Đã rất lâu rồi Minh Vượng không xuất hiện trên sân khấu và vắng bóng hoàn toàn khỏi làng hài Việt Nam. Điều đó khiến công chúng vô cùng tò mò về cuộc sống hiện nay của chị.
Tên thật của chị là Minh Phượng, nhưng thấy nhiều nhân vật trong cuộc sống tên Phượng gặp nhiều khó khăn nên chị đổi tên Vượng để mong cuộc sống êm đềm và thịnh vượng hơn.
Minh Vượng tâm sự, chị sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo với 6 anh chị em nên phải bươn chải từ rất sớm. Khoảng hơn 10 năm nay, các anh em trong gia đình hùn vốn mở một cửa hàng sửa xe trên phố Lê Duẩn (Hà Nội) nhưng hoạt động kinh doanh cũng thầm lặng do chị không muốn lợi dụng tên tuổi bản thân để quảng cáo cho cửa hàng. Ngày trẻ chị cũng đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống như buôn bán giày dép hay mở cửa hàng sửa xe nhưng thu nhập vẫn chẳng đáng là bao.
Là nghệ sĩ hài nổi danh đất Bắc
Năm 1968, Minh Vượng học trung học cơ sở tại Trường Lương Yên B (Hà Nội). Năm 1973, Minh Vượng thi đỗ vào Đoàn chèo Hà Nội nhưng gia đình không cho theo học. Tiếp đó, chị thi đỗ vào Đoàn kịch nói Tổng cục Hậu cần, nhưng lại không theo học vì sợ bị cắt hộ khẩu. Tháng 4 năm 1974, chị tiếp tục đỗ vào Khoa Kịch nói, Trường Nghệ thuật Hà Nội do được Nghệ sĩ nhân dân Quỳnh Nga đánh giá cao trong phần đóng tiểu phẩm.
Năm 1978, chị tốt nghiệp và công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội nhưng không được diễn ngay do hạn chế về ngoại hình. Vai diễn đầu tiên của Minh Vượng một cụ bà nông thôn 80 tuổi trong vở "Hà Mi của tôi" do NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn và được đánh giá cao trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm đó.
Tuy xuất phát điểm là một diễn viên kịch nhưng Minh Vượng lại khá có duyên với phim truyền hình, đặc biệt, chị nổi tiếng nhất với nhiều tiểu phẩm hài trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần" và "Gặp nhau cuối năm".
Từng suýt hai lần lên xe hoa nhưng cuối cùng vẫn lẻ bóng
Minh Vượng tự nhận mình là người nóng tính và chao chát nhưng lại dễ yêu, dễ vỡ đến lạ lùng.
Chị từng tâm sự: "Tôi là người đa tình, dễ yêu và yêu quá nhiều. Không nhớ nổi có bao nhiêu người đàn ông đã đi qua trong cuộc đời, chỉ cần một ánh mắt lạ, một giọng cười, một câu thơ đọc vội, một lời nói ân tình chỉ để dành riêng cho tôi là tôi đã run lên, tim đã loạn nhịp rồi và đã có thể bắt đầu một cuộc yêu tới bến mà không cần biết ngày sau ra sao. Thế nhưng, có người đàn ông tôi chỉ yêu được đúng 3 ngày rồi trốn luôn, vì trước đó họ làm tim tôi run bao nhiêu thì đột nhiên trong khoảnh khắc, khi phát hiện ra điều gì đấy không vào gu thì tôi lạnh tanh luôn".
Năm 1992, Minh Vượng yêu một người đàn ông ở Viện Khoa học. Mọi chuyện tiến triển tốt đẹp, cứ ngỡ cuộc hôn nhân sẽ đơm hoa kết trái cho đến khi chị về ra mắt bố mẹ, cả nhà anh đều muốn chị bỏ nghề diễn, về nhà quản lý việc kinh doanh của gia đình. Minh Vượng đành lặng lẽ rút lui.
Bốn năm sau, chị lại yêu một người đàn ông làm nghề lái xe tải và cả hai có ý muốn tiến tới hôn nhân. Cũng như lần trước, mẹ của người yêu muốn chị nghỉ diễn, ở nhà quản lý 5 cửa hàng hoa của gia đình. Vì quá yêu và không muốn lỡ dở như lần trước, chị đồng ý từ giã nghiệp diễn. Những ngày chuẩn bị cho đám cưới, Minh Vượng suy nghĩ đến việc sau này sẽ gắn bó bên cửa hàng hoa, cái hòm đựng tiền, ghi chép việc buôn bán và phải từ giã sân khấu, không bao giờ được hóa thân vào các nhân vật nữa, chị đã đổ bệnh. Sau lần đó, chị lại chủ động chia tay chồng sắp cưới. Minh Vượng thở dài: "Những người đàn ông yêu mình đều thích cười, nhưng lại không muốn mình mang nụ cười đến cho người khác. Tất cả họ đều ích kỷ".
Vậy là sau hai lần chạm ngưỡng hôn nhân nhưng đều không thành, chị đã đóng chặt cánh cửa trái tim và cho rằng kết hôn là điều xa xỉ.
Thích nhất là tắm và tết tóc cho búp bê
Minh Vượng là diễn viên mà cả người lớn hay trẻ nhỏ đều yêu quý. Chị từng thổ lộ rằng vui nhất là khi diễn cho trẻ con xem bởi chúng thường gọi Minh Vượng bằng "chị" làm bản thân nghệ sĩ cảm thấy trẻ trung lên rất nhiều.
Có lẽ vì vậy Minh Vượng có sở thích rất con trẻ là sưu tầm búp bê. Chị bảo, cứ mỗi lần đi lưu diễn ở đâu, mình chẳng mua gì quý giá ngoài những con búp bê xinh xắn. Hàng tuần, cứ Thứ 7, Chủ nhật nào không phải đi diễn, Minh Vượng lại đem bộ sưu tập búp bê ra tắm rửa và tết lại tóc. Chị tâm sự việc này tuy mệt, nhưng khi tắm cho búp bê phải cẩn thận, rồi lại sấy tóc cho khô, tết tóc tỉ mỉ khiến chị cảm thấy rất vui.
Thuốc uống trong người còn nặng cân hơn cơ thể
Minh Vượng mang trong mình hai căn bệnh mạn tính là tim và viêm khớp. Dù đi diễn hay bất cứ đâu, chị cũng phải mang theo 13 loại thuốc khác nhau để uống. Song, chị vẫn hết sức lạc quan và yêu đời. Đó là lý do khiến chị tuy cô đơn lẻ bóng nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Trong gia đình có tới 6 anh chị em nên Minh Vượng có rất nhiều cháu, toàn bộ thời gian của chị đều dành cho gia đình và công việc. Chị cũng tâm sự rằng, nếu mai này không còn sức để hoạt động nghệ thuật thì chị sẽ vào trại dưỡng lão. Vào trại dưỡng lão, chỉ cần diễn cho một người xem thôi là chị cũng cảm thấy vui rồi.
Hiện tại, sức khỏe của Minh Vượng không được tốt. Chị thường xuyên phải có sự hỗ trợ của nhiều loại thuốc khác nhau để vượt qua những cơn đau sau 2 lần mổ khối u. Cũng đã không ít lần chị lâm vào tình trạng đột qụy rồi còn nhiễm trùng máu…
Bên cạnh con đường nghệ thuật, Minh Vượng cũng là một giáo viên mẫu mực, giảng dạy 7 ngày/ tuần tại khoa Kịch - Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tham gia các hoạt động của Nhà hát chèo Hà Nội.
(Nguồn: tổng hợp)