Do nhiều tai biến sản khoa liên quan tới việc gây tê tủy sống trong mổ lấy thai, mới đây, Bộ Y tế mới có văn bản gửi tới các đơn vị trong và ngoài ngành về việc chấn chỉnh việc sử dụng gây tê tủy sống.
- Bà bầu nên ăn uống như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng và tăng đề kháng phòng COVID-19?
- Bà bầu ăn hạt mè khi mang thai có an toàn không?
Bộ Y tế vừa mới gửi công văn số 3105/BYT-BM-TE gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; đồng thời đề nghị Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an và bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành chỉ đạo các đơn vị có triển khai phẫu thuật lấy thai (kể cả các bệnh viện ngoài công lập) về việc chấn chỉnh sử dụng phương pháp gây tê tủy sống trong mổ lấy thai.
Theo nội dung công văn, từ tháng 6/2017, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các cơ sở y tế không sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở các sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như bệnh cảnh tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Cụ thể: các trường hợp sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật không nên sử dụng gây tê tủy sống.
Tuy nhiên, qua theo dõi và báo cáo của các tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2019, tại các địa phương vẫn xảy ra khá nhiều trường hợp tai biến sản khoa, tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh có liên quan đến tai biến sau phẫu thuật mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống.
Do đó, nhằm phòng tránh, giảm thiểu các tai biến, góp phần giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; đồng thời đề nghị Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an và bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành chỉ đạo các đơn vị có triển khai phẫu thuật lấy thai (kể cả các bệnh viện ngoài công lập) tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và kế hoạch hóa gia đình thực hiện nghiêm túc việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai.