Bạo hành trẻ em đang trở nên đáng báo động ngay cả trong chính gia đình của các em. Thật tiếc nhiều người chưa từng biết đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
- Tại sao nên cho trẻ ăn cơm cùng gia đình?
- Đừng quá chú ý tới kết quả học tập, nếu con bạn bộc lộ những điểm này khi còn bé chứng tỏ đứa trẻ có IQ rất cao
Theo thống kê từ Bộ Công an, có tới 71% trẻ em từ 4 đến 14 tuổi bị đánh đập, bạo hành.
Năm 2020, có 2.000 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều phụ huynh vẫn chưa có nhận thức rõ ràng và cụ thể về hành vi bạo hành trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, không hành vi gây tổn hại nào cho trẻ em có thể được biện minh. Cứ gây tổn hại cho trẻ em là phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Ngày nay, người xâm hại, bạo lực với trẻ em còn phải chịu sự trừng phạt của dư luận xã hội. Xâm hại, bạo lực trẻ em là câu chuyện của mọi quốc gia khác. Nó là vấn đề mang tính lịch sử, tồn tại song song với xã hội loài người và cũng mang tính thời sự và cần thảo luận nhiều.
Theo bà Lê Mai Quyên - Tư vấn viên Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, có 2 loại bạo lực trẻ em phổ biến đó là bạo hành thể chất và bạo hành tinh thần.
Bạo hành về thể chất được xác định khi trẻ có thương tổn trên cơ thể. Ngoài ra còn xác định hậu quả của bạo hành thể chất xem nó tác động thế nào tới trẻ, có khiến trẻ thay đổi hành vi không, trẻ có xu hướng làm hại bản thân hay xu hướng tấn công người khác không.
“Trẻ bị đánh đập bằng cái gì, tát bằng tay có mức độ khác với đánh bằng công cụ. Trẻ có bị tấn bằng vật sắc nhọn không, có cấu véo, cắn, lắc, xô đẩy, bóp cổ, làm nghẹt thở gãy xương không”, bà Quyên viện dẫn.
Riêng với các hành vi bạo hành về tinh thần thường sẽ tinh vi hơn. Nhiều bố mẹ hay nói những lời theo thói quen, kiểu như "mày chẳng được tích sự gì", "cút xéo đi",... Đó đều là bạo hành tinh thần. Việc trẻ liên tục bị từ chối, phủ nhận, không được chấp nhận cũng là biểu hiện của bạo hành.
Hay có nhiều hành vi khác như cha mẹ có hành vi phân biệt đối xử giữa các con trong gia đình, cho trẻ tiếp xúc với văn hóa phẩm không phù hợp với lứa tuổi cũng là xâm hại...
Đôi khi, dù vô thức hay cố ý, các bậc cha mẹ đã vô tình có những hành vi bạo hành lên trẻ em. Theo ông Đặng Hoa Nam: “Có một sự thật là những người xâm hại, bạo lực trẻ nhiều nhất lại chính là các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc, gần gũi với trẻ hàng ngày. Không riêng ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng vậy”.
Các chuyên gia tâm lý đánh giá rằng, vấn nạn bạo hành về tinh thần tuy không gây ra vết thương trên cơ thể nhưng nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thần kinh của nạn nhân.
Người bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài rất có thể sẽ dễ dẫn đến tình trạng suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần. Thậm chí, có thể còn nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết chẳng hạn.
Cần thay đổi và lên tiếng bảo vệ trẻ tránh bị bạo hành
Theo các chuyên gia, hậu quả của nạn bạo hành trẻ em đến từ chính quan điểm sống. Hiện nay bộ phận lớn người dân có quan điểm "đèn nhà ai nhà nấy rạng". Tuy nhiên, để xử lý, chấm dứt bạo hành trẻ em cần có sự lên tiếng, tố cáo từ cộng đồng và phải từ bỏ quan điểm như vậy.
Hiện nay có nhiều dịch vụ để người dân có thể lên tiếng một cách an toàn như 111, 113, 115.
“Luật pháp Việt Nam quy định, người dân cần tố cáo khi nghi ngờ trẻ em bị xâm hại. Không phân định người tố cáo là ai, hành vi xâm hại là gì. Ví dụ, em bé bị đau bụng thì các bạn cứ báo cáo. Kể cả khi không phải bạo hành, các bạn cũng không bị truy cứu trách nhiệm. Các bạn được lên tiếng, bảo mật thông tin.
Tổng đài 111 có trách nhiệm đánh giá nguy cơ và can thiệp. Chúng ta không chỉ cứu trẻ em mà cứu cả bậc cha mẹ, người chăm sóc. Nếu tố cáo sớm, có thể những bản án nặng hơn sẽ không xảy ra”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh về trách nhiệm cộng đồng, tố cáo hành vi bạo hành trẻ em.
Còn bà Lê Mai Quyên thì cho rằng, mỗi người dân nên là một báo cáo viên của Tổng đài 111. “Chúng tôi không mong người gọi định giá đâu là bạo lực trẻ em, vì đây là trách nhiệm của chúng tôi. Điều chúng tôi cần là thông tin được cung cấp "Tôi thấy nghi ngờ", "Tôi nghe thấy tiếng khóc, rất nhiều vào giờ đấy, ngày đấy, và nhiều tiếng khác nữa".... Các bạn không cần phải ngồi suy nghĩ đây có phải bạo hành không, việc đó chúng tôi sẽ lo. Thay vì chần chừ hãy nhấc máy và gọi điện thoại tới số 111”.
Có thể nói, thời gian vừa qua, các vụ bạo hành trẻ em dẫn đến thương tích đầy người, thậm chí tử vong khiến dư luận không khỏi bức xúc. Để tránh những sự việc đau lòng như vậy xảy ra, quan trọng nhất cần thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người xung quanh, đặc biệt là các bậc phụ huynh.