Gói trọn những tinh hoa của ngày Tết, món bánh chưng ngũ sắc không khó nhưng lại có cách làm khá cầu kỳ trong khâu nhuộm màu cho gạo và công đoạn gói bánh.
- Để bánh chưng, bánh tét không bị mốc sau Tết cần nhớ kĩ những điều sau
- Bật mí cách chế biến món ngon từ bánh chưng thừa cực đơn giản cho những ngày Tết
Bánh chưng ngũ sắc vẫn giữ nguyên hương vị bánh chưng truyền thống, thêm chút sắc màu cùng hương thơm từ nhiều loại nông sản đem đến cho mâm cơm Tết thêm sắc xuân tươi sáng. Cách làm bánh chưng ngũ sắc không khó, chỉ cầu kỳ một chút bởi cách pha trộn giữa các loại màu sắc từ nguyên liệu tự nhiên.
Màu trắng với sắc gạo nếp trắng thơm ngon, luộc với lá dong nên có màu xanh nhạt mát mắt là màu sắc truyền thống của bánh chưng. Màu xanh đậm là màu của lá dứa với hương thơm đặc trưng hay lá riềng xay nhỏ kỳ công chắt lọc. Màu vàng là sắc màu của nghệ tươi vừa thơm ngọt vừa dậy mùi thơm. Màu đỏ lấy sắc từ quả gấc, màu tím đen lấy màu của gạo nếp cẩm dẻo thơm đặc biệt.
Bánh chưng ngũ sắc mang đến cho mâm cơm ngày Tết nét đẹp pha lẫn hương vị cổ truyền và hiện đại
Năm màu sắc trong bánh chưng ngũ sắc theo tâm linh tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với ước nguyện một năm mới trọn vẹn bình an, may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc. Bánh chưng ngũ sắc đong đầy tâm ý của người làm bánh, là món quà biếu ý nghĩa giúp tình người thêm ấm áp hơn trong những ngày giáp tết đầy háo hức, chờ mong.
Nguyên liệu chuẩn bị làm bánh chưng ngũ sắc
Đậu xanh đãi sạch vỏ
Gạo nếp, nếp cẩm
Thịt ba chỉ loại tươi ngon đặc biệt
Lá dong loại to, đều, không bị rách
Các loại gia vị nhuộm màu cho bánh như: 3-4 quả gấc tươi, 1 củ nghệ nếp tươi loại già, lá riềng hoặc lá dứa
Khuôn gói bánh chưng ngũ sắc
Cách làm bánh chưng ngũ sắc
Bước 1: Ngâm gạo
Rửa nhẹ nhàng từng lá dong thật sạch 2 mặt, sau đó lau khô
Gạo nếp đem vo sạch, loại bỏ những hạt lép, ngâm ngập trong nước muối loãng từ 12-14 tiếng tùy theo từng loại gạo, sau đó vớt ra để cho ráo sạch nước
Cầu kỳ nhất khi làm bánh chưng ngũ sắc là khâu nhuộm màu cho gạo
Bước 2: Chuẩn bị nhân bánh
Nhân bánh chưng ngũ sắc cũng được làm từ đỗ xanh và thịt lợn ba chỉ như bánh chưng truyền thống. Đỗ xanh ngâm qua đêm, sau đó đem rửa lại với nước rồi ngâm với nước muối loãng trong khoảng 2 giờ. Cuối cùng, xả nước cho đến khi đỗ xanh sạch bọt nước rồi vớt ra cho ráo, đem hấp với lửa nhỏ đến khi đậu xanh chín nhừ.
Thịt ba chỉ sau khi mua rửa sạch, thái miếng vừa ăn rồi trộn với một chút gia vị, hạt tiêu xay. Chia đỗ xanh đã đồ chín thành từng nắm rồi cho thịt ba chỉ vào giữa, nắm chặt để khi gói dễ dàng hơn.
Nhân bánh được làm từ loại thịt ba chỉ tươi ngon nhất
Bước 3: Tạo màu cho vỏ bánh
Bước tạo màu cho vỏ bánh khá quan trọng và cầu kỳ vì hoàn toàn làm từ nguyên liệu tự nhiên.
Tạo màu đỏ cho gạo: Cắt đôi quả gấc, trộn gấc với gạo đã ngâm kỹ. Với 5kg gạo nếp cần khoảng 3 quả gấc để tạo màu. Nếu muốn màu đỏ lên đậm hơn, có thể thêm gấc tùy sở thích.
Tạo màu xanh cho gạo: Xay lá riềng hoặc lá dứa với 200ml nước, sau đó lọc qua rây loại bỏ hoàn toàn bã rồi trộn phần nước cốt đó với gạo nếp đã ngâm đến khi thấm đều và gạo lên màu xanh. Nếu muốn vỏ bánh chưng màu xanh đậm hơn, nên chọn lá riềng, còn nếu muốn có mùi thơm ngọt, có thể chọn lá dứa.
Tạo màu vàng cho gạo: Chọn nghệ nếp và nghệ già, xay nhuyễn với 200ml nước rồi lọc bỏ hoàn toàn bã và trộn nước cốt với gạo nếp đã ngâm để tạo màu vàng tự nhiên. Nghệ già giúp cho gạo có màu vàng đậm sắc rực rỡ hơn mà không phải trộn quá nhiều nghệ tươi làm cho vị của gạo bị biến đổi.
Tạo màu đen tím cho gạo: Ngâm trực tiếp gạo nếp cẩm để nấu tạo màu đen tím cho bánh chưng.
Nhuộm màu và gói bánh chưng ngũ sắc tốn khá nhiều thời gian
Bước 4: Gói bánh chưng ngũ sắc đúng cách
Làm bánh chưng ngũ sắc cần người làm bánh phải tỉ mỉ sao cho các màu sắc của gạo không bị lẫn vào với nhau. Do đó, cách gói và cách làm để bánh chưng có nhiều màu sắc tách biệt khá quan trọng.
Khéo léo đổ từng loại gạo vào khuôn, đổ hơi đầy lên rồi dùng tay ấn cho gạo chắc xuống. Phần khuôn tròn ở giữa đổ gạo nếp cẩm vào trước, nén chặt rồi xếp nhân vào, cuối cùng đổ một lớp gạo nếp cẩm lên trên cùng rồi ấn chặt.
Xếp lá dong vào khuôn gói bánh cho vuông vắn, sau đó đổ phần gạo đã xếp trong khuôn vào nhẹ nhàng để các lớp gạo không hòa lẫn vào nhau. Sau đó, gói chặt tay vừa đủ để các màu sắc vẫn tách biệt mà bánh chưng được nén chặt, kín.
Bánh chưng ngũ sắc thơm ngon và có màu sắc bắt mắt
Cuối cùng, đem bánh chưng đi luộc kỹ, nén chặt để bánh chắc và thơm, không bị lại gạo. Khi luộc nên thay một lần nước, xả sạch để vỏ bánh được xanh và màu bánh tươi hơn, đẹp hơn.
Vẫn là những nguyên liệu bánh chưng truyền thống, nêm nếm thêm chút gia vị đặc biệt mang lại màu sắc rực rỡ may mắn cho năm mới, bánh chưng ngũ sắc là món ăn vừa lạ vừa quen vô cùng đặc biệt. Bánh chưng ngũ sắc giữ trọn vị tết xưa, lại tô điểm thêm sắc hương cuộc sống là sự hòa trộn giữa tết cổ truyền và tết hiện đại, rất đáng để thử trong năm mới.