Theo kinh nghiệm của nhiều bậc phụ huynh, bố mẹ càng nói chuyện nhiều với trẻ thì khả năng nói của bé sẽ càng được phát triển nhanh hơn.
- Nguy hiểm tiềm ẩn khi bố mẹ chỉ chăm chăm nuôi dạy những đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời
- 2 cách nấu bột ăn dặm ngọt cho bé ăn nhanh mẹ không kịp đút
1. Sử dụng những cử chỉ, hành động
Với những trẻ mới học nói, cha mẹ nên sử dụng những hành động, cử chỉ để giúp cho trẻ có thể nói chuyện nhanh hơn. Những cử chỉ đơn giản kết hợp với một mệnh lệnh có thể giúp trẻ nhanh hiểu được là bạn đang nói gì.
Ví dụ, bạn có thể tạo cử chỉ cho từ “ăn” bằng cách đặt tay lên môi hoặc dùng ngón tay chỉ lên trên để biểu thị cho từ “lên”. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cha mẹ sử dụng những cử chỉ khi giao tiếp với trẻ sẽ giúp trẻ nhanh biết nói hơn.
2. Cùng đọc và thảo luận
Nói cho trẻ biết là mình đang đọc cái gì và cho con thời gian để con chú ý vào quyển sách. Đôi khi, bạn nên dừng lại và hỏi những câu hỏi như “Đây là đồ vật gì? Đây là màu gì?” hoặc hỏi trẻ những cảm nhận về cuốn sách và cho trẻ thời gian để trả lời những câu hỏi đó.
3. Khuyến khích trẻ nhớ những câu chuyện
Nếu như bạn có một quyển sách mà đã đọc rất nhiều lần cho trẻ thì ở lần đọc tiếp theo hãy dừng lại khi đã đọc được vài đoạn và bé sẽ khiến bạn ngạc nhiên khi chúng có thể tự nhớ và kể lại một vài đoạn con thích. Đôi khi, bạn có thể gợi ý cho trẻ bằng câu hỏi “Tiếp theo sẽ là gì nhỉ?”.
4. Trò chuyện thường xuyên
Việc nói chuyện với trẻ thường xuyên sẽ giúp con củng cố việc sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp hằng ngày ở trẻ. Cha mẹ nên động viên con bằng những câu tán dương như: “Đúng rồi! Đó là sữa, lạnh, cái dĩa,…”. Hon nữa, bạn nên nhìn vào mắt khi nói chuyện với con và gọi tên của bé.
5. Chơi đùa cùng trẻ
Việc chơi với trẻ là một điều rất cần thiết! Cha mẹ nên coi mình như một người bạn của con và thoải mái vui đùa. Bạn có thể nói với trẻ những câu chuyện như hôm nay bạn đã làm những gì hay bé đã làm những gì. Có rất nhiều trò mà cha mẹ có thể chơi cùng bé, điển hình như trò chơi “Ú oà”, việc chơi đùa với trẻ không những giúp cho cha mẹ thân thiết với con, mà còn giúp phát triển kỹ năng vận động, ngôn ngữ ở trẻ.
6. Cho trẻ nói chuyện qua điện thoại
Trẻ em thường rất thích điện thoại. Vì thế nếu như bạn có cuộc gọi nào từ bạn bè hay các thành viên trong gia đình, hãy đưa cho bé và để bé tự nói chuyện. Bạn có thể gợi ý cho bé nói chuyện bằng cách bảo bé nói với người gọi là bé đang làm gì, hôm nay bé đã ăn gì hoặc đã làm gì thú vị.
7. Chơi những trò chơi về từ ngữ
Việc học nói sẽ thú vị hơn nếu được thông qua các trò chơi. Bất kể là ở nơi nào, ở nhà bếp, trong phòng tắm, khi đi mua sắm hoặc khi đang đi trên đường, cha mẹ hãy cho bé chơi trò chơi “Đây là cái gì?” và cho trẻ thời gian để trả lời câu hỏi. Để tránh cho bé bị căng thẳng, cha mẹ có thể bắt đầu trò chơi bằng cách hỏi những thứ quen thuộc như cốc sữa, món ăn hoặc con thú cưng mà con yêu thích.
8. Kể cho bé nghe một ngày của bạn
Trẻ em học nói bằng cách nghe người lớn nói chuyện. Hãy kể cho bé nghe tất cả những gì mà bạn đã làm trong một ngày. Ví dụ, nếu như bạn đi siêu thị, hãy kể cho bé nghe những gì bạn đã mua. Khi bạn nấu ăn, hãy kể cho bé những thứ mà bạn đang nấu. Và sau khi cho bé lên giường đi ngủ, hãy kể lại cho bé những gì mà cả 2 đã cùng nhau làm trong ngày, hỏi lại bé hôm nay bé đã làm gì, bé chơi với ai và bé thích điều gì nhất...
9. Tích cực cho trẻ chơi với các bạn khác
Khi trẻ con chơi đùa cùng nhau, chúng sẽ thường cố gắng để giao tiếp với nhau. Sẽ có một vài đứa trẻ nói nhiều hơn, và bé còn lại sẽ bắt chước để cũng nói nhiều như vậy. Những buổi đi chơi với những đứa trẻ khác sẽ giúp cho con của bạn phát huy khả năng giao tiếp và biết cách tư duy, làm quen với bạn mới khi đi học.