Bà bầu bị tiêu chảy có thể khiến chị em lo lắng đến sức khỏe thai nhi nhưng bạn có biết đây cũng là dấu hiệu cho thấy mẹ sắp gặp con yêu rồi không.
- Bà bầu thấy khí hư có 3 dấu hiệu này phải đi khám ngay, có thể bé đang gặp nguy
- Bà bầu nên uống loại sắt nào?
NGUYÊN NHÂN KHIẾN BÀ BẦU BỊ TIÊU CHẢY
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy khi mang thai, cụ thể như:
- Chế độ ăn không đảm bảo vệ sinh: Sức đề kháng của bà bầu đa phần sẽ giảm sút do vậy bạn không thể thoải mái sử dụng đồ ăn thức uống chế biến sẵn, đồ ăn vặt vỉa hè hoặc đồ ăn để qua đêm. Nếu cứ ăn uống quá thoải mái, không để ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì việc bà bầu bị tiêu chảy là không thể tránh khỏi. Đặc biệt các loại thức ăn đường phố có nguy cơ cao nhiễm khuẩn E.coli, Rota, Salmonella, Norovirus...dẫn tới ngộ độc thực phẩm mẹ bầu cần cảnh giác.
- Dị ứng thực phẩm: Mặc dù chị em đã chú ý ăn uống vệ sinh nhưng do cơ thể không hấp thụ một số thực phẩm nên dẫn tới hiện tượng tiêu chảy, ví dụ như dị ứng sữa bò. Hoặc bỗng nhiên một lúc ăn nhiều thực phẩm lạ chứa nhiều đạm, mỡ nên dẫn tới tiêu chảy.
- Sử dụng thuốc: Thai phụ đang dùng thuốc điều trị huyết áp, thuốc chứa magiê và kháng sinh
- Gia tăng lượng nước trong cơ thể: Khi mẹ bầu ăn nhiều các loại thực phẩm có tính giữ nước cao như dưa hấu, dưa chuột, củ cải, cà chua, sữa chua...
- Dấu hiệu chuyển dạ: Một số bà bầu cho biết gần đến ngày sinh nở bị tiêu chảy nhẹ nguyên nhân là các hormone trong cơ thể thay đổi mạnh mẽ để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ. Nếu bạn gần ngày dự sinh mà bị tiêu chảy đồng thời xuất hiện kèm theo các cơn co thắt thì có thể bạn sắp bạn con yêu rồi đó.
BÀ BẦU BỊ TIÊU CHẢY CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Mẹ bầu bị tiêu chảy đa phần sẽ tự khỏi sau vài giờ hoặc 1-2 ngày để ổn định đường tiêu hóa. Việc này không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của thai nhi.
Tuy nhiên, nếu bạn bị tiêu chảy kéo dài và không được điều trị kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho mẹ và bé.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ – Hiện công tác tại phòng khám Sản Phụ khoa Song Hà), với phụ nữ đang mang thai khi mắc tiêu chảy thường bị nặng hơn những người bình thường và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Bị tiêu chảy không chỉ gây nguy hại đối với cơ thể mẹ, mà vấn đề này ảnh hưởng đến thai nhi như có thể làm bé bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển và nặng hơn có thể làm thai chết ngay trong bụng mẹ.
Khi mẹ bầu bị tiêu chảy, số lần đi đại tiện và nôn mửa nhiều khiến cơ thể kiệt nước, suy sụp rất nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời rất dễ tử vong. Do vậy, bác sĩ nhấn mạnh rằng chị em bầu không nên coi thường tiêu chảy, cần đi khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị đúng thuốc, đúng liều lượng và đủ thời gian để sớm khỏi bệnh.
Đặc biệt, nếu có các biểu hiện sau thì mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức:
- Tiêu chảy kéo dài từ 2 ngày trở lên.
- Đau bụng dữ dội trong nhiều giờ, nôn, sốt.
- Đau bụng hoặc đi ngoài ra máu.
BÀ BẦU BỊ TIÊU CHẢY XỬ LÝ THẾ NÀO?
Biện pháp thích hợp nhất khi bị tiêu chảy là bù nước cho cơ thể. Mẹ bầu có thể uống oresol (chú ý pha đúng tỷ lệ ) hoặc nước đun sôi để nguội.
Nên ăn cháo loãng và tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị đến khi hệ tiêu hóa ổn định trở lại.
Và quan trọng hơn cả là đừng để đến khi "tào tháo đuổi" mới tìm thuốc chữa, để phòng ngừa tình trạng bà bầu bị tiêu chảy, chị em nên chú ý đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Không ăn đồ ôi thiu, để qua đêm, đồ tái sống. Ngoài ra, chị em cần bổ sung thực phẩm giàu sắt để hạn chế bệnh thiếu máu và tình trạng tiêu chảy khi mang thai.