Sau 2 tháng cắt mí, người phụ nữ 45 tuổi 'gặp hoạ': Mắt 'con đậu, con bay', ánh nhìn lờ đờ

Làm đẹp 25/12/2023 06:15

Bệnh nhân thường đến trong tình trạng 2 mí mắt không đều, mí mắt quá to (chiều cao mí mắt có thể lên đến 15 mm).

Theo thông tin từ Người Lao Động, thời gian qua, Bệnh viện Da liễu TP HCM đã tiếp nhận một số trường hợp biến chứng sau phẫu thuật cắt mí, phẫu thuật bọng mỡ mắt. Bệnh nhân thường đến trong tình trạng 2 mí mắt không đều, mí mắt quá to (chiều cao mí mắt có thể lên đến 15 mm).

Thông thường, những trường hợp biến chứng trên phải chờ bệnh nhân sau 6 tháng ổn định mô vùng mí mắt, sau đó, bác sĩ mới có thể can thiệp phẫu thuật điều chỉnh lại hai mí mắt cho cân đối, hài hòa.

Sau 2 tháng cắt mí, người phụ nữ 45 tuổi 'gặp hoạ': Mắt 'con đậu, con bay', ánh nhìn lờ đờ - Ảnh 1
Nhiều chị em lựa chọn cắt mí để cải thiện vẻ đẹp cho đôi mắt - Ảnh minh họa: Internet

Điển hình, vừa qua, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân 45 tuổi, quê Sóc Trăng, đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng mắt nhìn lờ đờ, mở mắt khó, lúc nào cũng phải nhướng mắt. Người bệnh cho biết trước đó 2 tháng, chị có đến phòng khám tại địa phương để phẫu thuật cắt mí. Tuy nhiên, sau đó, mắt chị khó mở to, khe mắt hẹp, chiều cao nếp mí trên lên đến 15 mm trong khi bình thường chỉ từ 5-7 mm. Ca bệnh này không thể can thiệp ngay mà cần chờ một thời gian để ổn định vùng mí mắt.

Tạo hình mắt hai mí, hay còn gọi là cắt mắt hai mí, là phương pháp chỉnh sửa hình dáng mí mắt không được như ý. Bác sĩ sẽ loại bỏ bớt da dư, mỡ thừa mí trên, đồng thời tái tạo đường mí mới giúp mắt to, sinh động và phù hợp gương mặt.

Thông thường, chúng ta thực hiện cắt mắt hai mí khi mắt một mí, mắt mí lót; mí mắt hai bên không đều; nhiều nếp mí, da mỡ thừa mí trên do tuổi tác…

Đối với mỡ hốc mắt, đây là bộ phận có vai trò là mô đệm giữa nhãn cầu và cấu trúc xương cân cơ xung quanh ổ mắt, nằm sau vách ổ mắt và trước nâng mi. Mi trên có 2 túi mỡ nằm ở trung tâm và góc trong mắt. Bọng mỡ mắt có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là ở người lớn tuổi, có dấu hiệu lão hóa.

Thực tế, đã có những trường hợp bị biến chứng sau cắt mí mắt như sốc thuốc tê, ngộ độc thuốc tê, máu tụ, bầm da quanh mắt, nhiễm khuẩn vết mổ, sẹo mi mắt, hai mí mắt không đều, mí mắt quá to, hốc mắt sâu, trợn mi, co rút mi, mắt nhắm không kín, sụp mí trên.

Sau 2 tháng cắt mí, người phụ nữ 45 tuổi 'gặp hoạ': Mắt 'con đậu, con bay', ánh nhìn lờ đờ - Ảnh 2
Nhiều trường hợp gặp biếm chứng khó lường hậu cắt mí - Ảnh: VTV

Dẫn tin từ Sức khoẻ Đời sống, TS.BS Nguyễn Quang Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), cho biết những rủi ro và tác động tiêu cực có thể xảy ra khi thực hiện phẫu thuật cắt mí, bao gồm:

Sưng và đau: Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt mí, bệnh nhân có thể sẽ trải qua giai đoạn sưng và đau, đặc biệt là trong 2-3 ngày đầu tiên. Tuy nhiên, điều này thường là tạm thời và sẽ dần giảm sau một vài ngày.

Nhiễm khuẩn: Việc thực hiện cắt mí có thể gây ra nhiễm khuẩn, đặc biệt là nếu vết mổ không được giữ vệ sinh và chăm sóc đầy đủ. Quá trình cắt mí, nếu không được giữ vệ sinh tuyệt đối, có thể làm tổn thương da và vùng mô xung quanh, mở ra cơ hội cho vi khuẩn, virus và nấm để xâm nhập và gây ra nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng của nhiễm khuẩn do cắt mí có thể bao gồm đau, đỏ, sưng và ứ đọng mủ ở vùng khe mí. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nhiễm khuẩn mức độ nặng dẫn đến các biến chứng nặng nề như nhiễm khuẩn huyết, viêm não ….

Không đối xứng: Nếu phẫu thuật cắt mí không được thực hiện đúng kỹ thuật, khe mí có thể bị đưa lên cao quá mức hoặc quá thấp khiến cho đôi mắt mất đối xứng. Thậm chí, nhiều trường hợp bị tình trạng trợn mắt, không nhắm được kín mắt khi ngủ do cắt bỏ quá nhiều da.

Ảnh hưởng vận nhãn: Nếu kỹ thuật khâu không đúng có thể ảnh hưởng đến vận động nhãn cầu do tổn thương cơ hay thần kinh. Bệnh nhân bị hạn chế cử động của nhãn cầu khi nhìn lên, nhìn xuống hoặc liếc sang hai bên.

Sẹo: Trong một số trường hợp, sẹo có thể hình thành sau khi cắt mí, gây ra sự khác biệt về màu sắc hoặc kết cấu giữa da quanh khe mí và da xung quanh.

Mắt khô: Phẫu thuật cắt mí có thể làm cho mắt bị khô do giảm độ ẩm, dẫn đến tình trạng khó chịu và mỏi mắt.

Chảy máu: Trong một số trường hợp, cắt mí có thể gây ra chảy máu và sưng tấy ở vùng quanh khe mí.

Tổn thương giác mạc: Một số trường hợp hiếm, cắt mí có thể làm tổn thương trực tiếp đến nhãn cầu ảnh hưởng đến thị lực của mắt.

 

Trời lạnh giá, trẻ mắc cúm A tăng cao, cha mẹ cần làm gì để phòng biến chứng nguy hiểm?

Thời tiết miền Bắc đang trong những ngày giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường, số trẻ mắc các bệnh hô hấp tiếp tục tăng, đặc biệt là cúm A.

TIN MỚI NHẤT