Để dự phòng sâu răng và viêm lợi, vệ sinh răng miệng là việc làm cần thiết đầu tiên, nhất là đối với trẻ em. Việc làm này cần được quan tâm từ khi bà mẹ mang thai và ngay sau khi sinh.
- Bé trai không mọc răng cửa vĩnh viễn, cha mẹ giật mình khi biết nguyên nhân
- Con bị vi khuẩn ăn lên mắt, bố mẹ sốc khi biết nguyên nhân do ăn kẹo không đánh răng
Bệnh răng miệng là một nhóm bệnh lý phổ biến, nhiều người mắc, đặc biệt là bệnh sâu răng và viêm lợi. Mặc dù đã có rất nhiều chương trình giáo dục sức khỏe răng miệng để giảm tỷ lệ sâu răng và viêm lợi, tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh viêm lợi và sâu răng vẫn còn rất cao, đặc biệt ở trẻ em.
Thời điểm tốt nhất bắt đầu tư vấn dự phòng các bệnh răng miệng là trước khi trẻ sinh ra. Tại thời điểm này, bố mẹ rất dễ tiếp nhận các khuyến cáo phòng bệnh cho trẻ. Bố mẹ trẻ phải được tư vấn bất chấp thói quen vệ sinh răng miệng của họ như thế nào và họ sẽ làm mẫu cho con của họ về vệ sinh răng miệng. Cách vệ sinh răng miệng cho trẻ như sau:
Trẻ sơ sinh (0 đến 1 tuổi)
Trẻ được ẵm bằng một tay trong khi tay kia mát xa (lau) lợi cho trẻ. Tư thế này sẽ tạo cho trẻ cảm giác an toàn.
Lợi của trẻ được lau bằng khăn sạch, mềm ẩm. Khi răng mọc, sử dụng bàn chải lông mềm nhỏ và không cần sử dụng bất kì loại kem đánh răng nào.Trẻ từ 1-3 tuổi
Bố mẹ chải răng hàng ngày cho trẻ. Sử dụng bàn chải phẳng và nước khi chải răng. Tư thế của trẻ và bố mẹ rất quan trọng. Có 3 tư thế có thể được sử dụng:
Tư thế 1: Hai người ngồi trên ghế đối diện nhau, đầu gối chạm nhau. Trẻ nằm đầu hướng về phía người sẽ chải răng cho trẻ. Tư thế này cần hai người lớn và không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Tư thế 2: Chỉ cần một người lớn ngồi trên nền, chân duỗi ra và đứa trẻ nằm trên chân người đó. Chân của đứa trẻ có thể bị khóa ở giữa chân người chải. Tay trái kéo má và tay phải chải răng cho trẻ.
Tư thế 3: Cũng chỉ cần một người lớn. Người chải răng ngồi duỗi thẳng chân đặt trẻ vào lòng giữa hai chân. Đầu trẻ được nâng đỡ bởi tay trái hoặc tựa trên người lớn.
ve-sinh-rang-mieng-dung-cach-cho-tre-1Bố mẹ là người chịu trách nhiệm vệ sinh răng miệng cho trẻ khi chúng còn nhỏ
Trẻ 3 – 6 tuổi
Bố mẹ đứng sau trẻ và cùng nhìn về một hướng với trẻ. Đầu trẻ tựa vào tay trái của bố mẹ và bố mẹ dùng tay phải chải răng cho trẻ. Cũng có thể dùng một tay để kéo, còn tay kia chải răng cho trẻ. Tư thế này cũng áp dụng khi dùng chỉ tơ nha khoa cho trẻ.
Dự phòng sâu răng và viêm lợi cần được thực hiện từ khi người mẹ mang thai và ngay sau khi trẻ ra đời. Các bố mẹ nên gặp bác sĩ nha khoa để được tư vấn về cách chăm sóc răng miệng phù hợp cho con mình.
Kem đánh răng có fluoride có thể được sử dụng với kích thước bằng hạt đậu nếu trẻ đã biết nhổ. Ở giai đoạn này có thể sử dụng gels hoặc nước súc miệng có fluoride với số lượng nhỏ cho các trẻ có nguy cơ sâu răng từ trung bình tới cao.
Trẻ tuổi đến trường (6 – 12 tuổi)
Giai đoạn này đánh dấu trách nhiệm của trẻ về vệ sinh răng miệng bản thân nhưng vẫn cần sự tham gia của bố mẹ. Tuy nhiên, thay vì trực tiếp chải răng cho trẻ, bố mẹ giám sát tích cực việc trẻ chải răng. Khi 9 – 12 tuổi, hầu hết trẻ có thể chải răng và dùng chỉ tơ nha khoa một mình. Bố mẹ có thể chải cho trẻ ở những vùng khó tiếp cận hoặc nếu trẻ không muốn chải răng. Trẻ ở giai đoạn này rất dễ tác động, vì vậy nên giải thích tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh và sức khỏe răng miệng cho trẻ.
Ngoài ra, có thể sử dụng thêm nước súc miệng chứa các dược chất sát khuẩn cho trẻ có nguy cơ cao bị bệnh quanh răng và sâu răng.
Thiếu niên (12-19 tuổi)
Mặc dù trẻ ở tuổi vị thành niên đã có đủ kỹ năng vệ sinh răng miệng nhưng ý thức (sự thích thú) với việc chải răng là vấn đề lớn ở giai đoạn này. Giáo dục cho trẻ lứa tuổi này có ý thức trách nhiệm hơn với việc vệ sinh răng miệng có thể gặp sự phản kháng chống lại của trẻ và không đạt được kết quả mong muốn trong thời gian dài. Ngoài ra, thói quen ăn uống kém và sự thay đổi hormon tăng trưởng làm tăng nguy cơ sâu răng và viêm lợi ở trẻ vị thành niên. Trẻ ở giai đoạn này nên được giáo dục khéo léo và thường xuyên về những thói quen tốt trong chăm sóc sức khỏe răng miệng.