Trẻ sơ sinh bị hăm mông là một hiện tượng về da liễu hết sức bình thường. Tuy nhiên nếu không xử lý kịp thời, điều tưởng chừng như bình thường này sẽ chuyển biến thành bệnh da liễu phức tạp, gây đau đớn cho bé. Hãy đọc ngay bài viết dưới đây để không còn những sai lầm gây hăm mông cho bé!
Tại sao bé sơ sinh bị hăm mông?
Theo khảo sát, phần lớn lý do khiến trẻ sơ sinh bị hăm mông là do một số thói quen trong cuộc sống hàng ngày của bố mẹ. Những thói quen dù rất nhỏ, đơn giản nhưng lại gây cho trẻ những hậu quả không đáng có. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến khiến bé sơ sinh bị hăm da ở mông:
- Tã, bỉm không chất lượng
Vì một số lý do như điều kiện kinh tế, thiếu hiểu biết hay không tìm hiểu kỹ về các sản phẩm tã, bỉm trước khi mua cho con nên bố mẹ đã vô tình cho con sử dụng loại tã, bỉm kém chất lượng. Những sản phẩm có độ thấm hút kém khiến nước tiểu ứ đọng tại vùng mông, bẹn hoặc chất liệu không đảm bảo trong thời gian dài khiến bé bị hăm mãi không khỏi.
- Sử dụng tã, bỉm sai cách
Vùng da ở mông là khu vực có tỷ lệ bị hăm nhiều nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một trong những lý do đó là không biết cách hoặc sử dụng bỉm sai cách. Không thay bỉm thường xuyên, không thấm khô da trước khi mặc bỉm, quấn bỉm quá chặt, lạm dụng bỉm quá nhiều là những thói quen tai hại khiến da trẻ không thông thoáng, tạo môi trường ẩm khiến da bị kích ứng.
- Sử dụng quá nhiều phấn rôm
Mẹ thường có thói quen bôi phấn rôm ở vùng mông cho trẻ sau khi tắm, tiểu tiện hoặc đại tiện. Tuy nhiên do sử dụng quá nhiều với một lượng lớn phấn rôm đã làm bít lỗ chân lông, khiến da trẻ bị bí, khó chịu và từ đó hăm bắt đầu xuất hiện. Việc lạm dụng phấn rôm không chỉ khiến trẻ khó chịu, đau rát vì hăm; mà còn rất nguy hiểm nếu trẻ không may hít phải.
- Vệ sinh da hàng ngày với sản phẩm không phù hợp
Da trẻ sơ sinh thường rất nhạy cảm. Vì thế những hóa chất và hương liệu có trong sản phẩm vệ sinh da hàng ngày rất có thể là tác nhân khiến bé bị hăm mông mãi không khỏi.
Dấu hiệu trẻ bị hăm
Như chúng ta đã biết, hăm là một chứng bệnh ngoài da, xảy ra chủ yếu tại khu vực da tiếp xúc với tã của trẻ. Có một vài thông tin cho rằng, dùng tã vải sẽ tránh được tối đa tình trạng trẻ sơ sinh bị hăm da ở mông. Tuy nhiên thực tế, cho dù bạn dùng tã giấy hay tã vải, tình trạng bị hăm da vẫn có thể xảy ra với tỷ lệ tương đương nhau.
Thông thường phần da tại vùng tiếp xúc với tã, bỉm sẽ hơi đỏ theo mảng lớn, giống như bị mày đay, hơi châm chích ngứa nhẹ; nhưng nặng hơn thì vùng da ấy có thể nứt nẻ, đóng vẩy, nhiều trường hợp dẫn tới mưng mủ. Bố mẹ có thể thấy những dấu hiệu sau bằng mắt thường: đỏ da ở vùng quấn tã; đỏ da ở vùng da quanh háng, bẹn,... kèm theo mùi khai do nước tiểu đọng lại. Vùng da đỏ có thể bắt đầu từ hậu môn của bé sau đó lan dần ra tới mông và đùi, da căng và có đốm đỏ, ở giữa có mủ…(Đây là dấu hiệu khi tình trạng bắt đầu nặng).
Trẻ bị hăm da thường đau lúc đi tiêu, quấy khóc nhiều, bỏ ăn và ngủ ít. Theo kinh nghiệm trị hăm cho bé, tình trạng này khiến bố mẹ rất khó chăm sóc và gây khó chịu ở trẻ ít nhiều.
Cách trị hăm cho trẻ sơ sinh
Hăm là bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ, vì vậy cha mẹ không nên lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, cũng không được coi thường bệnh, vì nếu trẻ sơ sinh bị hăm mông không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản của bé sau này. Những sai lầm do những thói quen trong cuộc sống hàng ngày chắc chắn rất dễ gặp ở những gia đình trẻ, chưa có quá nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh. Việc bạn cần làm chính là ngay lập tức tìm ra và thay đổi những thói quen gây hại đó.
- Trước hết, bạn cần lựa chọn kỹ loại bỉm phù hợp cho con, tốt nhất chỉ sử dụng những loại bỉm của công ty uy tín, có thương hiệu. Tuyệt đối không sử dụng bỉm có nguồn gốc không rõ ràng hoặc những sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Trong trường hợp bất khả kháng, mẹ chỉ nên đóng tã cho bé khi ngủ và cần đảm bảo thay tã thường xuyên để da bé luôn khô ráo, thoáng mát. Ngoài ra, chất liệu, kích thước của tã cũng vô cùng quan trọng. Nếu thấy con kích ứng với loại tã đang sử dụng mẹ cần ngừng ngay và thay loại tã mới phù hợp hơn.
- Sau 3-4h là thời gian thích hợp để thay bỉm cho bé một lần, kể cả khi bỉm không đầy, đặc biệt cần lập tức thay bỉm khi phát hiện trẻ đại tiện để hạn chế tối đa việc vi khuẩn xâm nhập vào làn da của trẻ. Ngoài ra, sau khi thay bỉm cần vệ sinh sạch sẽ cho bé. Thấm khô vùng da mông trước khi mặc bỉm khác. Thỉnh thoảng, bé không cần thiết phải mặc tã, bỉm để thoải mái và khô thoáng. Việc này cũng tập cho bé thói quen đi vệ sinh đúng giờ.
- Hạn chế sử dụng phấn rôm. Thực tế, nếu mẹ có thể giữ vệ sinh cho bé cẩn thận và để da bé được khô thoáng tự nhiên thì không cần thiết phải sử dụng đến phấn rôm. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, phấn rôm phát huy tác dụng rất tốt. Vì vậy, bố mẹ cần phải tìm hiểu kỹ cách sử dụng phấn rôm bằng cách đọc thêm tài liệu tham khảo hoặc hỏi ý kiến bác sĩ da liễu, để có cách sử dụng phù hợp nhất cho con. Việc này tránh tối đa việc trẻ sơ sinh bị hăm ở mông. Lưu ý rằng không nên để bé hít phải phấn rôm vì điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp còn yếu ớt của trẻ.
- Các sản phẩm vệ sinh (bao gồm: sữa tắm, xà phòng, nước xả vải, bột giặt) cũng cần được lưu ý khi sử dụng. Bởi lẽ làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, những sản phẩm trên lại tiếp xúc trực tiếp với da bé. Cách tốt nhất là mẹ nên lựa chọn những sản phẩm dành riêng cho trẻ, ưu tiên những sản phẩm có chiết xuất từ nguồn gốc thiên nhiên.
- Một điều mẹ cần tuyệt đối lưu ý đó là khi phát hiện dấu hiệu trẻ bị hăm, cần dừng ngay việc tắm rửa cho bé bằng sữa tắm tạo bọt. Bởi trong một số sản phẩm sữa tắm (đặc biệt loại tạo nhiều bọt) thường có nhiều chất tạo bọt, chất làm sạch, chất tẩy rửa và hương liệu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bé bị hăm mãi không khỏi và có nguy cơ trầm trọng thêm.
Trong trường hợp trẻ đã có dấu hiệu bị hăm, bố mẹ cần xem xét và kiểm tra mức độ dựa vào những đặc điểm nhận biết tình trạng hăm da (đã đề cập ở trên).
- Nếu ở mức độ nhẹ, bố mẹ có thể xử lý tại nhà bằng cách bôi thuốc trị hăm (tham khảo ý kiến bác sĩ), hoặc áp dụng một số phương pháp dân gian như tắm lá trà xanh…
- Nếu mức độ trung bình đến nặng, bố mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ da liễu để thăm khám và có phác đồ điều trị hợp lý, tránh những hậu quả không mong muốn về sau.
Ở một số trường hợp, việc trẻ sơ sinh bị hăm mông không phải vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bố mẹ cần có sự theo dõi cẩn thận để kịp thời phát hiện những dấu hiệu sớm trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trên đây là những kiến thức cơ bản mà bố mẹ cần ghi nhớ để có thêm kinh nghiệm trị hăm cho bé.