Trong thời gian mang thai, nếu có bất kỳ một trong những dấu hiệu bất thường dưới đây thì mẹ bầu phải đi khám ngay kẻo nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
- Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết
- Nét đẹp ngọt ngào, xinh tựa búp bê của AngelaBaby năm 20 tuổi
1. Ra máu, đau bụng
Hiện tượng ra máu âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như thai ngoài tử cung, chửa trứng, thai lưu hoặc sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non.
Mỗi một bệnh lý sẽ có những tính chất ra máu và các triệu chứng kèm theo khác nhau và cần phải được thăm khám chuyên khoa mới xác định được.
Do đó, trong thời gian mang thai nếu bị ra máu âm đạo thì mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất và an toàn nhất (nằm đầu thấp) vì có thể chảy máu nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.
2. Nhìn mờ, đau đầu, ngất xỉu
Biểu hiện đau đầu, nhìn mờ, nhiều khi có buồn nôn, nôn kèm theo, ngất xỉu có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân).
Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi.
Do đó, nếu thấy có đau đầu, nhìn mờ, ngất, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và thăm khám kịp thời.
3. Thấy cử động của thai yếu hơn và ít đi so với mọi ngày
Thai máy xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, cảm giác như “tôm búng” trong buồng tử cung; thai đạp thường xuất hiện từ tháng thứ 6 - 7. Nhiều khi thai “ngủ quên” không đạp khiến bà mẹ lo lắng.
Thai đạp yếu hoặc không có cử động của thai, kèm theo không thấy bụng to dần lên là có thể thai chậm phát triển trong tử cung hoặc thiểu ối. Khi đó, thai phụ cần đến cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt.
Hoặc cảm thấy bụng to lên nhanh, khó thở, không cảm nhận được thai máy hoặc thấy thai máy ở nhiều vị trí, cần đến bệnh viện để xác định có phải thai to hoặc đa ối, đa thai, hoặc có khối u...
Khi thấy thai đạp yếu hoặc không có cử động của thai thì nên đến để bác sĩ kiểm tra. Ảnh minh họa
4. Sốt cao trên 38,5 độ C
Sốt trong thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân và có thể kèm theo phát ban ở da. Nếu sốt kèm theo có ra nước âm đạo trên 6 giờ có thể là do nhiễm trùng ối.
Ngoài ra, sốt trong thai kỳ cũng có thể do nhiễm một số loại virus, trong đó có một số loại như cúm, Rubella, Zika...có thể gây dị tật ở bào thai nếu mắc bệnh vào giai đoạn đầu của thai kỳ...
Do vậy, khi thấy sốt trên 38,5°C mà không rõ nguyên nhân, mẹ bầu cần đến thăm khám tại cơ sở y tế.
5. Ra nước ối mà không có cơn đau đẻ
Nếu thấy ra nước âm đạo bất kỳ lúc nào trong thời kỳ thai nghén, có thể thai phụ đã bị rỉ ối.
Nếu gần đến ngày dự sinh mà nước ra nhiều, có thể mẹ bầu đã vỡ ối. Khi đó, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất và an toàn nhất (khi di chuyển cần nằm đầu thấp để tránh sa dây rốn).
6. Phù mặt, chân, tay
Nếu thai phụ thấy phù ở toàn thân, phù cả ở mặt, mí mắt, tay hoặc phù kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn…, thì cần đến khám ngay tại cơ sở y tế vì đó có thể là dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, sản giật.
*Nguồn: Cẩm nang Hành trình Mang thai và nuôi con mạnh khỏe (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế