Khi thấy bé trai Đ.N.P 9 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội không mọc được răng cửa vĩnh viễn, bố mẹ đã đưa con đi khám và giật mình biết được nguyên nhân. Các bác sĩ cho biết, tình trạng này rất hay gặp ở trẻ nhỏ nhưng thường hay bị bỏ qua.
- Chủ quan khi con kêu đau răng, đau đầu, mẹ Ba Vì quặn thắt hay tin con mắc bệnh nặng
- Phân biệt các biểu hiện sốt mọc răng ở trẻ em với các bệnh nguy hiểm khác
Theo lời kể của gia đình, bé P dù đã thay răng lâu nhưng răng cửa vĩnh viễn không mọc. Gia đình đưa đi khám, tiến hành chụp phim, các bác sỹ phát hiện bé bị rối loạn mọc răng vĩnh viễn do răng thừa ngầm hàm trên. Chính điều này đã cản trở việc mọc răng cửa vĩnh viễn.
Bé P đã được chuyển tới Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương để phẫu thuật bỏ răng thừa ngầm. Sau phẫu thuật nhổ răng thừa, bé được về nhà điều trị thuốc, hẹn cắt chỉ sau 07 ngày.
BS Ngô Thị Thu Hà, Chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC cho biết, ở bất kỳ vị trí nào trên khung hàm răng đều có thể có răng thừa, có thể một hoặc nhiều răng đã nhú ra hoặc mọc ngầm. Nguyên nhân có thể do răng mọc ngầm, mầm răng vĩnh viễn lạc chỗ… Răng mọc ngầm lâu ngày khiến trẻ em gặp vấn đề rối loạn mọc răng vĩnh viễn.
Nếu không chẩn đoán và xử lý kịp thời, răng mọc thừa ngầm không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Gây sưng lợi, đau nhức làm ảnh hưởng việc ăn nhai.
- Gây xô lệch, lung lay hoặc nhiễm trùng chóp, tiêu chân răng của những răng xung quanh
- Có thể gây u, nang trong xương hàm.
- Khuôn mặt trẻ biến dạng nếu vị trí mất răng, xương hàm bị tiêu hủy…
Để tránh điều này, các bậc cha mẹ cần lưu ý khi thấy con thay răng sữa từ 2 tháng trở lên, lợi lành thương tốt mà không thấy mọc răng vĩnh viễn cần đưa đi khám nha khoa. Răng mọc thừa ngầm chỉ được phát hiện khi thăm khám nha khoa và qua các kỹ thuật kiểm tra như chụp X-quang, chụp CT Conebeam.
Các bác sĩ nha khoa cũng khuyến cáo, 90% trẻ em Việt Nam gặp vấn đề về răng miệng, trong đó việc không cho trẻ đánh răng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới vấn đề này. Thường thì không dễ dàng nhận biết trước khi nào trẻ có vấn đề răng mọc lệch, cần phải chỉnh răng. Thậm chí răng nhìn ngay ngắn vẫn có thể tiềm ẩn một số vấn đề dẫn đến răng mọc lệch sau này. Bởi vậy, việc thăm khám răng định kỳ với trẻ là rất quan trọng.
Khi trẻ bắt đầu mọc răng sữa, giai đoạn 6 tháng đến 1 năm tuổi là lần khám nha khoa đầu tiên để phát hiện sớm nguy cơ gây bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời. Sau đó, mẹ đưa trẻ đi khám định kỳ 3 – 6 tháng/lần.
Ngoài ra, ngay từ nhỏ cha mẹ nên:
+ Xây dựng cho con thói quen chăm sóc, vệ sinh răng miệng ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm lợi….
+ Răng sữa nhổ đúng thời điểm để tránh tình trạng chen chúc, lệch lạc của răng vĩnh viễn.
+ Loại bỏ những thói quen xấu, gây hại cho răng như mút ngón tay, ngậm ti giả, mút môi, nghiến răng
+ Thay đổi thói quen ăn uống của trẻ như hạn chế ăn đồ ngọt, bánh kẹo… để có hàm răng khỏe, đẹp.