Mỹ Linh kể kỷ niệm suýt làm đổ nguyên một bình nước sôi vào người mẹ chồng.
- Sau ồn ào ' thảm họa âm nhạc' Chi Pu: Diva Mỹ Linh bất ngờ lên tiếng ủng hộ việc cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ
- Sau tin đồn rạn nứt, vợ chồng Thanh Thúy - Đức Thịnh chụp ảnh hạnh phúc, ngọt ngào bên con trai tại Hội An
- Cái Tết nào là cái Tết đáng nhớ nhất với chị tính đến thời điểm này?
- Đó là cái Tết đầu tiên dọn nhà lên trên Sóc Sơn – ngoại thành Hà Nội. Lúc mới lên trên nhà mới, mọi thứ đều trở nên mới mẻ, từ không gian rất rộng đến chuyện con cái chưa quen nhà mới. Khi đó, điện nước đường xá đều chưa hoàn thiện, vẫn còn đất đỏ, ngày nào xe cũng bẩn. Mọi thứ rất mênh mông. Gia đình tôi chưa có đủ tiền để làm cho mọi thứ đẹp ngay. Góc này là gạch đá, góc kia là đất đỏ.
Cả hai vợ chồng hoang mang, nhìn nhau, không dám nói ra nhưng đều có chung câu hỏi trong đầu là “Lựa chọn này liệu có đúng không? Đây liệu có phải là bến đậu cuối cùng của mình không?”. Không ai dám hỏi câu đó cả, mọi người sống trong nỗi hoang mang.
Thời đó chưa có cầu Nhật Tân, 6 năm sau mới có nên mỗi lần đi đều phải qua cầu cũ thời chiến. Nhưng cái Tết đó rất vui vì được gói bánh chưng ngay tại vườn nhà. Lần đầu tiên có cuộc sống mới như thế nên rất háo hức, mua trò chơi về cả nhà cùng chơi.
- Khó khăn nào với gia đình chị vào thời điểm chuyển nhà?
- Khi đó gia đình tôi dọn về nhà mới đúng đợt 30.4. Nhớ hồi ấy chưa có đủ tiền để dọn lên trên nhà mới mà xây cả một cơ ngơi như bây giờ. Vì vậy phải ở tạm nhà cũ đã bán cho người ta. Lúc đầu, người mua đồng ý cho gia đình tôi ở (nhà cũ) cho tới tháng 7, tháng 8. Đùng một cái, họ bảo “Anh chị phải dọn ngay lập tức, 30.4 tôi phải dọn về”. Thế là lúc dọn lên Sóc Sơn, cầu thang còn chưa có, coi như ở như … thời chiến. Đó là năm đầu tiên nhớ nhất.
Mỗi năm, căn nhà lại đẹp hơn lên. Điều này chắc anh Quân (ông xã Mỹ Linh) không thể phủ nhận đó là công của tôi. Có lần anh ấy phủ nhận thì Anna (con gái lớn) đã bảo ngay: “Con đã chụp ảnh mỗi năm rồi bố nhé”. Ý con bé bảo chụp ảnh làm chứng để cho thấy nhờ có mẹ nên căn nhà mới thay đổi.
- Những lúc khó khăn như thế, chị có giận hờn ông xã vì quyết định chuyển từ nhà phố ra ngoại thành?
- Điều này không hề có bởi tôi là người thích chuyển ra ngoại thành. Tôi thích thiên nhiên, sống ở giữa thiên nhiên. Tôi cảm nhận khi gia đình được sống ở một không gian xanh, tất cả mọi người đều thay đổi, tính tình trở nên dịu dàng hơn, anh Quân bớt cáu gắt. Trước đây anh Quân hay cáu vì anh quen với cuộc sống ở bên Tây, khi về Việt Nam mọi thứ không quy củ như bên đó. Bực dọc cứ chất cao dần và trút hết về phía mình. Tôi cũng biết mình không phải nguyên nhân nhưng là đối tượng bị trút mọi stress từ ông xã. Con gái năm đầu tiên cũng kêu chán vì xa bạn bè nhưng 5 năm trở lại đây đã thấy rất khác, còn kêu mẹ “Nhanh nhanh để cho con về nhà”. Đó là những biến chuyển có khi chính bọn trẻ cũng chưa nhận ra nhưng tôi nhìn thấy điều đó.
- Cái Tết nào là cái Tết buồn nhất với chị?
- Tết buồn nhất có lẽ là cái Tết bố tôi mất, năm 2005. Năm đó trao giải Cống hiến, tôi không đến nhận được, anh Huy Tuấn lên nhận thay. Lần đầu tiên trong nhà xảy ra việc trọng đại dù bố tôi ốm nhiều năm rồi nhưng không nghĩ mọi việc lại có thể nhanh như thế. Bố tôi mất trước Tết khoảng vài tháng. Nó là một cảm giác kinh khủng bởi sự chia lìa vì không bao giờ có thể nhìn lại người ấy một lần nào nữa, không thể cầm được bàn tay và cảm nhận hơi ấm của người ấy nữa, cũng không còn được nghe tiếng nói ấy.
- Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất về Tết khi chị bước chân về nhà chồng?
- Hồi tôi còn chưa lấy chồng, cái Tết của gia đình rất đơn sơ. Vốn dĩ mọi người trong gia đình tôi không quá câu nệ chuyện Tết nhất, thêm vào đó vì gia đình tôi hồi đó còn nghèo. Vậy nên tôi có thói quen mình phải chuẩn bị nhiều thứ. Nhưng khi về nhà chồng, mẹ của anh Quân là một người rất khéo tay.
Mẹ chồng tôi có thể làm nên những món ăn rất ngon từ nguyên liệu đơn sơ, đến mức tôi phải nói ngay với ông xã: “Đừng bao giờ anh có ý nghĩ so sánh em với mẹ vì em không có cửa nào để mà so đâu. Nhà chỉ được một người thôi. Mẹ đã giỏi, làm sao vợ anh giỏi nữa, nên đừng hy vọng em giỏi hơn nhưng em sẽ cố gắng".
Có hai kỷ niệm đáng nhớ nhất. Trước hết là việc tôi suýt làm đổ nguyên một bình nước sôi vào thẳng đầu mẹ chồng. Khi đó mẹ chồng tôi đang ngồi dưới đất nhặt rau chuẩn bị sẵn để mồng 1 chỉ việc bỏ ra chế biến. Ngày xưa nhà đẻ của tôi không có phích, mà cũng không phải đun nước sôi dự trữ, bố tôi đun bếp than, cứ khi nào cần nước mới đun. Khi về nhà chồng, gia đình chồng có thói quen mới là đun nước sôi để nguội, rót vào bình thủy tinh làm nước uống cả ngày. Trong khi đó, nhà đẻ của tôi chỉ có ấm nhôm, không có bình thủy tinh nên không hay biết nguyên tắc không được đổ trực tiếp nước vừa đun sôi vào bình thủy tinh. Vậy nên tôi đổ luôn nước sôi vào bình và nhấc nguyên cái bình qua chỗ mẹ chồng tôi ngồi vì muốn đặt cái bình sang một chỗ cho gọn gàng. Và cả cái bình nước sôi đó vỡ tan tành xuống đất, chỉ cách mẹ chồng tôi mấy chục phân. Mẹ chồng tôi còn bảo đùa: "Hôm nay suýt con dâu ám sát mẹ chồng nhé".
Chuyện đáng nhớ thứ hai là việc tôi không biết mổ gà. Ngày xưa bếp chật, phải vào chỗ nhà tắm để mổ gà. Tôi làm mỡ gà loang hết ra sàn và bếp khi bóp mỡ con gà mái. Mẹ tôi thường nấu món bún rất ngon, Tết nào nhà tôi cũng ăn món bún thang mà món đó cần có thịt gà luộc lên rồi thái thành lát mỏng. Bây giờ tôi "thuộc bài" lắm rồi nhưng ngày đó, mọi người trong nhà ai cũng lịch sự không nói gì cả làm tôi tưởng mình mổ gà giỏi lắm. Nhưng mấy năm sau, khi cả nhà đã thân nhau hơn rồi, trong một bữa ăn, em chồng mới nói: "Tết đầu tiên chị Linh về, em cọ hỏng hết cả móng tay bởi vì chị ấy làm dây mỡ ra hết cả cái bếp". Hồi đó tôi đâu có biết, cứ mổ xong con gà là để đó, không biết cô em chồng đã lặng lẽ đi dọn dẹp hộ bà chị.