thường xung quanh kỳ kinh nguyệt.
1.7 Nghệ
Nghệ là loại gia vị chống viêm với thành phần hoạt chất chính là curcumin. Những người dùng nghệ trong chế độ ăn uống gặp các triệu chứng nhẹ hơn trong thời kỳ kinh nguyệt.
1.8 Socola đen
Socola đen rất giàu sắt và magie. 1 thanh socola đen 100g có chứa 67% nhu cầu sắt và 58% nhu cầu magie hằng ngày của cơ thể. Magie làm giảm nhẹ các triệu chứng của thời kỳ đèn đỏ.
1.9 Dầu hạt lanh
Cứ 15ml dầu hạt lanh thì có chứa 7.195 miligam axit béo Omega-3. Việc sử dụng dầu hạt lanh có thể làm dịu tình trạng táo bón - một triệu chứng khá phổ biến trong thời kỳ đèn đỏ.
1.10 Các loại đậu
Các loại đậu và đậu phụ đều là thực phẩm giàu protein. Vì vậy, chúng là thực phẩm thay thế thịt rất tốt cho những người ăn chay. Đồng thời, chúng cũng rất giàu chất sắt - chất bổ sung tuyệt vời cho phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt khi lượng sắt bị giảm xuống thấp.