Không tiêm vaccine, trẻ em sẽ mắc phải 6 căn bệnh đáng sợ này

Sống khỏe 19/06/2019 13:18

Nhờ sự ra đời của vaccine đậu mùa vào thế kỷ 18, đến nay vaccine đã giúp hàng triệu người có khả năng miễn dịch với một số bệnh nguy hiểm và không còn lo mắc nếu được tiêm vaccine.

Sự ra đời của vaccine vào thế kỷ 18 đã giúp hàng triệu người tránh khỏi nguy cơ mắc phải các bệnh lây truyền nguy hiểm như đậu mùa hay bại liệt. Giờ đây, chúng ta không cần lo lắng con em mình mắc những căn bệnh sau nếu đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Không tiêm vaccine, trẻ em sẽ mắc phải 6 căn bệnh đáng sợ này - Ảnh 1

Nếu con của bạn được tiêm vaccine đầy đủ, bạn sẽ không lo lắng con mình mắc những căn bệnh từng là nỗi ám ảnh toàn cầu.

Bệnh đậu mùa

Đậu mùa là căn bệnh do virus variola gây ra và là bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Bệnh gây phát ban trên mặt và khắp cơ thể người bệnh, biến thành mụn mủ rồi đóng vảy. Ở bên trong cơ thể, virus tấn công hệ miễn dịch và gây ra tử vong nhanh chóng.

Khi người châu Âu đem căn bệnh này đến châu Mỹ vào thế kỷ 17, nó đã trở thành đại dịch kinh khủng và giết chết 30% số người mắc phải. Năm 1796, bác sĩ Edward Jenner đã khám phá ra rằng nếu ai tiêm một loại virus tương tự nhưng ‘lành tính’ hơn vào cơ thể, họ sẽ được miễn dịch với căn bệnh này.

Các thí nghiệm tiếp theo của Jenner đã tạo ra vaccine đầu tiên trên thế giới. Trong thế kỷ tiếp theo, tiêm chủng đã trở thành việc hiển nhiên ở các nước phát triển. Năm 1972, Mỹ tuyên bố không còn bệnh đậu mùa ở quốc gia này.

Chưa đầy một thập niên sau, Tổ chức Y tế Thế giới cũng chính thức cho biết không còn ca mắc bệnh đậu mùa nào trên thế giới và đây là căn bệnh đầu tiên được loại bỏ 100% trên toàn cầu.

Không tiêm vaccine, trẻ em sẽ mắc phải 6 căn bệnh đáng sợ này - Ảnh 2

Bệnh bại liệt

Bại liệt là bệnh gây ra do một loại virus sống trong cổ và ruột của người. Một trong bốn người mắc bại liệt có các triệu chứng giống như cúm, ngoài ra còn một tỷ lệ nhỏ hơn sẽ bị các ảnh hưởng nặng nề hơn như tê liệt cơ và suy giảm hô hấp.

Trẻ em mắc bại liệt sẽ phải thở bằng máy thở vì bệnh bại liệt khiến các em không tự thở được hoặc gặp khó khăn trong hô hấp. Theo NPR, 3.000 trẻ em Mỹ đã chết vì bại liệt chỉ tính trong năm 1952.

Trong thực tế, bại liệt phổ biến và nguy hiểm đến nỗi các công ty đã bán bảo hiểm cho cha mẹ khi đứa trẻ còn chưa ra đời. Virus bại liệt lây truyền nhanh chóng trong một nhóm các trẻ, như khu vui chơi, lớp học, hồ bơi công cộng,... vì nó được lây qua đường miệng.

May mắn thay, vaccine bại liệt đã được giới thiệu vào năm 1955 giúp tỷ lệ mắc bệnh này giảm đi nhanh chóng thấy rõ. Năm 1979, căn bệnh này được tuyên bố đã không còn tồn tại ở Mỹ. Theo WHO, chỉ còn ba quốc gia trên thế giới ghi nhận các ca mắc là Nigeria, Pakistan và Afghanistan.

Bệnh bạch hầu

Đây là một căn bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm, lây lan mạnh mẽ trong suốt thế kỷ 20. Nhiễm bạch hầu đã ảnh hưởng đến 200.000 người vào năm 1921 và khiến 15.520 người tử vong trong cùng năm đó.

Bạch hầu khiến người mắc bị viêm họng, yếu và sưng tuyến hạch ở cổ. Sau đó, một chất nhầy xám đục bắt đầu xuất hiện và lấp kín cổ họng. Nếu vi khuẩn vẫn còn ở trong cơ thể, chúng sẽ gây ra độc tố khiến tổn thương thần kinh vĩnh viễn và suy tim.

Bệnh lây lan khi người bệnh hắt hơi hoặc để lại nước bọt rơi vãi trên bề mặt đồ vật. Vì lý do này, ở những thành phố lớn hoặc khu tập trung đông dân cư sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao vào đầu những năm 1900.

Vaccine bạch hầu được giới thiệu lần đầu vào năm 1920 và nhanh chóng được xóa sổ khỏi nước Mỹ. Hiện nay tuy căn bệnh này đã được quét gần như khỏi thế giới, nhưng một số nước với chế độ tiêm ngừa không đầy đủ vẫn còn ghi nhận nhiều trường hợp mắc.

Bệnh quai bị

Đây là một căn bệnh lây qua đường hô hấp do virus paramyxo gây ra. Trước khi vaccine quai bị được phát minh, đã có khoảng 186.000 người ở Mỹ nhiễm virus và mắc bệnh này mỗi năm.

Khi một người mắc quai bị, tuyến nước bọt của họ sẽ bị đau rồi sưng. Vùng hàm bị sưng khiến việc ăn uống trở nên khó khăn từ đó bệnh nhân sẽ bị yếu đi. Quai bị không gây tử vong nhưng bệnh nhân dễ mất thính lực. Khoảng 30% nam thanh niên mắc quai vị sẽ bị sưng tinh hoàn và mất khả năng sinh sản.

Sau năm 1967 khi vaccin quai bị ra đời, tỷ lệ mắc quai bị giảm đến 99% và căn bệnh này nhanh chóng biến mất gần như hoàn toàn trên khắp thế giới, không còn là nỗi lo lắng của nhiều người như trước kia.

Bệnh sởi

Sởi hay rubeola là căn bệnh tấn công vào hệ hô hấp và các cơ quan khác của người bệnh. Khi một người bị nhiễm virus này, cơ thể của họ sẽ xuất hiện các triệu chứng giống như cảm cúm gồm sốt và sổ mũi thông thường nhưng có phát ban trên khắp cơ thể.

Nếu bệnh diễn tiến nghiêm trọng, người mắc thậm chí bị mù lòa, tổn thương não và tử vong. Ước tính có khoảng 3 triệu người mắc rubeola vào cuối thập niên 1950, trong đó có 48.000 người phải nhập viện và khoảng 500 người bị tử vong do các biến chứng.

Bệnh sởi rất dễ lây lan trong không khí hoặc qua tiếp xúc đồ vật với người mắc bệnh. Thời gian ủ bệnh khá lâu, người bệnh vẫn không thấy dấu hiệu hay các triệu chứng đến mãi vài tuần sau, khiến họ vẫn tiếp xúc với người lành bệnh do đó dẫn đến khả năng lây lan cao hơn.

Đầu thập niên 1960, vaccine bệnh sởi ra đời và đến đầu những năm 2000, đây không còn là căn bệnh nguy hiểm nữa. Bệnh sởi giờ đây hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu cho trẻ tiêm vaccine MMR hai liều kết hợp cùng phòng chống quai bị và rubella.

Rubella hay bệnh sởi Đức

Các triệu chứng của rubella cũng tương tự như bệnh sởi thường nhưng nhẹ hơn, người mắc thường phát ban, mắt hồng và sốt nhẹ. Trong thực tế, có khoảng 50% ca mắc không có triệu chứng thấy rõ bên ngoài cơ thể.

Năm 1964, gần 12,5 triệu người Mỹ mắc rubella, 11.000 thai phụ bị sẩy thai hoặc sinh non do nhiễm virus này. Trẻ sinh ra bởi mẹ mắc sởi Đức thường bị đục thủy tinh thể, khiếm thính, chậm phát triển hoặc dị tật tim.

Cuối những năm 1960, vaccine rubella ra đời và nhanh chóng quét bệnh này khỏi vùng nguy hiểm. Năm 2015, bán cầu Tây không còn ghi nhận ca mắc rubella nào và WHO cho biết căn bệnh này sẽ sớm bị xóa sổ trên toàn cầu vào vài năm tới.

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cho trẻ đề phòng trường hợp đáng tiếc xảy ra, mẹ thương con cần nắm

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin, hoãn tiêm vắc xin cho trẻ vừa được Bộ Y tế ban hành trong hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng.

TIN MỚI NHẤT