Top 3 trang phục dân tộc cho Hoa hậu H’Hen Niê tại Miss Universe 2018 đã lộ diện. Đó là: Bánh mì (Phạm Phước Điền), Phố cổ (Nguyễn Đình Thuận), Ngũ hổ (Nguyễn Đặng Thanh Nhàn).
- Không phải là kiếm nhiều tiền, mong muốn hiện tại của H'Hen Niê khác cơ
- Khán giả hoảng hốt giật mình bởi diện mạo mới quá khác lạ của H'Hen Niê
Trước đó, trải qua nhiều vòng thi, hình ảnh chính thức của Top 6 gồm: Ngũ hổ (Nguyễn Đặng Thanh Nhàn), Nữ quyền (Phạm Minh Phúc), Phố cổ (Nguyễn Đình Thuận), Thăng thu (Nguyễn Đức Hải), Hoa đăng sắc Việt (Nguyễn Vũ Hùng – Thạch Thành Đạt), Bánh mì (Phạm Phước Điền) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ khán giả trong nước và quốc tế, nhiều luồng quan điểm tranh luận khác nhau đã liên tục diễn ra xoay quanh vấn đề: Nên chọn lựa trang phục dân tộc theo phá cách hay truyền thống?
Lần đầu tiên, một cuộc thi tìm kiếm trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe gây chú ý mạnh và trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Thành công của Nàng mây tại Miss Universe 2016 đã mở ra hướng đi mới cho sự lựa chọn trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam. Top 6 đều là các tác phẩm được khán giá đánh giá cao bởi thiết kế tỉ mỉ, mang tính sáng tạo, độc đáo và phá cách, thoát ra khỏi những khuôn mẫu thiết kế quen thuộc, thể hiện góc nhìn mới mẻ về văn hóa Việt Nam qua con mắt của các nhà thiết kế không chuyên. Từ địa danh, văn hóa, lịch sử cho đến ẩm thực, ít người nghĩ rằng những điều này sẽ là cảm hứng tạo nên một bộ trang phục dân tộc đại diện Việt Nam tại Miss Universe. Chính sự sáng tạo đặc biệt này đã góp phần giới thiệu đến bạn bè quốc tế một Việt Nam rất tươi mới, giàu giá trị bản sắc văn hóa thông qua chủ đề chính “Vươn xa hương sắc Việt”, chính những điều thú vị đó đã lý giải cho sự thu hút và quan tâm mạnh mẽ của dư luận khán giả dành cho cuộc thi trang phục dân tộc nói riêng và hành trình của Hoa hậu H’Hen Niê tại Miss Universe 2018 nói chung.
Không chỉ thu hút sự tương tác cực khủng từ chính khán giả trên mạng xã hội, ngay cả các nghệ sĩ nổi tiếng về lĩnh vực văn hóa – giải trí cũng nhanh chóng lên tiếng bàn luận sôi nổi về trang phục dân tộc của Hoa hậu H’Hen Niê, sự lựa chọn được chia làm hai hướng đối lập nhau: “Phá cách - Truyền thống”, phong cách nào sẽ lên ngôi, thiết kế nào sẽ theo chân H’Hen Niê ra đấu trường Miss Universe, cuộc chiến giữa sự lựa chọn truyền thông hay phá cách vẫn chưa ngã ngũ và tạm thời chưa có hồi kết…
Có người dành lời khen ngợi và lựa chọn phá cách bởi tính sáng tạo và sự độc đáo của các nhà thiết kế trẻ đem vào trong tác phẩm, có người lại mong muốn chọn tác phẩm giữ được yếu tố truyền thống sâu sắc vì thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam. Cụ thể Hoa hậu Hương Giang đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Bánh mì và khuyên H’Hen Niê nên chọn sự đặc biệt thay vì chọn đẹp. Stylist Hoàng Ku cũng đồng quan điểm với Hương Giang rằng “có là truyền thống xa xưa hay là văn hóa hiện đại thì cũng tỏa hương sắc Việt”. VJ Thùy Minh dành hẳn một bài viết dài phân tích chuyện cần thay đổi tư duy cũ và đã đến lúc nên cởi mở hơn với thế giới, rất cần những thiết kế đột phá như Bánh mì, Phố cổ. Á hậu Lệ Hằng không chỉ ủng hộ việc sáng tạo mà còn phân biệt rõ giữa Trang phục dân tộc và Quốc phục. Cô ấn tượng với Ngũ hổ vì khai thác nghệ thuật Tuồng đang bị mai một. Á hậu Hoàng Thùy, Á hậu Mâu Thủy, ca sĩ Trang Pháp cũng bày tỏ ý kiến ủng hộ sáng tạo và dành lời khen tặng các nhà thiết kế trẻ. Nhà báo Trác Thúy Miêu vì quá thích 6 bộ trang phục nên ghép hình chính mình vào và chia làm nhiều kỳ để “bình loạn”.
Ngược lại với ý kiến lựa chọn sự phá cách, không ít nghệ sĩ thể hiện cũng lập tức bày tỏ quan điểm nên ưu tiên lựa chọn tác phẩm giữ được yếu tố truyền thống sâu sắc. Diễn viên Bảo Thanh cho rằng Áo dài mới là biểu tượng cho nét duyên của người phụ nữ Việt, trong khi đạo diễn – diễn viên Ngô Thanh Vân phải thốt lên “tại sao ra nông nổi này? Mình đi promote (quảng bá) áo dài gần chết, áo dài đẹp mà, đâu có xấu đâu”, còn nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch tuy là một tác giả nổi tiếng bởi lối suy nghĩ dữ dội và cá tính nhưng cũng nhanh chóng lên tiếng và chọn cho mình tác phẩm thể hiện được sự truyền thống bởi Anh cho rằng Phụ nữ đẹp nhất khi diện áo dài…Nhìn chung, dù là khán giả hay nghệ sĩ, tất cả các ý kiến đều mang tính đóng góp, xây dựng nhằm giúp hoa hậu H’Hen Niê có được một bộ trang phục dân tộc chỉnh chu và nổi bật nhất, đúng tinh thần và chủ đề đã đưa ra.
Từ ngày mở cổng bình chọn (22/10/2018 - 28/10/2018), khán giả được “đặc quyền” quyết định 40% số điểm bình chọn trên mỗi tác phẩm, trên fanpage chính thức của chương trình, lượng khán giả “khủng” tham gia công cuộc bình chọn và tương tác đã phản ánh sự quan tâm, kỳ vọng của mọi người về trang phục dân tộc cho H’Hen Niê. Top 3 trang phục dân tộc được khán giả bình chọn nhiều nhất theo thứ tự lần lượt gồm: Bánh mì (Phạm Phước Điền) - 68.421 bình chọn, Phố cổ (Nguyễn Đình Thuận) – 67.263 bình chọn, Nữ quyền (Phạm Minh Phúc) - 43.817 bình chọn.
Cuối cùng, với tổng điểm từ bình chọn của khán giả (40% điểm) và ban giám khảo (60% điểm) gồm: Nhà thiết kế Thuận Việt, Bà Dương Trương Thiên Lý – Giám đốc quốc gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Á hậu Lệ Hằng – Đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2016, kết quả Top 3 chung cuộc như sau:
1. Phố cổ (Nguyễn Đình Thuận)
2. Bánh mì (Phạm Phước Điền)
3. Ngũ hổ (Nguyễn Đặng Thanh Nhàn)
Top 3 trang phục dân tộc năm nay đa dạng về đề tài, ý nghĩa, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của Việt Nam mà chưa từng được khai thác trong bất kỳ cuộc thi sắc đẹp nào: món ăn quen thuộc với tất cả người dân Việt Nam (Bánh mì), không gian Hội An và lồng đèn cổ kính (Phố cổ), tranh thờ Hàng Trống và nghệ thuật hát Tuồng (Ngũ hổ). Đây cũng là 3 bộ trang phục nhận được nhiều chú ý, đánh giá cao từ khán giả trong và ngoài nước. Hoa hậu H’Hen Niê cũng chia sẻ, cô muốn mang cả 3 đến Thái Lan vì quá yêu thích. Nhưng chỉ duy nhất một bộ giành chiến thắng. Cô mong khán giả sẽ cùng cô và ban giám khảo, tìm ra bộ trang phục phù hợp nhất, góp phần đưa hương sắc Việt Nam được vươn xa, khẳng định vị thế trên đấu trường sắc đẹp quốc tế.
Như vậy, Top 3 chính thức bước vào giai đoạn đối đầu giành suất cùng H’Hen Niê chinh chiến tại Miss Universe 2018.