Có nên dạy con đánh trả khi bị bắt nạt học đường?

Nuôi dạy con 31/08/2022 12:15

Bắt nạt học đường tưởng chừng chỉ là câu chuyện của trẻ con nhưng lại gây hậu quả lớn đối với sức khỏe thể chất cũng như tâm lý cho trẻ. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm và dạy con cái cách bảo vệ bản thân và chống nạn bắt nạt học đường.

Bắt nạt học đường là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay. Nhiều người chia sẻ rằng khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường là những năm tháng tồi tệ nhất trong cuộc đời bởi họ phải chịu đựng sự bắt nạt từ bạn bè xung quanh. Phần lớn những đứa trẻ bị bắt nạt đều im lặng và tự mình đối phó với những cuộc xung đột, bạo lực học đường.

Những đứa trẻ với sự non nớt, thiếu kỹ năng xử lý tình huống không dám phản kháng vì sợ sẽ khiến cho tình hình thêm căng thẳng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc đáp trả các hành động gây hấn bằng nắm đấm.

 Có nên dạy con đánh trả khi bị bắt nạt học đường? - Ảnh 1
Hầu hết trẻ bị bắt nạt đều im lặng và tự mình đối phó với những cuộc xung đột, bạo lực học đường (Ảnh minh họa) 

Xích mích hay bắt nạt?

Trước tiên, phụ huynh hãy tìm hiểu liệu rằng con cái đang có xích mích với bạn bè hay đang phải chịu đựng sự bắt nạt học đường. Đừng nhanh chóng kết luận một sự việc là bắt nạt. Bởi xích mích và bắt nạt là hai vấn đề có mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Chuyện xích mích, xung đột hay bất đồng quan điểm giữa bọn trẻ là điều hết sức bình thường trong quá trình kết bạn và trưởng thành của chúng. Trong khi đó, bắt nạt lại liên quan tới sự mất cân bằng quyền lực, những kiểu hành vi có tính gây hấn, khiêu khích, thù địch hay trả đũa.

Bà Barbara Coloroso, chuyên gia tâm lý và là tác giả của nhiều cuốn sách về chủ đề nạn bắt nạt học đường cho biết, trong trường hợp con trẻ xảy ra xích mích hay xung đột với bạn bè, nhiệm vụ của cha mẹ là hỗ trợ con trẻ giải quyết các vấn đề, còn nạn bắt nạt thì cần ngăn chặn. Thay vì can thiệp quá sâu khi con trẻ xảy ra sự bất đồng quan điểm với bạn bè, hãy dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc, hành vi, lời nói trong quá trình xảy ra xung đột, bất đồng quan điểm.

Để con trẻ tự giải quyết những xích mích, bất đồng quan điểm là cách giúp chúng trau dồi kỹ năng sống và kinh nghiệm để xử lý những tình huống tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, nếu xung đột diễn ra trong một thời gian dài mà trẻ không thể tự giải quyết, rất có thể trẻ sẽ phải chịu tổn thương về mặt tinh thần và thể chất. Trong trường hợp này, phụ huynh cần can thiệp kịp thời để bảo vệ con trẻ.

 Có nên dạy con đánh trả khi bị bắt nạt học đường? - Ảnh 2
 Phụ huynh nên tìm hiểu liệu con cái đang có xích mích với bạn bè hay đang phải chịu đựng sự bắt nạt tại trường học (Ảnh minh họa)

Giải quyết xung đột

Katie Hurley, một nhà trị liệu tâm lý chuyên về trẻ em và thanh thiếu niên nhận định, trẻ em có khả năng tự nhận thức được khi nào “cuộc chiến” sẽ bùng nổ nên trẻ cần được cha mẹ dạy các kỹ năng kiểm soát tình huống trước khi căng thẳng leo thang. Bí quyết để giải quyết xung đột và xích mích là làm chủ tình hình và sẵn sàng đàm phán.

Lỗi sai có thể đến từ phía đối phương nhưng trẻ cũng nên chủ động nhận một phần lỗi về phía mình. Phụ huynh hãy dạy con cái cách giữ bình tĩnh và sẵn sàng lắng nghe đối phương trong mọi tình huống. Để giải quyết xung đột với bạn bè, trẻ nên thẳng thắn trò chuyện cùng đối phương với thái độ cởi mở và thể hiện lối hành xử thiện chí.

Con trẻ hoàn toàn có thể tự thực hành những cuộc trò chuyện giải quyết xung đột như vậy với cha mẹ, người thân để nhận được sự góp ý.

Sự quyết đoán khác với sự hung hăng

Trong trường hợp, trẻ thường xuyên bị quấy rối, trước tiên cần giữ bình tĩnh, sau đó thể hiện sự quyết đoán bằng ánh mắt và lời nói: "Đừng chạm vào tôi". Nếu trẻ không giao tiếp và phản ứng bằng sự quyết đoán, việc quấy rối, trêu chọc sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, sự quyết đoán khác với sự tức giận hay hung hăng, thái độ đáp trả quá tiêu cực chỉ khiến cho đối phương kích động và vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

 Có nên dạy con đánh trả khi bị bắt nạt học đường? - Ảnh 3
 Việc trẻ đáp trả một cách kích động khi bị bắt nạt chỉ khiến vấn đề nghiêm trọng hơn (Ảnh minh họa)

Không chỉ trẻ bị bắt nạt cần có sự quyết đoán, những trẻ chứng kiến hành vi bắt nạt cũng cần có thái độ kiên quyết. Hầu hết trong trong mọi tình huống sẽ luôn có một đứa trẻ cầm đầu và nghĩ ra những trò bắt nạt, còn những đứa trẻ khác hùa theo. Kẻ bắt nạt luôn có xu hướng tìm kiếm thêm đồng minh. Vậy nên hãy dạy trẻ nhận thức được rõ đâu là hành vi bắt nạt, kiên quyết không tham gia, cổ vũ cho những hành vi xấu.

Tự vệ

Khi đối mặt với các cuộc tấn công thể chất dù là do xung đột hay bị bắt nạt, trẻ nên biết cách tự vệ và sử dụng chúng để tự bảo vệ bản thân. Có sự khác biệt giữa tự vệ với tấn công hay đánh trả. Trẻ nên được dạy các động tác tự vệ để ngăn chặn việc bị tấn công thay vì đánh trả gây tổn thương cho đối phương và có thể châm ngòi khiến cuộc tấn công diễn ra theo hướng tồi tệ hơn.

Đồng thời, nếu đứa trẻ bị bắt nạt hay cảm thấy bị đe dọa, chúng nên nhờ những người ngoài cuộc gần nhất để giúp đỡ. Theo một cuộc khảo sát từ một website, những người ngoài cuộc với sự trưởng thành và tỉnh táo khi xử lý tình huống có thể ngăn cản một vụ bắt nạt với tỉ lệ thành công lên tới 57%.

 Có nên dạy con đánh trả khi bị bắt nạt học đường? - Ảnh 4
 Phụ huynh cần dạy trẻ cách tự vệ khi bị bắt nạt về thể chất (Ảnh minh họa)

Sử dụng lời nói thay vì nắm đấm

Nếu việc lên tiếng, bênh vực bản thân hoặc nhờ bạn bè giúp đỡ không hiệu quả, chúng ta nên khuyến khích trẻ đến gặp giáo viên đáng tin cậy hoặc cố vấn học đường để nhận sự giúp đỡ.

Thực tế, những kẻ bắt nạt bạn bè chỉ thực hiện hành vi này vào những thời điểm hoặc địa điểm mà người lớn không để ý đến. Vì vậy, nếu trẻ không chia sẻ với phụ huynh hay giáo viên, người lớn không thể đứng ra giúp đỡ và bảo vệ trẻ.

4 điều kiêng kỵ cha mẹ cần tránh khi đặt tên cho con 

Sinh con ra, bậc phụ huynh nào cũng muốn đặt cho con cái tên thật đẹp, mang nhiều ước mơ, hy vọng, Tuy vậy, dưới đây là một số điều kiêng kỵ khi cha mẹ đặt tên cho con để tránh điềm xui xẻo.

TIN MỚI NHẤT