Với chị em, thai kỳ sẽ làm thay đổi sức khỏe, cơ thể khiến nhiều người hốt hoảng nhưng các mẹ bầu nên bình tĩnh.
- Đột nhiên bị rỉ máu khi mang thai, mẹ đừng quá hốt hoảng, có thể chỉ là "chuyện nhỏ"
- Không bổ sung sắt khi mang thai, bà bầu sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề này
1. Nhạy cảm với các mùi
Trong quý đầu tiên của thai kỳ, bạn có thể cảm nhận được sự nhạy cảm với mùi. Điều này sẽ dần thay đổi và trở lại bình thường sau quý đầu tiên. Có những mùi sẽ khiến bạn cảm thấy muốn phát điên hoặc bực mình càng khiến cho vấn đề ốm nghén thêm trầm trọng.
2. Sổ mũi thường xuyên
Nếu bà bầu nhận thấy bị sổ mũi khi mang thai là hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân do lưu thông máu trong cơ thể tăng lên nên gây sưng các mạch máu ở mũi dẫn đến tắc nghẽn mũi. Có 30% phụ nữ mang thai bị ngạt mũi mà không có bất kỳ nguyên nhân dị ứng hay cảm lạnh như thông thường. Việc bị sổ mũi có thể xuất hiện ở tháng thứ hai của thai kỳ và kéo dài đến khi sinh.
3. Viêm nướu
Chị em khi mang bầu thường thấy nướu bị sưng lên và gây đau, hoặc chảy máu khi đánh răng. Chảy máu nướu răng ảnh hưởng đến khoảng 1/2 số bà bầu. Nguyên nhân do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm cho răng miệng nhạy cảm hơn với vi khuẩn. Bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng ngày 2 lần và nếu có các dấu hiệu bất thường cần tìm gặp nha sĩ.
4. Ham muốn "chuyện ấy" nhiều hơn
Nhiều chị em khi mang bầu có ham muốn tình dục tăng lên. Nguyên nhân có thể do những thay đổi của nồng độ testosterone và progesterone. Trên thực tế, có những chị em không ham muốn thì nhiều người lại cảm thấy thèm "chuyện ấy" thường xuyên. Nếu có cảm giác ham muốn tăng, bạn có thể nói chuyện với chồng để có cách an toàn cho em bé mà vẫn đảm bảo sự thỏa mãn.
5. Nỗi khổ ợ nóng
Khi nồng độ progesterone tăng lên tác động tích cực vào đời sống tình dục nhưng nó cũng khiến cho mẹ bầu khổ sở. Hormone này làm giãn tử cung để thai nhi phát triển nhưng nó cũng gây giãn van dạ dày khiến cho axit từ dạ dày lên thực quản gây ợ nóng. Bạn nên ăn nhiều chất xơ, rau quả để giảm triệu chứng này.
6. Xuất hiện các nốt ruồi mới
Trong thai kỳ, hormone estrogen và progesterone tăng lên khiến cho cơ thể sản xuất melanin nhiều hơn. Yếu tố này khiến cho nốt ruồi, tàn nhang xuất hiện nhiều. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể thấy nốt ruồi cũ trở nên lớn hơn hoặc màu tối hơn. Tuy nhiên, nếu có các nốt ruồi với màu sắc, hình dạng bất thường cần đi khám bác sĩ ngay.
7. Lông mọc nhiều hơn
Sự thay đổi của hormone và kích thích tố khi mang thai khiến cho một số bà bầu có mái tóc mỏng hơn nhưng cũng có trường hợp tóc mọc nhiều. Tuy nhiên, nhiều người hốt hoảng khi thấy lông mọc ở núm vú, gần rốn, mặt, cằm.
8. Mắt nhìn mờ
Trong thời gian mang thai, sự thay đổi của hormone, quá trình trao đổi chất, tuần hoàn máu cũng thay đổi khiến cho thị lực bị ảnh hưởng. Cho nên, các bà bầu không phải quá lo lắng hoặc thay kính cận. Bởi vì, dấu hiệu này có thể hết sau khi sinh con. Tuy nhiên, trên thế giới cũng có trường hợp nhờ mang thai mà thị lực đã tốt hơn, sau khi mang thai không còn bị loạn thị.
9. Đãng trí
Nếu bạn đang mang thai mà xuất hiện tình trạng nhớ nhớ quên quên, đãng trí thì đừng nên trách móc hay lo lắng. Quá trình mang thai không làm thay đổi bộ não nhưng nó có thể khiến bản thân mệt mỏi và căng thẳng nên không tập trung như bình thường. Ngoài ra, trong thai kỳ, bạn bận tâm với việc lo cho sức khỏe của mình và thai nhi, tác động của các hormone tố làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Mẹ bầu cần chú ý nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, ăn đủ chất để tăng cường sức khỏe cho cơ thể và bộ não.
10. Mơ nhiều
Không ít bà bầu nhận thấy mơ nhiều khi ngủ trong thai kỳ. Điều này có thể do tác động của sự thay đổi các hormone nhưng cũng có thể do thay đổi tư thế khi ngủ. Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai thường có giấc ngủ chập chờn và có thể tỉnh giấc trong khi giấc mơ xuất hiện hoặc sau đó. Tuy nhiên, đôi khi sự lo lắng hay hi vọng về thai nhi và sức khỏe cũng có thể khiến bà bầu mơ.