Quả đậu bắp chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất thiết yếu. Đọc bài viết sau để biết những lợi ích và tác hại của đậu bắp đối với cơ thể là gì nhé!
- Vua của các loại rau, giúp thải độc, cải thiện trí nhớ và giúp trái tim khỏe mạnh
- Những món ăn là “sát thủ” âm thầm giết chết bạn trong bữa ăn hàng ngày
1. Giá trị dinh dưỡng của đậu bắp
Trước hết, hãy tìm hiểu thành phần dinh dưỡng để biết công dụng cũng như tác hại của đậu bắp.
Đậu bắp rất ít calo và không có chất béo bão hòa hoặc cholesterol. Nó rất giàu chất xơ, chất nhầy và folate. Cụ thể, trong 100g đậu bắp sống chứa các thành phần sau:
• Calo: 33
• Tinh bột: 7 gam
• Đạm: 2 gam
• Chất béo: 0 gam
• Chất xơ: 3 gam
• Magiê: 14% giá trị hàng ngày (DV)
• Folate: 15% DV
• Vitamin A: 14% DV
• Vitamin C: 26% DV
• Vitamin K: 26% DV
• Vitamin B6: 14% DV
Đây quả thực là một loại rau giàu chất dinh dưỡng và có hàm lượng vitamin cao. Mặt khác, trong khi nhiều loại trái cây và rau củ thiếu protein, đậu bắp lại có thành phần này, khiến nó trở thành một loại rau độc đáo.
2. Lợi ích sức khỏe không ngờ của đậu bắp
Đậu bắp là món ăn quen thuộc với rất nhiều người. Ngoài chất xơ dồi dào, đậu bắp còn chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao.
Giảm huyết áp
Kali trong quả đậu bắp hỗ trợ cân bằng natri và do đó duy trì lượng chất lỏng thích hợp trong cơ thể. Đậu bắp cũng làm giảm áp lực lên hệ thống tim mạch bằng cách thư giãn các mạch máu và động mạch, từ đó giúp hạ huyết áp.
Hỗ trợ giảm cân
Đậu bắp là loại rau rất có lợi cho việc giảm cân do hàm lượng calo thấp và chất xơ cao. Chất xơ mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và làm tăng cảm giác no sau khi ăn.
Đậu bắp cũng ít chất béo và cholesterol. Yếu tố này rất tốt cho những người đang thừa cân, béo phì.
Tăng cường miễn dịch
Đậu bắp chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ các vi sinh vật có lợi phát triển trong đường tiêu hóa. Những vi sinh vật có lợi này bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng, điều này giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, lượng vitamin C và các chất oxy hóa khác trong quả đậu bắp cũng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể bằng cách chống lại các gốc tự do có hại. Vitamin C cũng kích thích sản xuất nhiều tế bào bạch cầu hơn, từ đây bảo vệ cơ thể chống lại các mầm bệnh ngoại lai.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Các nhà khoa học khẳng định rằng đậu bắp có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện độ nhạy insulin.
Mặt khác, một số nghiên cứu còn chỉ ra trái đậu bắp có khả năng giảm hấp thu glucose trong ruột, tái tạo các tế bào sản xuất insulin bị hư hỏng và tăng cường tiết insulin. Tất cả điều này đều tốt cho người bệnh tiểu đường.
3. Những ảnh hưởng của đậu bắp đối với cơ thể
Tăng nguy cơ sỏi thận
Trong đậu bắp có chứa nhiều oxalat. Theo nhiều khuyến cáo từ viện nghiên cứu, ăn nhiều thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận dạng canxi oxalat. Do đó, những người đang bị bệnh sỏi thận nên hạn chế ăn nhiều đậu bắp, cũng như các thực phẩm giàu chất oxalat.
Gây ra bệnh tiêu chảy
Đậu bắp có chứa fructans – một loại carbohydrate. Ăn nhiều thực phẩm chứa fructans có thể gây ra các tình trạng tiêu chảy, đầy hơi, chuột rút ở những người có vấn đề đường ruột, đặc biệt là người bị hội chứng ruột kích thích.
Ngoài ra ăn đậu bắp bị tiêu chảy thì có thể là do vệ sinh thực phẩm không sạch. Mặc dù đây là thực phẩm có lợi cho những người mắc bệnh táo bón nhưng đối với người bụng cồn cào hay đau bụng thì không nên ăn đậu bắp.
Viêm khớp
Mặc dù không phổ biến, nhưng một tỷ lệ nhỏ người có thể sẽ bị tăng tình trạng đau khớp, viêm khớp và viêm khớp kéo dài nếu ăn đậu bắp thường xuyên. Nguyên nhân là do trong đậu bắp có chất solanine, đây là một hợp chất có thể gây ra các vấn đề liên quan đến xương khớp.