Từng là những nhạc công, ca sĩ và sau này trở thành nhà sản xuất âm nhạc, vợ chồng Anh Quân - Mỹ Linh thấu hiểu hơn ai hết sự thiệt thòi của những người chơi nhạc.
- Nhạc sĩ Anh Quân: "Trả cát-xê gấp đôi, tôi và Mỹ Linh cũng không diễn Tết"
- Mỹ Linh suýt gây họa cho mẹ chồng đúng ngày mồng 1 Tết
"Người trẻ đổ xô đi làm ca sĩ rồi ai sẽ làm nhạc": chính là câu nói của nhạc sĩ Anh Quân trong buổi họp báo ra mắt chương trình The Bandfest 2018. Là một người từng trải qua bao thăm trầm với nhiều vị trí từ nhạc công cho tới nhạc sĩ và hiện tại là một nhà sản xuất âm nhạc, hẳn anh là người hiểu rõ nhất vị trí và vai trò của người làm nhạc công hay chính xác hơn là một ban nhạc.
Nhắc đến âm nhạc điều đầu tiên mà khán giả nghĩ đến chắn chắn là ca sĩ vì đây là hình ảnh đã quá quen thuộc trong làng giải trí Việt Nam và trên thế giới. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi giọng hát cũng chính là nhạc cụ đầu tiên của loài người. Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, con người càng phát minh ra thêm nhiều loại nhạc cụ để tôn vinh giọng hát và tạo ra nhiều giai điệu hơn. Cho tới ngày nay, sức ảnh hưởng của giọng hát trên thị trường âm nhạc hôm nay vẫn rất mạnh mẽ thậm chí còn lấn át hơn nhiều vai trò của ban nhạc.
Ban nhạc từng có một thời kỳ hoàng kim
Nhìn lại nền âm nhạc thế giới vào những thập niên 70 - 80 - 90 của thế kỷ trước khi những ban nhạc rock and roll như Metallica, Gun and Roses, Skipnot, The Beatles, Rolling Stones… còn đang tung hoành hình ảnh những guitar hero hay tay trống luôn được hâm mộ không hề kém cạnh những giọng ca chính. Không hiếm những tay guitar như Led Zeo, Eric Clapton, Slash, Eric Catona... đã ghi dấu tên tuổi mình vào lịch sử âm nhạc với hàng loạt bản solo lẫy lừng còn được nhắc tới ngày nay.
Những cái tên kể trên là minh chứng rõ ràng nhất cho một thời kỳ hoàng kim của ban nhạc khi những nhạc công giữ vai trò rất quan trọng vào thành công của một tác phẩm. Nếu như ca sĩ với giọng hát là linh hồn thì âm nhạc chính là xương sống của một ca khúc. Chính vì vậy vai trò của nhạc công hay ca sĩ lúc bấy giờ đều được người hâm mộ coi trọng như nhau.
Khi công nghệ ngày càng phát triển, công nghệ sản xuất âm nhạc cũng đi lên với công nghệ xử lý phòng thu, giả lập âm thanh ngày một tiên tiến. Chỉ với một chiếc máy tính và phần mềm, nhạc sĩ đã có thể tạo ra âm thanh của cả một ban nhạc dẫn đến ngày càng thiếu vắng đi sự xuất hiện của các ban nhạc. Lúc này, vai trò của một ca sĩ ngày càng được để cao và lấn át hơn khi chỉ cần giọng hát tốt và một nhà sản xuất giỏi là đã có thể nổi tiếng còn mọi việc đã có thể xử lý trong studio.
Sự thay đổi về công nghệ cũng kéo theo thay đổi trong nền công nghiệp âm nhạc khi sau giai đoạn bùng nổ của các ban nhóm người ta bắt đầu thấy sự trỗi dậy của những giọng hát solo. Các ca sĩ dần độc lập hơn, không còn phụ thuộc vào ban nhạc và cho tới lúc này họ bắt đầu khẳng định mình là tâm điểm của sân khấu còn ban nhạc dần lùi về phía sau làm nền.
Trước làn sóng nở rộ của âm nhạc phòng thu có không ít ban nhạc tan rã để tìm hướng đi mới và ngày càng hiếm những ban nhạc ban mới ra đời. Vẫn có những trường hợp đặc biệt như Maroon 5 khi có thể đi ngược lại xu hướng và thành công nhưng cho tới giờ khi người hâm mộ nhớ tới hình ảnh nhóm, họ vẫn chỉ nhớ tới giọng ca chính Adam Levine mà quên đi 4 thành viên còn lại.
Có một thế hệ những ban nhạc Việt đã ghi dấu trong làng âm nhạc
Trở lại với thị trường âm nhạc Việt Nam có một giai đoạn tương tự như thế giới khi từng có một thời kỳ thịnh hành của các ban nhạc theo làn sóng văn hóa phương Tây. Trong giai đoạn này xuất hiện không ít ban nhạc đình đám từ nam chí bắc như Strawberry Four, The Blue Jets, The Dreamers, The Rocking Stars, Phượng Hoàng, Mây Trắng, The Enterprise, Anh em, Tây Hồ… Cùng với đó, là bệ phóng cho những giọng ca lừng danh làng nhạc Việt như: ba anh em Tuấn Ngọc – Anh Tú – Khánh Hà, ba anh em Duy Quang – Thái Hiền – Thái Thảo, Elvis Phương, Mỹ Linh, Huy MC, Thu Phương hay những nhạc sĩ có uy tín như Huy Tuấn, Anh Quân…
Sau những thành công nhất định của các ban nhóm, trào lưu này tạm lắng xuống một thời gian trước khi trỗi dậy với Rock Việt vào những năm 1999-2000. Ban đầu chỉ là các bạn trẻ đam mê âm nhạc lập thành nhóm nhạc cover “hit” nổi tiếng thế giới nhưng sau đó họ bắt đầu tự sáng tác, hòa âm, tìm tòi và phát triển một lối đi riêng cho mình.
Đây cũng là giai đoạn nở rộ từ Bắc tới Nam khi liên tiếp những ban nhạc thuộc thế hệ đầu tiên của Rock Việt ra đời như Da Vàng, Đen Trắng, Buổi Sáng, Đại Bàng Trắng, Atomega, rồi đến các lứa sau như Bậc Thang, Bức Tường, Gạt Tàn Đầy cho tới gần đây là Microwave hay Ngũ Cung…
Dù không tồn tại lâu nhưng cho tới nay đây vẫn là những dấu ấn khó phai trong lịch sử âm nhạc Việt. Cho tới thời gian qua các ban nhóm đã có sự trở lại khi những thế hệ nghệ sĩ mới muốn làm sống dậy mộ hình này khi cùng nhau kết hợp trong những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc. Có thể kể đến Ban nhạc Việt là một trong những sân chơi lớn đầu tiên cho các ban nhạc có cơ hội được tỏa sáng nhưng sau chương trình này những thí sinh dù được giải hay thắng giải vẫn đang loay hoay để ghi dấu dấn trong làng nhạc Việt.
Canh bạc dành cho những người trẻ, say mê với âm nhạc
Thấu hiểu những khó khăn và muốn giúp đỡ những người trẻ, vợ chồng nhạc sĩ Anh Quân - Mỹ Linh quyết tâm “bỏ tiền túi” ra làm The BandFest 2018. Làm một trong 4 vị giám khảo của Ban nhạc Việt mùa đầu tiên 2 nghệ sĩ nhận thấy: "Lâu lắm rồi chúng ta mới có một lứa ban nhạc trẻ đủ tài năng, đủ độ chuyên nghiệp để dần dần chiếm lĩnh được thị trường trong tương lai không xa”.
Giám đốc âm nhạc The Banfest 2018 Anh Quân chia sẻ: “The BandFest là ý tưởng ấp ủ rất lâu của tôi và ê kíp, là cảm hứng của tôi muốn khởi tạo một sân khấu đúng nghĩa cho các ban nhạc được hoạt động và chơi nhạc, biểu diễn. Âm nhạc Việt Nam từng chứng kiến thời hoàng kim của các ban nhạc. Ở đó, các ban nhạc trở thành yếu tố chủ chốt cách tân, định hướng và tiên phong mở ra các xu hướng âm nhạc mới. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta lại đang bị mất cân bằng giữa ca sĩ và ban nhạc. Các ban nhạc đang hoạt động manh mún và không có sân khấu biểu diễn thực thụ và thị trường cho mình. Sự trụ lại của một số ban nhạc hiện nay chỉ được xem như yếu tố phụ, làm nền cho ca sĩ".
Vị nhạc sĩ cũng rất vui mừng khi những năm gần đây, đời sống âm nhạc Việt Nam có nhiều tín hiệu đáng mừng khi xuất hiện nhiều ban nhạc indie cùng nhiều nhân tố âm nhạc mới, đầy tài năng và tiềm năng. Tuy nhiên, đại đa số các bạn trẻ vẫn đang loay hoay và hoạt động tự phát, chủ yếu trên các diễn đàn online mà chưa có sân chơi và sân khấu thực sự chuyên nghiệp. "Tôi hy vọng The BandFest sẽ trở thành điểm hẹn, điểm đến mới để các ban nhạc trẻ, tiềm năng của Việt Nam được chơi và giao lưu với các ban nhạc gạo cội, danh tiếng của quốc tế”, anh nói thêm.
Với nhạc sĩ Anh Quân, người đảm nhiệm vị trí giám đốc âm nhạc, The BandFest 2018 có nhiều ý nghĩa hơn một buổi diễn thuần túy. Anh muốn qua đó dấy lên một tiếng nói từ các ban nhạc, muốn thị trường và cả những người làm nghề có cái nhìn công tâm hơn nữa về các nhạc công, những người đã và đang góp phần công sức không nhỏ vào thành công của bất kỳ ca sĩ nào. Bên cạnh đó, việc để các bạn trẻ “sống được và làm được những gì họ yêu thích cũng quan trọng không kém. Như thế tương lai nền âm nhạc của chúng ta mới có thể vững bền”, nhạc sĩ Anh Quân kết luận.