Nước chiếm một phần rất lớn trong cơ thể chúng ta, đóng vai trò quan trọng trong vận hành của cơ thể. Nhưng có phải uống càng nhiều nước càng tốt?
- Số ca nhiễm COVID-19 gia tăng: 6 loại đồ uống giúp tăng miễn dịch, phòng bệnh hiệu quả
- Một bộ phận ở con lợn là "kho collagen" chống lão hóa nhưng chuyên gia nói đừng ăn nhiều
Sau không khí, nước là thành phần thiết yếu nhất cho sự sinh tồn. Sức khỏe của chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào lượng nước bản thân uống hàng ngày. Chúng ta có thể nhịn ăn đến 1 tháng, nhưng nhịn nước chỉ được vài ngày.
Đặc biệt, khi tiết trời nóng bức, quá trình vận động sẽ làm nước trong cơ thể mất nhanh và nhiều hơn, dẫn tới nhanh khát, vì thế, mọi người có xu hướng uống nhiều nước hơn để giải nhiệt. Tuy nhiên, cần lưu ý, nước lọc không phải cứ uống nhiều là tốt, cần bổ sung hợp lý mới phát huy hết tác dụng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, uống nước phải phụ thuộc vào cân nặng, tuổi tác và bệnh lý nền nếu có, vì uống quá nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho tim và một số cơ quan khác.
Người trưởng thành chỉ nên uống 40 ml/1 kg cân nặng, như vậy, người nặng 40 kg sẽ uống 1,6 lít/ngày, 50 kg uống 2 lít, 60 kg uống 2,4 lít. Với người cao tuổi, lượng nước nên uống ít đi, khoảng 30-35ml/1 kg, bởi các chức năng tim, gan, chuyển hóa nước trong cơ thể đã giảm đi.
Nhóm bệnh lý nền cần có khuyến nghị cụ thể từ bác sĩ, tùy từng bệnh và mức độ nặng nhẹ. Ví dụ, bệnh về thận, tim mạch, cổ trướng cần hạn chế hơn vì nước dễ gây áp lực cho các bộ phận.
Bác sĩ Hưng cũng lưu ý, không nên uống nước quá lạnh mà chỉ nên uống nước mát, nhất là người có vấn đề về họng.
Ngoài ra, nên phân chia thời gian uống hợp lý trong ngày, đặc biệt với người hoạt động thể lực cao, vận động viên, lao động nặng. Việc uống quá nhiều nước cùng lúc sẽ gây rối loạn điện giải, không tốt cho sức khỏe, thậm chí gây nhiều bệnh về sau.