Thịt đông là món ăn được ưa chuộng không chỉ dịp tết mà bất kể thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, nếu không chú ý khi nấu, bảo quản và cả khi ăn thì dễ gây hại cho sức khỏe.
- Có nên gói sẵn nem cất tủ đá để dùng ngày Tết không?
- 3 cách tự trồng giá đỗ tại nhà cực đơn giản mà lại an toàn
Thịt đông mát nhưng ăn vẫn gây tăng cân
Sở dĩ thịt đông là món ăn được nhiều gia đình sử dụng trong dịp Tết cổ truyền là do ngày xưa chưa có tủ lạnh, dịp Tết nhiệt độ xuống thấp, nấu nồi thịt xong sẽ đông lại và sử dụng được trong vài ngày Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, khi điều kiện kinh tế phát triển hơn, các gia đình đa số đã có tủ lạnh thì thịt đông xuất hiện quanh năm, chứ không riêng gì dịp tết. Vì thế nhiều người thích sử dụng món ăn này vào mùa hè vì thời tiết nóng, ăn miếng thịt đông mát lạnh cảm giác sẽ rất ngon.
Tuy nhiên, dù sử dụng thịt đông ở thời điểm nào trong năm, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần một số lưu ý, nếu không sẽ gây hại cho sức khỏe.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thịt đông được nấu từ thịt lợn, đa số sử dụng phần bì, thịt chân giò, thịt thủ để chế biến. Ngoài ra, mọi người còn có thể kết hợp với nấm hương, mộc nhĩ. Do nguyên liệu chính được làm từ thịt lợn nên món thịt đông cung cấp khá nhiều năng lượng, chất béo.
Vì thế, PGS Lâm khuyến cáo người dân khi sử dụng cần phải hết sức chú ý đến số lượng nạp vào cơ thể.
“Do thịt đông ăn ít bị ngấy, lại mát lạnh nên được sử dụng nhiều, do vậy nguy cơ tăng cân là rất cao. Bởi ngoài thịt đông chúng ta còn ăn các món khác như bánh chưng, canh măng, giò chả trong dịp. Đó đều là những thực phẩm nhiều năng lượng, dễ gây tăng cân nếu không được kiểm soát”, PGS Lâm cảnh báo.
Có nên kết hợp rau củ để làm thịt đông?
Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm đó là cho các thực phẩm kết hợp để làm thịt đông, ví dụ như nấm hương, mộc nhĩ, cà rốt… Liệu sự kết hợp này, cộng với việc bảo quản trong vài ngày Tết có gây ảnh hưởng gì cho sức khỏe?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, mọi người chỉ nên nấu thịt đông với mộc nhĩ, không nên kết hợp với thực phẩm khác.
Bởi mộc nhĩ khi nấu độ vừa chín tới vẫn còn giữ được độ dai và giòn. Trong khi nấm hương và cà rốt nếu cho vào thì chỉ thực hiện khi làm xong ăn luôn, không nên kết hợp chúng khi ta bảo quản cả dịp tết dài này.
“Thực chất cà rốt cho vào cũng chỉ tạo màu sắc bắt mắt hơn, còn theo truyền thống nấu thịt đông ngày xưa thì không có sự kết hợp này. Hơn nữa, củ cà rốt nếu khi nấu chín bảo quản nhanh bị hỏng, kể cả trong ngăn mát và đây cũng là thực phẩm không nên bảo quản qua đêm khi đã nấu chín, dễ bị vi khuẩn tấn công”, bác sĩ Hưng cho hay.
Riêng đối với thịt đông, dù đã có tủ lạnh bảo quản nhưng tiến sĩ Hưng cũng khuyến cáo, không nên bảo quản quá lâu đến cả một tuần. Mà chỉ nên bảo quản trong khoảng 3 ngày.
“Do đặc tính món ăn, thịt đông phải nấu nhiều cùng lúc mới ngon, nên chúng ta chấp nhận việc nấu 1 lần, chứ không thể mỗi ngày nấu một bát thịt đông.
Khi nấu xong tốt nhất chia thành từng bữa nhỏ rồi để đông, như vậy việc việc bảo quản tốt hơn, thẩm mỹ hơn và ít bị vi khuẩn tấn công gây hỏng. Trường hợp không chia ra được từng bữa thì cần đặc biệt lưu ý mỗi khi lấy thịt đông. Đó là dùng dụng cụ sạch cắt thành từng bữa vừa ăn. Tuyệt đối, không dùng đũa đã ăn để lấy, ăn không hết không nên đổ lẫn vào để bảo quản tiếp”, bác sĩ Hưng tư vấn.