Trẻ em bị Viêm Họng rất thường gặp do tình trạng môi trường ô nhiễm, thời tiết thất thường hiện nay, vậy làm cách nào xác định bệnh cụ thể và có cách chăm sóc bé phù hợp?
- Không tiêm vaccine, trẻ em sẽ mắc phải 6 căn bệnh đáng sợ này
- Bệnh nhân viêm họng tử vong "bất thường" sau khi tiêm, uống thuốc
Môi trường ô nhiễm, khói bụi khí thải,…khiến chúng ta rất dễ gặp phải các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là các bạn nhỏ. Viêm Họng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp nhất. Tuy là căn bệnh không quá khó điều trị và hiếm gặp nhưng cũng gây ra những khó chịu và khó khăn không ít trong cuộc sống hằng ngày.
Trẻ em bị Viêm Họng cũng vậy, có thể đi kèm theo rất nhiều biểu hiện khác làm bé rất mệt mỏi, thậm chí kích ứng gây những cơn ho kéo dài đến kiệt sức. Bài viết sẽ tổng quan cho bạn bức tranh toàn diện về bệnh Viêm Họng, cách xử lý, dấu hiệu cần thăm khám từ bác sĩ, cách chăm sóc cho trẻ khi bị Viêm Họng.
Tìm hiểu về bệnh Viêm Họng
Viêm Họng là một dạng bệnh viêm nhiễm trùng phổ biến gây đau cổ họng. Viêm Họng là bệnh mà khi đó niêm mạc họng và hầu bị viêm. Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu khi cổ họng của mình đau, rát, đặc biệt là khi nuốt. Giống với các chứng viêm khác, Viêm Họng có thể là cấp tính hay mãn tính. Đa phần bệnh Viêm Họng do virus gây ra, phần còn lại là do vi khuẩn, nấm hay các chất kích thích như chất gây ô nhiễm hay hóa chất.
Đau họng là triệu chứng phổ biến điển hình của Viêm Họng. Khiến bạn cảm thấy không thoải mái, khó ăn uống, ăn không ngon miệng. Viêm Họng có thể dẫn đến viêm Amidan khiến việc thở và nuốt gặp khó khăn. Viêm Họng có thể đi kèm với ho và sốt. Viêm Họng có thể xuất hiện riêng biệt gây đau họng kéo dài trong khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, đau họng cũng là triệu chứng biểu hiện bệnh lý phổ biến của một số bệnh khác hoặc thường gặp xuất hiện cùng với các bệnh: viêm Amidan, bệnh Phát Ban, Cúm, Sởi, Bạch Hầu, Ho Gà,...
Viêm Họng Cấp
Trẻ em bị Viêm Họng Cấp (Viêm Họng đỏ) thường có các biểu hiện: sưng đau họng, tắc mũi, khàn tiếng, ho khan, nổi hạch ở cổ, sưng tấy, trẻ bị sốt.
Các triệu chứng trên xuất hiện trong khoảng 3 – 4 ngày rồi bắt đầu thuyên giảm, bệnh thường kéo dài đến khoảng 7 ngày. Tuy nhiên phụ huynh cần theo dõi thời gian hồi phục để nhận biết tình trạng bội nhiễm hoặc biến chứng ở trẻ.
Trẻ em bị Viêm Họng sốt cao
Sốt cao là một biểu hiện rất hay đi kèm khi trẻ bị Viêm Họng, do một bộ phận cơ thể bị nhiễm trùng gây phản ứng sốt tại trẻ. Những cơn sốt khiến bé rất khó chịu và mệt mỏi. Điều cần thiết lúc này là gia đình nên cho bé uống bổ sung nước (sữa, cháo loãng, nước trái cây…) thường xuyên để giúp cơ thể hạ nhiệt, cho bé mặc thoáng mát và dễ chịu. Trẻ em bị Viêm Họng gây sốt cũng có thể đi kèm hoặc mặc các bệnh lý khác như Amidan, nhiễm Cúm do virus.
Gia đình nên đo nhiệt độ cơ thể bé liên tục và nếu bé sốt cao trên 38,5oC thì nên cho bé dùng thuốc hạ sốt cho bé. Nếu bé sốt cao liên tục, sốt âm ỉ, người mệt mỏi, lờ đờ, không ăn uống, không có dấu hiệu thuyên giảm khi đã uống hạ sốt thì gia đình nên đưa bé đến ngay cơ sở Y Tế hoặc bệnh viện để thăm khám cụ thể để làm rõ nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp nhất.
Trẻ em bị Viêm Họng có đờm
Ho là một phản xạ của cơ thể, nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh hoặc tống xuất dị vật lọt vào đường hô hấp ra khỏi cơ thể. Ho cũng là một triệu chứng khi trẻ bị Viêm Họng, giúp thông thoáng đường thở, đẩy dịch mũi họng ra khỏi cơ thể. Trẻ ho có đờm thường có dịch nhầy màu trắng hoặc xanh, gây ngứa, kích ứng và khó chịu trong vùng họng.
Điều gia đình cần làm đó là: Cho trẻ sơ sinh bú đủ, với các bé đã trên một tuổi cho trẻ uống nước (nước lọc, nước ấm, nước trái cây, sữa…) nhiều lần trong ngày. Việc này có tác dụng làm loãng dịch đờm giúp bé ho dễ dàng hơn, dễ long đờm.
Trẻ em bị Viêm Họng Mãn Tính (Viêm Họng Hạt)
Viêm Họng Mãn Tính hay còn thường gọi cụ thể là Viêm Họng Hạt. Vì Viêm Họng Hạt là một thể đặc biệt phổ biến của Viêm Họng Mãn Tính. Viêm Họng Hạt là căn bệnh rất phổ biến hiện nay, thường diễn ra theo mùa, bệnh lý phức tạp hơn Viêm Họng Cấp. Viêm Họng Hạt là tình trạng viêm nhiễm kéo dài và lặp đi lặp lại nhiều lần ở niêm mạc trong vùng hầu, họng và Amidan.
Bệnh ban đầu biểu hiện không có nhiều bất thường. Cảm giác đầu tiên của bệnh Viêm Họng Hạt đó là thấy vướng và ngứa trong cổ họng, và nếu ho hay đằng hắng nhẹ một chút thì mới hết. Bệnh diễn ra trong một thời gian dài, và các triệu chứng ngày một nặng, thường xuyên hơn. Bệnh nhân thường ho khan chứ không có đờm, ho liên tục, đôi khi phải ho cả một tràng dài.
Bệnh dễ gặp ở người lớn hơn là các bé nhưng không phải không có. Trẻ bị Viêm Họng Hạt đi kèm các dấu hiệu sau:
- Viêm Họng (họng đau, rát, khó nuốt)
- Sưng các tuyến trong cổ (soi sẽ thấy đỏ phần cổ họng, cuống họng...)
- Dễ dẫn đến tính trạng đau Tai và các vấn đề về Tai khác.
- Trẻ bị nghẹt Mũi. Khi Mũi trẻ bị nghẹt, việc hít thở sẽ rất khó khăn ( thậm chí thở bằng miệng, nói chuyện âm mũi)
Bệnh khiến bé rất khó chịu, đau họng khó nuốt, khó khăn khi kéo dài giấc ngủ, mệt mỏi. Trẻ cần được đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cách điều trị trẻ em bị Viêm Họng
Trẻ em là đối tượng rất dễ nhiễm các bệnh lý về đường hô hấp vì hệ thống kháng thể của các bé còn yếu, chưa hoàn toàn hoàn thiện. Chình vì vậy các bậc phụ huynh không nên quá bối rối và hoảng loạn khi các con bị bệnh, mà nên giữ tâm lý bình tĩnh, tìm hiểu, theo dõi tiến triển bệnh và đưa ra các quyết định hợp lý.
Các bậc phụ huynh nên tiến hành đo nhiệt độ cho trẻ và chườm hạ nhiệt bằng nước ấm, khi trẻ bị sốt. Viêm Họng là bệnh lý thông thường và nếu ổn định đa phần sẽ khỏi sau khoảng 1 tuần. Gia đình có thể làm các việc sau giúp cho quá trình bệnh mau hồi phục, giúp bé giữ được tâm trạng và tinh thần thoải mái hơn.
- Cho trẻ uống bổ sung bù nước, sữa, nước ép trái cây như cam, chanh,... để giải nhiệt, kháng viêm và có tác dụng loãng đờm nếu trẻ bị Viêm Họng ho có đờm.
- Cần giữ ấm cổ họng để tránh kích ứng đặc biệt khi di chuyển hay ra ngoài, có thể dùng khăn quàng cổ.
- Không nên cho trẻ uống nước lạnh, ăn đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ trong thời gian bị bệnh. Uống nước lạnh nhiều dễ gây kích ứng cổ họng, ăn đồ cay nóng, dầu mỡ gây khó tiêu, khó ngủ, bệnh lâu lành hơn.
- Nói chuyện và thông cảm với những khó khăn, khó chịu của trẻ. Cố gắng giữ cho trẻ tâm trạng thoải mái, hạn chế quấy khóc làm bệnh lâu khỏi.
- Bổ sung vitamin, Kẽm, Sắt,... để hệ thống miễn dịch của trẻ khỏe mạnh, giúp nhanh chóng đẩy lùi bệnh.
- Không tùy tiện dùng kháng sinh cho trẻ.
Nếu trẻ có biểu hiện sốt quá cao, quá lâu, lừ đừ, mệt mỏi, suy nhược cơ thể cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám từ các y bác sĩ.
Làm gì để giảm nguy cơ gây Viêm Họng cho trẻ?
- Hạn chế tiếp xúc bụi bẩn ô nhiễm (đeo khẩu trang khi tham gia giao thông), vận động ở khu vực nhiều khói bụi. Giữ ấm vùng cổ họng khi thời tiết giao mùa hoặc trở lạnh.
- Đảm bảo môi trường sống luôn được khô thoáng, sạch sẽ, thường xuyên dọn dẹp nơi ở, giỏ đồ chơi, giường ngủ của trẻ.
- Giúp trẻ giữ thói quen vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối ấm để bảo vệ cổ họng, đường hô hấp của trẻ
- Sử dụng máy tạo ẩm để điều hòa không khí, luôn giữ nhiệt độ phòng từ 25-27 độ.
- Luôn luôn rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh, đi chơi, trước khi ăn…
- Cần hạn chế không nên để trẻ tiếp xúc với quá nhiều người lạ trong tập thể, dùng chung đồ với người khác.
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng của từng độ tuổi để bổ trợ khả năng xây dựng hệ miễn dịch cho bé.
Trẻ em bị Viêm Họng sẽ không khó gặp trong quá trình chúng ta chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ. Mong bài viết này giúp các bậc phụ huynh hệ thống phần nào kiến thức về bệnh lý, cách điều trị tại nhà cũng như thời điểm nào cần thiết cần đến sự thăm khám của các Y – Bác sĩ!