Khi nào bắt đầu cho trẻ ăn dặm, trẻ ăn dặm cần tránh những gì?

Chăm sóc con 30/10/2021 05:33

Khi trẻ được 4 – 6 tháng tuổi thì ngoài sữa mẹ, trẻ cần được dần làm quen với các loại thực phẩm khác. Và việc cho trẻ ăn dặm thế nào cho đúng không phải mẹ nào cũng biết.

Dưới đây là một số lưu ý của ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai, khoa Dinh dưỡng, BV Nhi đồng 2 dành cho cha mẹ khi cho trẻ ăn dăm.

Khi nào trẻ có thể bắt đầu ăn dặm?

- Khi bé có thể giữ vững đầu khi bế ở tư thế ngồi, nằm sấp có thể chống thẳng tay, ngóc đầu cao.

- Bú /mút hào hứng tay/ các loại đồ chơi bé đang cầm.

- Chồm tới và há miệng khi thích ăn, ngửa đầu ra sau/ quay đi khi không thèm ăn hay không đói.

- Có một số kỹ năng cần thiết cho việc tự bốc ăn. Khoảng 8-10 tháng, bé bắt đầu có những kỹ năng tự bốc ăn độc lập (tự ngồi trên ghế ăn, cầm/vứt thức ăn, nhai thức ăn dù không có răng và nuốt). Khoảng 12 tháng, trẻ có thể bốc thức ăn bằng 2 ngón tay.

Khi nào bắt đầu cho trẻ ăn dặm, trẻ ăn dặm cần tránh những gì? - Ảnh 1

Khi trẻ được 4 - 6 tháng tuổi là có thể bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm. Ảnh minh họa

Thời điểm phù hợp để ăn dặm

Không cho trẻ ăn trước 4 -6 tháng tuổi (tính theo tuổi sinh đủ tháng) vì:

- Trẻ cần được tận hưởng tối đa nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ để đảm bảo đủ năng lượng cho trẻ phát triển và cần có sự phát triển thần kinh – vận động phù hợp để có thể nuốt thức ăn sệt/ đặc mà không sặc hay nghẹn.

- Trước 4 tháng tuổi trẻ còn phản xạ đẩy lưỡi chống lại bất kỳ vật gì chạm vào môi (phản xạ này thường mất khi trẻ 4-5 tháng tuổi), gây khó khăn cho chúng ta trong việc tập trẻ ăn.

- Sau 4 tháng hệ tiêu hóa đã tương đối hoàn chỉnh, có thể giúp bé tiêu hóa những thức ăn khác ngoài sữa.

Không cho trẻ ăn quá trễ sau 6 tháng vì:

- Tăng nguy cơ chậm tăng trưởng ở trẻ (bé chỉ bú sữa mẹ, sữa công thức thì năng lượng không đảm bảo cho phát triển). Trẻ dễ từ chối thức ăn đặc và tăng nguy cơ dị ứng thức ăn. 

Những thực phẩm cần tránh cho trẻ dưới 12 tháng

- Thức ăn làm lỏng như nước (làm trẻ mất phản xạ nhai)

- Thức ăn quá cứng/dạng hạt – quả tròn nhỏ (gây nguy cơ nghẹn/ sặc)

- Sữa bò tiệt trùng/thanh trùng (không cung cấp đủ sắt, thành phần dinh dưỡng không cân đối)

- Mật ong (có nguy cơ nhiễm độc botulism)

- Gia vị (không phù hợp cho thận của trẻ).

Khi nào bắt đầu cho trẻ ăn dặm, trẻ ăn dặm cần tránh những gì? - Ảnh 2

Cho trẻ ăn dặm bằng thìa, tập ăn từ đồ ăn lỏng đến đặc. Ảnh minh họa

Cho trẻ ăn dặm thế nào?

- Trong giai đoạn đầu tiên, quan trọng là tập cho trẻ làm quen dần với mùi vị thức ăn và độ đặc của thức ăn mới, không quan trọng số lượng và theo dõi sát phản ứng dị ứng thức ăn.

- Nếu trẻ có viêm da cơ địa/ chàm da hoặc trong gia đình trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em ruột có cơ địa dị ứng (như mề đay, viêm mũi dị ứng, hen, chàm da): nên cho ăn dặm từ 4 tháng tuổi (bao gồm cả những loại thức ăn dễ gây dị ứng) nhằm giúp giảm nguy cơ trẻ bị dị ứng thức ăn sau này.

- Các bước tập cho trẻ ăn: ngửi - nếm - ăn lượng ít sau tăng dần nếu trẻ không có biểu hiện dị ứng.

- Cho trẻ ăn bằng thìa chứ không dùng bình bú.

- Kích thích thị giác cho trẻ bằng những vật dụng chứa thức ăn có màu sắc và hình thù ngộ nghĩnh. Khi trẻ trên 8-10 tháng tuổi, khuyến khích trẻ tự bốc ăn sẽ giúp trẻ hào hứng với bữa ăn hơn.

- Cho trẻ ăn một loại thức ăn đơn trong 3-5 ngày, thăm dò phản ứng dị ứng, có thể bắt đầu bằng bột ngũ cốc đơn pha chung với sữa mẹ vắt/ sữa công thức/ nước ấm. Đầu tiên cho bé ăn lỏng, 1 bữa/ ngày với lượng rất ít (khoảng 5ml), sau đó dần dần cho ăn sệt và nhiều hơn với số lần tăng lên (bột mì chỉ nên dùng sau 6 tháng tuổi).

- Nếu trẻ đã lớn hơn 6 tháng tuổi, không có biểu hiện dị ứng với loại thức ăn đơn đầu tiên, có thể cho kèm thêm một loại thức ăn khác (rau củ, trái cây, thịt) nghiền nát, lượng ít, không nêm. Mẹ theo dõi bé, nếu thấy ổn có thể tiếp tục với những loại thức ăn khác bao gồm cả những loại thức ăn dễ gây dị ứng (sữa công thức, trứng, đậu phộng, các loại hạt khác, đậu nành, cá…).

- Khi trẻ đã có thể ăn thức ăn phối hợp và trẻ trên 6 tháng, lúc này đã có thể chế biến cho trẻ cháo/ mì nui bún … với đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột/ đạm/ béo/ chất xơ và vitamine) với hình thức từ lỏng đến đặc, từ mịn đến thô, từ ít đến nhiều và thay đổi thức ăn đa dạng phong phú để đảm bảo đủ chất.

- Nên cho trẻ ăn trái cây bằng cách nạo tán nhuyễn. Với nước trái cây xay, chỉ nên cho bé dùng khi con trên 12 tháng.

Đến tuổi đi học, những đứa trẻ tiếp thu kiến ​​thức bằng cách xem TV và ĐỌC SÁCH có 3 sự khác biệt rõ ràng: Phụ huynh đọc xong không khỏi bất ngờ

Tiếp thu kiến ​​thức bằng cách xem TV và đọc sách là hai cách khác nhau. Sự khác biệt rõ ràng giữa trẻ em sau khi đi học là gì?

TIN MỚI NHẤT