Trẻ sơ sinh bị mụn ở mặt: đừng coi thường!

Chăm sóc con 27/10/2019 11:40

Làn da của trẻ sơ sinh thường rất nhạy cảm nên bất kỳ thay đổi nào cũng dễ khiến da mẫn cảm hơn. Nhiều bé sức khỏe bình thường, bỗng trên da mặt xuất hiện những nốt mẩn đỏ. Điều này khiến không ít bố mẹ lo lắng. Thực tế, mụn đỏ là dấu hiệu của rất nhiều bệnh da liễu ở trẻ. Vậy nguyên nhân trẻ sơ sinh bị mụn ở mặt là gì và phải xử lý như thế nào?

Có nên chủ quan khi trẻ bị nổi mụn ở mặt?

Thông thường việc trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ trên mặt sẽ không nguy hiểm, thậm chí còn không hề có bất kỳ khó chịu nào ở trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng đơn giản như vậy. Trong một số trường hợp, những nốt mụn tưởng như vô hại đó có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, gây sưng tấy, lở loét và viêm da nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. 

tre bi mun o mat
Trẻ sơ sinh bị mụn ở mặt - Ảnh minh họa: Internet

Chính vì thế, việc trẻ sơ sinh bị mụn ở mặt đều khiến bố mẹ lo lắng. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh) vốn có làn da nhạy cảm, cộng với hệ miễn dịch và sức đề kháng rất yếu và non nớt. Một khi nhiễm bệnh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập khiến bé khó chịu, mệt mỏi, lười ăn, ít ngủ về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

mun o mat khien tre quay khoc, kho chiu
Mụn ở mặt khiến trẻ quấy khóc, khó chịu - Ảnh minh họa: Internet

Vì vậy, bố mẹ không nên chủ quan nếu thấy trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ trên mặt. Nhưng cũng không nên quá lo lắng, hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý phù hợp.

Một số bệnh về da khiến bé sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt

Khi trẻ sơ sinh bị mụn ở mặt và đầu, một số người cho rằng đó chỉ là do bé dị ứng thời tiết… Tuy nhiên đây lại là một dấu hiệu quan trọng của một số bệnh về da ở trẻ mà bố mẹ không nên lơ là.

Rôm sảy

Thời tiết nắng nóng khiến bé dễ bị rôm sảy trên mặt, hoặc tập trung ở vùng lưng. Mẩn đỏ do rôm sảy khiến trẻ bị nổi nốt đỏ như muỗi đốt, thường lên từng mảng và khiến bé ngứa ngáy khó chịu.

rom say o tre so sinh
Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ trên mặt do rôm sảy - Ảnh minh họa: Internet

Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu trên, mẹ nên thường xuyên lau người cho bé; cho bé mặc quần áo chất liệu nhẹ, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt; bật quạt nhẹ để không khí lưu thông, khô thoáng. Bên cạnh đó, giai đoạn sơ sinh bé vẫn cần sữa mẹ nên mẹ không nên ăn loại thực phẩm gây nóng để bị ảnh hưởng đến sữa.

Mụn sữa

Khi trẻ sơ sinh nổi mụn trắng trên mặt, bố mẹ có thể “tự chẩn đoán” rằng đó chính là mụn sữa. Mụn sữa thường xuất hiện 3 tuần đầu sau sinh do thay đổi môi trường từ bụng mẹ. Trên lý thuyết, mụn sữa không gây hại cho bé và sẽ biến mất sau 3 tháng mà bố mẹ không cần làm gì. Sự xuất hiện của mụn sữa là do các tuyến bã nhờn trên da bé đang học cách bài tiết.

mun sua tren da tre so sinh
Trẻ sơ sinh bị nổi mụn đầu trắng - Ảnh minh họa: Internet

Lúc này, mẹ cần thường xuyên lau rửa mặt và người cho bé, không để bé bị nóng và ra mồ hôi. Nếu sau 3 tháng mà mụn không biến mất, thậm chí mọc to hơn, nhiều hơn và có mủ thì nên đưa bé đi khám để tránh mắc bệnh viêm da.

Dị ứng

Dị ứng thời tiết được xem là nguyên nhân phổ biến hơn cả khiến trẻ sơ sinh bị mụn ở mặt. Ngoài ra, bé còn có thể bị dị ứng với khói thuốc lá, phấn hoa, đạm sữa bò. Khi bị dị ứng, bé bị nổi hột đỏ trên mặt, bắt đầu từ khu vực da quanh miệng rồi lan ra khắp mặt. 

tre so sinh bi di ung
Trẻ bị nổi nốt đỏ như muỗi đốt - Ảnh minh họa: Internet

Dị ứng được hiểu nôm na là một cơ chế, một “thói quen” của làn da được hình thành để phản ứng lại với một số tác nhân từ bên ngoài: thức ăn, thời tiết, khói thuốc… Vì thế những vết mẩn do dị ứng thường không có thuốc điều trị và phòng ngừa. Cách tốt nhất là mẹ nên tìm hiểu về những tác nhân gây dị ứng cho bé và hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với chúng một cách tối đa.  

Khi trẻ bị dị ứng, tuyệt đối không chà xát lên vùng da dị ứng gây trầy xước. Nên cho bé bổ sung vitamin qua thực phẩm ăn dặm hoặc qua chế độ ăn uống của mẹ khi cho con bú để tăng sức đề kháng cho bé.

Mụn nhọt

mun nhot o tre so sinh
Mụn nhọt ở trẻ sơ sinh cần hết sức cẩn thận - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ rất dễ bị các loại mụn nhọt mọc kiểu riêng lẻ hoặc mọc thành cụm. Mụn thậm chí còn sưng to và có mủ.

Lúc này, mẹ cần dùng nước muối sinh lý để lau vùng da bị mụn, tắm và vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ, thoáng mát. Bôi thêm thuốc tím để mụn nhanh khô và sát khuẩn. Không được nặn mụn cho trẻ.

Mụn nhiều và có mủ thì mẹ nên đưa trẻ đi khám chứ không tự ý mua thuốc bôi.

Lác sữa

lac sua o tre so sinh
Lác sữa khiến trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ trên mặt - Ảnh minh họa: Internet

Lác sữa thường xuất hiện ở các bé có cơ địa bị dị ứng. Bệnh thường gặp ở những bé từ 2 tháng đến 2 tuổi. Trong gia đình có bố mẹ hay bị dị ứng cũng có thể tăng nguy cơ bé bị lác sữa hơn. Biểu hiện là da bé khô, bong tróc và nứt gây đau.

Lúc này, mẹ nên tránh ăn những thực phẩm dễ gây ngứa. Tắm nên dùng xà bông, sữa tắm có độ tẩy rửa dịu nhẹ, có thể dùng dung dịch sát khuẩn lau da cho bé.

Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị mụn ở mặt

Ở một vài trường hợp, việc trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, không nên để đến khi tình trạng trở nên nặng hơn thì mới “ra tay tiêu diệt”. Khi có bất kỳ triệu chứng nào bất thường trên da, cần phải kiểm tra xem tình trạng của bé chính xác là gì, có đáng lo không rồi mới có thể đưa ra phương pháp xử lý kịp thời.

  • Có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng da bị mụn, mẩn đỏ sau đó tắm và vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ, thoáng mát. Có thể bôi thuốc tím, hoặc hồ nước để mụn nhanh khô và sát khuẩn (nhưng phải hỏi ý kiến bác sĩ da liễu trước khi dùng cho bé). 
ve sinh da cho tre bang nuoc muoi sinh ly
Nhẹ nhàng vệ sinh da bằng nước muối sinh lý - Ảnh minh họa: Internet
  • Đối với trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng hoặc các nốt đỏ như muỗi đốt, không nên tự ý nặn mụn. Vì khi mụn bị trầy xước sẽ dễ bị lở loét, viêm nhiễm; trong môi trường không vệ sinh sẽ khiến mụn sưng, mưng mủ. Nếu mụn có dấu hiệu phát triển nhiều hơn kèm theo mủ, mẹ cần đưa trẻ đi khám để tham khảo ý kiến bác sĩ. Tránh tự ý mua thuốc bôi vì có thể gây nhiễm trùng.
  • Tránh để bé gãi, chà sát, cào cấu lên vùng có da mặt bị mẩn đỏ, vì nó sẽ khiến da bị trầy xước, gây tổn thương cho mô da và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dễ dàng hơn.

Có một phương pháp dân gian được nhiều mẹ truyền tai nhau và áp dụng để chữa cho trẻ bị nổi mụn ở mặt bằng cách thoa sữa mẹ lên những nốt mụn đỏ. Đây là cách sai, thiếu cơ sở khoa học và nguy hiểm. Mặc dù sữa mẹ lành tính và rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ nhưng khi sữa mẹ được vắt ra và tiếp xúc với môi trường bên ngoài đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Cho nên việc bôi sữa mẹ lên nốt mụn đỏ có thể sẽ gây nhiễm trùng trên da bé, nhiều trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến nhiễm trùng máu.

Một quan niệm sai lầm nữa khi mẹ nghĩ rằng các nốt mẩn đỏ nổi lên là do bẩn và sẽ sử dụng các sản phẩm làm sạch để vệ sinh. Tuy nhiên, trong các sản phẩm vệ sinh như sữa tắm, kem bôi hay sữa rửa mặt đều chứa chất làm sạch, chất tạo bọt, hương liệu và chất bảo quản, hoàn toàn không phù hợp với làn da vốn dĩ rất nhạy cảm. Những chất này có thể là tác nhân gây kích ứng da, khiến tình trạng mụn biến chứng khó lường và gây khó khăn trong việc chữa trị.

Trẻ sơ sinh bị mụn ở mặt chỉ là một triệu chứng da liễu bình thường và không cần quá lo lắng. Tình trạng chỉ trở nên nặng hơn khi bố mẹ không có cách xử lý kịp thời hoặc vì chủ quan mà áp dụng sai cách. Mong rằng bài viết trên đây đã mang tới những thông tin bổ ích cho bố mẹ để bé sơ sinh luôn được khỏe mạnh và vui vẻ.

Sai lầm phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị hăm mông 

Trẻ sơ sinh bị hăm mông là một hiện tượng về da liễu hết sức bình thường. Tuy nhiên nếu không xử lý kịp thời, điều tưởng chừng như bình thường này sẽ chuyển biến thành bệnh da liễu phức tạp, gây đau đớn cho bé. Hãy đọc ngay bài viết dưới đây để không còn những sai lầm gây hăm mông cho bé!

TIN MỚI NHẤT