Có thể bố mẹ dễ quên nhưng với trẻ con, những lời hứa quan trọng hơn bất kì điều gì.
- Trẻ trước 3 tuổi đã có 3 biểu hiện này chứng tỏ EQ rất cao, cha mẹ không cần lo lắng
- Cha mẹ có tính cách này khiến con chỉ muốn chống đối, ngày càng xa cách gia đình
Đứng ở góc độ của cha mẹ, có những chuyện dường như rất nhỏ nhặt nhưng lại vô cùng quan trọng với con. Phụ huynh có thể coi thời gian dành cho con như một nghĩa vụ, nhưng với những đứa trẻ, đó là khoảnh khắc đáng mong chờ nhất trong ngày. Con cái là bản sao của cha mẹ, thế nên có những điều bố mẹ làm vô tình khiến con học theo thói xấu, về lâu dài ảnh hưởng đến tính cách trong tương lai.
"Mẹ mệt nên không đưa con đi được"
Đi làm về, chị Nga (30 tuổi, sống tại Hà Nội) mệt nhoài, chị đặt lưng xuống giường và nói với con gái Chíp (5 tuổi) đang chơi bên cạnh: "Mẹ mệt quá, mai là ngày nghỉ mình ở nhà chơi thôi nhé". Chíp phụng phịu: "Nhưng mẹ hứa cuối tuần cho con đi chơi rồi mà, mẹ hứa bao nhiêu lần rồi ấy, lúc nào cũng ngày mai. Con rất buồn vì mẹ không giữ lời hứa".
"Nhưng mẹ bận với mệt mà, con cái không biết hiểu cho mẹ, đúng là hư", chị Nga cáu gắt. Lúc này cô bé Chíp cũng khóc, chạy vào phòng ngồi ôm chú gấu bông: "Mẹ chẳng thương mình gì cả, mẹ chỉ hứa thôi, mình đã mong chờ được đi chơi như thế nào". Nhưng chị Nga không quan tâm nữa, chị nghĩ con vẫn còn quá bé, chắc không để tâm đến mấy lời hứa của mẹ.
Và chị lấy lý do bận, mệt suốt cả 1 tháng trời. Cuối tuần nào, bé Chíp cũng mong được đi chơi, nhưng nhận về lại là sự thất vọng. Một thời gian sau, bé không còn muốn nhắc lại lời hứa ấy, thấy mẹ đi làm về là Chíp tự chơi một mình, thậm chí cũng không cần mẹ chơi cùng.
Hứa chỉ để xoa dịu lòng con
Để khiến con ngoan ngoãn nghe lời, một số bậc cha mẹ thường nói dối như đưa con đi đâu chơi, mua gì. Về sau do công việc, cuộc sống bận rộn mà người lớn rất dễ quên đi những lời hứa suông đó. Thế nhưng trẻ lại nhớ rất rõ. Cứ mãi như vậy, trẻ sẽ mất lòng tin vào cha mẹ và không chịu tuân theo kỷ luật. Rất có thể những đứa trẻ cũng có thể học cách trở nên tồi tệ và trở nên ít nghiêm túc hơn với những lời hứa.
Trên thực tế, việc người lớn "vô tư" hứa rồi cũng "vô tư" quên đi lời hứa là điều thường xảy ra trong cuộc sống. Bố mẹ cho rằng trẻ con còn bé xíu, làm sao mà nhớ được những lời viển vông ấy. Thế nhưng đó lại là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Lời hứa với trẻ con đôi khi còn quan trọng hơn lời hứa với người lớn. Trẻ em giao tiếp không chỉ bằng lý trí mà bằng cảm tính. Bố mẹ hứa với con mà không làm thì dù có 1001 lý do hợp lý trẻ vẫn không tin. Với trẻ, điều quan trọng không chỉ là giữ lời hứa, mà còn là sự quan tâm đến trẻ hay cách thể hiện lời hứa.
Xử lý ra sao với những lời hứa?
Tốt nhất, bố mẹ hãy cân nhắc trước khi đưa ra một lời hứa với con, nên suy nghĩ kĩ càng về công việc, thể trạng trước khi hứa chuyện gì đó. Ban đầu khi bạn thất hứa, bé có thể phụng phịu, dỗi hờn. Nhưng nếu lời hứa suông lặp đi lặp lại với tần suất dày, con thậm chí sẽ chẳng còn tin vào những lời nói đó nữa.
Trong tình huống bố mẹ chưa chắc chắn về lời hứa của mình, có thể nói với bé là: "Cứ đợi đến hôm ấy đã con nhé. Mẹ cũng chưa biết mẹ có bận không". Nếu có lỡ quên lời hứa, bố mẹ nên xin lỗi bé với lý do chính đáng và không quên đền cho bé bằng một sự quan tâm khác.
Đừng coi thường hay chế nhạo việc giữ lời này. Bố mẹ hay thất hứa không chỉ làm tổn thương con mà còn ảnh hưởng đến tính cách trong tương lai của trẻ. Bố mẹ nên cố gắng hứa ít, làm nhiều, để con vừa tin tưởng bố mẹ, vừa hiểu được giá trị lời nói của người lớn. Bố mẹ tôn trọng bé, giữ lời hứa với bé cũng chính là tôn trọng bản thân mình. Bố mẹ giữ lời hứa với con cũng chính là việc dạy con giữ lời hứa với người khác.