Khi bé được 5,5 - 6 tháng tuổi, bé cần bắt đầu ăn dặm để bổ sung chất dinh dưỡng. Vậy cần chú ý gì khi cho bé ăn dặm, cách làm bột gạo cho bé ăn dặm tại nhà như thế nào?
- Cách dạy trẻ sơ sinh theo từng tháng đạt chuẩn Nhật Bản
- 8 cách dạy trẻ 1 tuổi thông minh của các cặp cha mẹ thành công
Nội dung bài viết
Khi nào nên bắt đầu tập ăn dặm cho bé?
Bột gạo là thành phần cần thiết trong thực đơn ăn dặm của bé. Xác định thời điểm bắt đầu cho bé ăn dặm và tìm hiểu cách làm bột gạo cho bé ăn dặm là vô cùng quan trọng. Cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc tập ăn dặm cho bé nên được bắt đầu khi bé được 5-6,5 tháng tuổi. Đây là thời điểm mà hệ tiêu hóa của bé đã có thể tiêu hóa các chất rắn. Đồng thời đây cũng là giai đoạn mà nhu cầu chất dinh dưỡng của bé tăng cao, các bà mẹ cần bổ sung chất dinh dưỡng cho bé từ các thực phẩm tự nhiên như tinh bột, vitamin, chất xơ, chất đạm, protein, chất béo,...
Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm vì hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, việc ăn dặm sớm sẽ gây sức ép dạ dày và thành ruột, ảnh hưởng đến việc tiêu hóa cũng như khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của bé. Các bé có thể gặp tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, táo bón,...Các bé ăn dặm quá sớm thường có biểu hiện suy dinh dưỡng mặc dù trông bụ bẫm do các chất dinh dưỡng không được hấp thu hết.
Việc cho bé ăn dặm quá sớm dễ dẫn đến thừa chất và các bệnh về huyết áp. Bột ăn dặm thường có mùi bị đa dạng, kích thích ăn uống, cho bé ăn dặm quá sớm có thể khiến bé bỏ sữa mẹ - nguồn cung cấp kháng thể của bé. Một số chất trong bột ăn dặm cũng làm giảm khả năng hấp thu sắt có trong sữa mẹ.
Việc ăn dặm cũng không nên được tiến hành quá muộn. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ khi không đủ chất dinh dưỡng trong thời kỳ tăng trưởng, khiến bé bị chậm lớn, nhẹ cân và suy dinh dưỡng. Việc cho bé ăn dặm muộn cũng có thể gây khó khăn khi thay đổi thức ăn cho bé vì bé đã quá quen với vị sữa mẹ cũng như các thức ăn dạng lỏng.
Cách làm bột gạo cho bé ăn dặm ngon miệng
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại bột ăn dặm được làm sẵn cũng như các loại bột ăn dặm công thức đóng hộp. Ưu điểm chung của các loại bột này là tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí hợp lý và nhiều chủng loại.
Tuy nhiên các bác sĩ Nhi khoa khuyên các bà mẹ nên tìm hiểu các cách làm bột gạo cho bé ăn dặm tại nhà để điều chỉnh và kiểm soát chất dinh dưỡng cho bé. Tùy thuộc vào thể trạng cũng như nhu cầu của mỗi bé mà mẹ cần điều chỉnh các loại thực phẩm sao cho hợp lý để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với bé nhà mình.
Nhiều bà mẹ không biết xay bột cho trẻ ăn dặm gồm những gì và nên chọn loại gạo nào để xay bột cho trẻ. Khi chọn gạo để xay bột ăn dặm cho bé, các mẹ nên chọn loại gạo mới, hạt gạo tròn, to, có mùi thơm, không có mùi ẩm mốc. Để giữ lại nhiều nhất các chất protein, vitamin B1, B6, PP,... các mẹ nên chọn gạo xát 1 lần, còn nguyên cám gạo.
Ngoài sử dụng gạo trắng, các mẹ có thể sử dụng gạo lứt để nghiền bột cho bé. Cách làm bột gạo lứt cho bé ăn dặm không khác cách làm bằng gạo trắng nhưng do gạo lứt khá cứng, khi nghiền bột gạo cho bé ăn dặm, các mẹ cần ngâm gạo qua đêm từ 8-10h. Khi nấu, các mẹ nấu trong thời gian dài hơn so với gạo trắng.
Có nhiều cách nghiền bột gạo cho bé ăn dặm, có thể xay bột khô hoặc bột ướt đều được.
Với cách nghiền bột gạo cho bé bằng phương pháp xay khô, gạo cần được vò thật sạch và để ráo nước. Các mẹ có thể phơi nắng để gạo nhanh khô. Rang gạo trên chảo từ 3-5 phút cho đến khi gạo chín. Sau đó dùng máy xay sinh tố hoặc máy xay bột xay gạo cho thật mịn. Bột gạo sau khi xay được lọc qua rây để loại bỏ các hạt lợn cợn. Thành phẩm cuối cùng nên được bảo quản trong túi bóng kín hoặc hũ nhựa, hũ thủy tinh đậy kín và để ở nhiệt độ phòng. Nên sử dụng bột gạo khô trong vòng 2 tháng.
Với cách nghiền bột gạo cho bé bằng phương pháp xay gạo ướt, gạo cần được vo thật sạch và ngâm trong nước sạch có pha muối qua đêm để loại bỏ chất bẩn. Sau khi ngâm, gạo cần được vo lại và đổ nước ngập bề mặt gạo. Sau đó sử dụng máy xay sinh tố hoặc máy xay bột ướt để xay bột, dùng rây hoặc vải xô để lọc bỏ các hạt còn chưa mịn. Nên xay bột 2 lần để bột được mịn và nhuyễn. Bột sau khi xay được phơi nắng 2 ngày hoặc sấy đến khi bay hết hơi nước. Bột càng khô thì thời gian bảo quản càng lâu. Bảo quản bột trong túi bóng kín hoặc hũ nhựa, hũ thủy tinh đậy kín và để ở nhiệt độ phòng.
Một số cách làm bột gạo cho bé ăn dặm
Có thể cho bé ăn dặm vị ngọt hoặc vị mặn. Về bản chất, thành phần dinh dưỡng trong hai loại bột này là như nhau. Tuy nhiên, khi bắt đầu tập cho bé ăn dặm, các mẹ nên để bé ăn bột vị ngọt trước sau đó kết hợp chuyển sang vị mặn.
1. Cách nấu bột ăn dặm ngọt
Trong 2-4 tuần đầu, bé vẫn quen với vị ngọt của sữa mẹ, để bé cảm thấy dễ ăn và ăn ngon miệng, các mẹ nên nấu bột ăn dặm ngọt cho bé. Để tạo vị ngọt, các mẹ nên sử dụng các loại bột ăn dặm có sẵn vị ngọt như bột yến mạch, bột gạo nấu với sữa. Để tăng hương vị và bổ xung chất xơ, các mẹ có thể xay thêm các loại rau củ quả có vị ngọt như bí đỏ, ngô, củ cải, cà rốt, chuối, bơ, ... hoặc thêm các loại nước ép từ hoa quả nếu muốn.
Dưới đây là cách nấu bột gạo sữa cho bé ăn dặm vị ngọt với bí đỏ. Bạn cần 20 gram bột gạo, 30 gram bí đỏ và 200ml nước, 2 thìa đường. Bí đỏ đem nấu chín, tán nhuyễn, trộn với bột gạo, nước và đường. Sau đó bạn đặt hỗn hợp lên bếp, khuấy đều cho đến khi chín, thêm 4 muỗng sữa bột và 1 thìa dầu ăn.
Bột ăn dặm nên sử dụng hết sau khi nấu. Với các mẹ bận rộn, có thể nấu sẵn, chia thành từng bữa, trữ trong ngăn mát tủ lạnh và hâm nóng để sử dụng cho lần sau nhưng không nên để quá 24h.
Sau 2-4 tuần, bé sẽ bắt đầu cảm thấy chán bột ăn dặm ngọt, khi đó, các mẹ nên đổi cho bé sang bột ăn dặm mặn và có thể kết hợp xen kẽ cho bé vị ngọt và mặn để kích thích bé ăn uống.
2. Cách nấu bột ăn dặm mặn
Khi bé được 7-8 tháng, để kích thích bé ăn uống cũng như tập cho bé làm quen với khẩu vị của các loại thức ăn hàng ngày, các mẹ nên cho bé ăn bột ăn dặm vị mặn. Các mẹ có thể kết hợp thêm các loại rau xanh và các loại hải sản như tôm, cá, lươn,... và các loại thịt như thịt lợn, thịt gà, thịt bò,... để làm phong phú bữa ăn và bổ sung chất dinh dưỡng cho bé.
Bột ăn dặm của bé không nên cho quá nhiều muối vì nhu cầu muối của bé trong giai đoạn này là khá ít và bé đã được bột sung một phần muối thông qua sữa mẹ và các loại sữa bột. Việc ăn quá mặn với bé có thể gây hại đến thận và tiềm ẩn nguy cơ cao huyết áp sau này. Các mẹ nên nêm thật ít muối, cho bé ăn nhạt và sử dụng các loại thực phẩm đậm vị để tạo vị mặn thay cho muối.
Khi nấu bột ăn dặm cho bé, các mẹ chú ý bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cho bé gồm:
- Nhóm tinh bột: gạo trắng, gạo lứt,...
- Nhóm chất xơ và vitamin: các loại rau và củ quả tươi
- Nhóm chất béo: dầu thực vật và mỡ động vật
- Nhóm chất đạm: tôm, cá, thịt, trứng,..
Để bổ sung chất dinh dưỡng và bảo vệ hệ tiêu hóa non nớt của trẻ, các mẹ hãy tham khảo cách làm bột gạo cho bé ăn dặm tại nhà và chế biến cho bé những bữa ăn vệ sinh và an toàn.