Bị rắn hổ cắn, bé gái nguy kịch khi gia đình đưa đến thầy lang 'hút nọc', bó chân

Đời sống 10/06/2024 19:12

Người nhà đưa bệnh nhi đến thầy lang hút nọc rắn, bó chân. Sau khi về nhà, bệnh nhi nôn ói nhiều, than mệt và tiếp xúc kém nên được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Hậu Giang trong tình trạng lơ mơ, thở mệt.

Theo thông tin từ VTV, ngày 10/6, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết vừa cứu sống một bé gái bị rắn hổ đất tấn công. Bệnh nhi là em V.T.L. (11 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) nhập viện vào tối ngày 6/6.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, khoảng 7 giờ sáng ngày 6/6, bệnh nhi vào nhà bếp thì bị rắn cắn ở vùng cổ chân phải, người nhà nghi là rắn hổ đất. Khoảng 8 giờ, người nhà đưa bệnh nhi đến thầy lang hút nọc rắn, bó chân. Sau khi về nhà, bệnh nhi nôn ói nhiều, than mệt và tiếp xúc kém nên được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Hậu Giang trong tình trạng lơ mơ, thở mệt.

Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi rắn hổ đất cắn, được xử trí cấp cứu thở oxy, tiêm kháng sinh, chăm sóc vết rắn cắn và chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1 lúc 18h cùng ngày. Bệnh nhi nhập Khoa Cấp cứu trong tình trạng mê, suy hô hấp nặng kèm sưng bầm vùng cổ chân phải với dấu rắn cắn ở mắt cá trong. Ngay lập tức, bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy, hội chẩn truyền 8 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và chuyển Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc điều trị tiếp.

Bị rắn hổ cắn, bé gái nguy kịch khi gia đình đưa đến thầy lang 'hút nọc', bó chân - Ảnh 1
Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cứu sống bé bị rắn cắn - Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Theo thông tin từ báo Sài Gòn giải phóng, Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh nhi cấp cứu trong tình trạng mê, suy hô hấp nặng kèm sưng bầm vùng cổ chân phải với dấu rắn cắn ở mắt cá trong. Ngay lập tức, trẻ được đặt nội khí quản thở máy, hội chẩn truyền 8 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Tại khoa Hồi sức tích cực Chống độc, bệnh nhi được thở máy, chích kháng sinh, chăm sóc vết thương, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc.

PGS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sau khoảng 10 giờ truyền huyết thanh kháng nọc, bệnh nhi tỉnh, tự thở tốt và được cai máy thở. Hiện tại, tình trạng của trẻ diễn tiến tốt. Theo BS Phạm Văn Quang, rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn. Tai nạn này thường xảy ra nhiều vào mùa mưa do rắn hay bò vào nhà, nhất là ở vùng nông thôn.

Cách sơ cứu và phòng ngừa rắn cắn cho trẻ

Trao đổi với báo Sức khoẻ và đời sống, ThS.BS Trần Thị Mỹ Hạnh - Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn cần thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách như sau:

- Động viên, trấn an, để bệnh nhi nằm yên. Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.

- Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.

- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị rắn cắn.

- Băng ép tại chỗ bị cắn lên tới gốc chi, băng tương đối chặt nhưng vẫn còn sờ thấy mạch đập, không garô động mạch.

- Dùng nẹp cứng để cố định chi.

- Duy trì băng ép, bất động chi và vận chuyển kịp thời người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Cung cấp hình dạng, màu sắc hoặc ảnh chụp con rắn cho bác sĩ để dễ dàng nhận biết loại rắn, nhằm có biện pháp cấp cứu kịp thời.

Bị rắn hổ cắn, bé gái nguy kịch khi gia đình đưa đến thầy lang 'hút nọc', bó chân - Ảnh 2
Bệnh nhi được điều trị tích cực - Ảnh: VTV

Đặc biệt, các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ không sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn. Trích, rạch, nặn, bóp tại vùng vết cắn. Không loay hoay tìm kiếm và áp dụng các kinh nghiệm dân gian hoặc thầy lang để sơ cứu.

Để phòng rắn độc cắn, cha mẹ cần chú ý đến trẻ, nhất là thời gian trẻ còn nghỉ hè chưa phải đến trường.

- Tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm, hang có nhiều gạch đá, khu vực gần chuồng gia cầm.

- Khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô, nên mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày. Tránh ra vườn sau khi mưa rào và lúc trời tối.

- Không cho trẻ nằm ngủ dưới nền nhà.

- Nếu thấy rắn trong tự nhiên, nên để rắn tự đi. Tránh bắt hay chọc phá rắn.

Mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển và cũng là thời điểm số bệnh nhi bị rắn cắn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tại các địa phương gần vùng sông nước, đồi núi. Các bệnh nhân thường bị rắn cắn trong hoàn cảnh nằm ngủ trên nền nhà, sinh hoạt gần cánh đồng hoặc các nơi có gia cầm…

Theo BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm - Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bị rắn độc cắn, người bệnh thường thấy đau buốt tại chỗ cắn, thấy dấu răng sâu, vết thương chảy máu khó cầm, vùng bị cắn sưng nề, nổi phỏng nước, hoại tử lan dần, có thể có các dấu hiệu toàn thân như nhìn mờ, sụp mi, đau rát họng, nói khó, nuốt sặc, liệt cơ tiến triển lan xuống tứ chi, thậm chí co giật, hôn mê.

Phụ huynh ở Phú Thọ trắng đêm xếp hàng đăng ký cho con vào lớp 1

Vào ngày 10/6, nhiều trang mạng xã hội đưa hình ảnh phụ huynh xếp hàng xuyên đêm trước cổng trường Tiểu học Giấy Bãi Bằng (thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) để chờ nộp hồ sơ vào lớp 1 cho con.

TIN MỚI NHẤT