Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết điều quan trọng khi chọn đồ chơi cho trẻ là cha mẹ phải đáp ứng sự hứng thú của bé, giúp não bộ phát triển. Để chọn đồ chơi cho trẻ đúng cách, cha mẹ cần lưu ý những điều cơ bản dưới đây.
- Mẹo chữa lang ben an toàn và hiệu quả cho bé, cha mẹ nào cũng nên biêt
- Cách phòng tránh thủy đậu cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ Nhi
Các giai đoạn hứng thú của trẻ em đối với một món đồ chơi
Theo nghiên cứu, sự hứng thú của trẻ em đối với một món đồ chơi trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Bé chú ý và tỏ ra quan tâm.
- Giai đoạn 2: Bé sẽ chủ động tham gia và khám phá theo cách riêng nhưng luôn tìm cách giao tiếp với cha mẹ bằng cử chỉ, ánh mắt hoặc lời nói.
- Giai đoạn 3: Bé sẽ chơi và khám phá món đồ chơi.
Cách chọn đồ chơi cho trẻ
Có nên chọn đồ chơi công nghệ?
Hiện nay, các bậc phụ huynh có xu hướng tìm mua những loại đồ chơi công nghệ để giúp bé phát triển trí não. Ngoài ra, các loại game hay ứng dụng thông minh hỗ trợ bé học chữ cũng được nhiều cha mẹ quan tâm. Tuy nhiên, cấp độ thông minh của món đồ chơi không nằm ở công nghệ mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Chọn đồ chơi cho trẻ theo các cấp độ thông minh
Theo Viện Hoàng gia Nhi khoa (Vương Quốc Anh), 4 cấp độ thông minh của đồ chơi bao gồm:
Cấp độ 1: “Tôi có bộ mặt thu hút”
Việc thu hút sự chú ý của một đứa trẻ cực kỳ khó khăn. Cha mẹ cần nắm những nguyên tắc cơ bản này:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Chọn đồ chơi cho trẻ sơ sinh đến dưới 6 tháng tuổi nên ưu tiên những món đồ chơi có các màu sắc cơ bản như: Vàng, đỏ, xanh, đen hoặc trắng. Hình dạng đồ chơi nên chọn là: Hình tròn, hình vuông đơn giản, không cần góc cạnh và chi tiết phức tạp nhưng cần có kích thước hơi to.
- Trẻ từ 6 – 12 tháng: Lựa chọn đồ chơi tương tự như trẻ dưới 6 tháng tuổi nhưng nên có thêm âm thanh (tiếng kèn hoặc tiếng kêu khi bóp), bánh xe (để bé có thể kéo, lăn…). Bên cạnh đó, có thể sử dụng 2 – 3 chất liệu đồ chơi khác nhau: Đồ chơi làm từ băng giấy, từ cao su, vật liệu nhám, gồ ghề hoặc trơn.
- Trẻ từ 1 – 4 tuổi: Các đồ chơi bắt đầu có hình thể gần với đời thực. Ví dụ: Mô hình xe hơi tương tự xe hơi thật, gấu bông hay thỏ trắng như trong sở thú hay phim hoạt hình. Bên cạnh đó, đồ chơi nên có thêm nhiều chi tiết để trẻ có thể tháo lắp và gắn vào được để có thể khám phá cấu trúc, khám phá không gian.
Cấp độ 2: “Tôi luôn an toàn với trẻ”
Để chọn đồ chơi một cách an toàn cho bé, cha mẹ cần ghi nhớ:
- Đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi không nên nhỏ hơn chu vi miệng bé tránh trường hợp bé cho vào mồm gây nguy cơ hóc.
- Đồ chơi không chứa các cạnh sắc nhọn.
- Đồ chơi không chứa chất độc hại, nên chọn các vật liệu an toàn (vải, giấy hoặc nhựa không chứa BPA).
- Tránh các đồ chơi gây bỏng (pháo hoa cầm tay) hoặc gây hóc như bong bóng.
Cấp độ 3: “Tôi không hướng trẻ về bạo lực hay hành vi khiếm nhã”
Những món đồ chơi của trẻ thời ấu thơ phần lớn sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Theo Cơ quan Quản lý Đồ chơi (Vương Quốc Anh), bắt đầu từ 9 tháng tuổi trẻ đã dần phát triển nhận biết về món đồ chơi theo giới tính. Đây cũng là thời điểm trẻ bắt đầu tiếp thu và nhận biết về tính chất bạo lực cũng như hành vi suy thoái đạo đức của những món đồ chơi không lành mạnh.
Cha mẹ có thể xây dựng tình yêu và ước mơ của trẻ về một siêu anh hùng nhưng hãy tránh chọn những món đồ chơi được trang bị vũ khí (súng, kiếm…) mang hơi hướng bạo lực.
Ngoài ra, những món đồ chơi thể hiện sự phân biệt đối xử về giới tính, giàu nghèo, màu da... cũng nên tránh cho bé từ 9 tháng tuổi trở lên.
Cấp độ 4: “Tôi được làm bởi chính bạn”
Những món đồ chơi cha mẹ và bé cùng chế tạo được xem là cấp độ cao nhất của trí tuệ. Với phương pháp này, mẹ sẽ giúp bé phát triển trí sáng tạo, tăng khả năng học hỏi, khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề.
Cha mẹ hãy bắt đầu bằng những vật dụng quanh nhà để tạo nên những món đồ chơi thú vị cho bé như: Ống nghe điện thoại bằng lon sữa bò, sọt đựng đồ chơi bằng bìa các tông, đèn ông sao bằng tre nứa...
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
(Bệnh viện Hoàng gia Worcester - Vương quốc Anh)