Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết hiện tượng dị ứng sữa bò ở trẻ sơ sinh là phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch với protein trong sữa. Trẻ sẽ có những biểu hiệu dị ứng sữa nặng, nhẹ khác nhau. Mẹ cần theo dõi và có cách điều chỉnh, thay đổi loại sữa phù hợp.
- Con sinh non 6,5 lạng, mẹ 9X vất vả đi xin sữa để giờ con béo tròn ngấn thịt
- Là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhưng sữa mẹ bỗng trở thành "độc dược" vì những sai lầm này
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị dị ứng sữa
Dị ứng sữa bò là dạng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất trong giai đoạn sơ sinh và những năm đầu đời của trẻ. Đây là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch với một protein thực phẩm cụ thể. Trong trường hợp này, trẻ dị ứng với sữa bò.
Khi bị dị ứng, hệ thống miễn dịch của bé sẽ xem các protein trong sữa bò như tác nhân lạ xâm hại cơ thể và tự tạo ra các kháng thể chống lại. Khi phản ứng bảo vệ này xảy ra quá mức, cơ thể của bé sẽ bị tổn thương nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, đặc biệt trong những trường hợp nặng.
Phản ứng dị ứng có thể bao gồm một loạt các triệu chứng từ nhẹ (phát ban, nổi mề đay, ngứa, phù, …) đến nặng (khó thở, thở khò khè, mất ý thức…. ). Nhiều trường hợp có nguy cơ dẫn đến tử vong. Dị ứng sữa có thể gây ra các triệu chứng khác nhau tại các thời điểm khác nhau. Có thể tại thời điểm này trẻ bị dị ứng nhẹ nhưng những giai đoạn sau trẻ sẽ bị nặng.
Dấu hiệu dị ứng sữa bò xuất hiện khi trẻ bắt đầu ăn sữa công thức hoặc sau vài tháng. Trường hợp phản ứng chậm có thể khiến việc chẩn đoán ở trẻ trở nên khó khăn. Nhiều bà mẹ vẫn thấy con mình bình thường cho đến khi đưa con đi khám.
Làm gì khi trẻ bị dị ứng sữa
Các khuyến cáo mới nhất hiện nay về vấn đề dị ứng sữa ở trẻ không khuyên các bà mẹ tránh các sản phẩm từ sữa bò khi cho con bú. Mẹ chỉ nên giảm các sản phẩm từ sữa bò nếu gia đình có tiền sử bị dị ứng hoặc khi trẻ bắt đầu các triệu chứng dị ứng.
Nếu mẹ kiêng cử quá mức sẽ làm giảm nồng độ IgA đặc hiệu của niêm mạc và tăng nguy cơ dị ứng sữa về sau của trẻ. Ngược lại, khi trẻ tiếp xúc với sữa bò thông qua sữa mẹ sẽ thúc đẩy một quá trình thu nạp tự nhiên (quá trình làm quen dần với các protein trong sữa bò) có tác dụng làm giảm phần nào nguy cơ dị ứng sữa về sau của trẻ.
Trên thực tế, để trẻ có thể phát triển tốt, việc uống sữa bò, sữa công thức sau khi ngưng bú mẹ là không thể tránh khỏi và hết sức cần thiết.
Phòng ngừa dị ứng sữa ở trẻ sơ sinh
Trẻ đang bú mẹ
Nếu trẻ sơ sinh đang bú mẹ bị dị ứng sữa với các triệu chứng nói trên, mẹ hãy giảm việc ăn, uống các sản phẩm từ sữa bò. Bắt đầu từ việc đọc thành phầm thực phẩm một cách cẩn thận.
Mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc tìm kiếm nguồn thay thế canxi và các chất dinh dưỡng quan trọng khác nếu trẻ không thể dùng sữa.
Trẻ đang dùng sữa công thức
Nếu trẻ có triệu chứng dị ứng sữa, bác sĩ có thể tư vấn để chuyển sang loại công thức sữa thủy phân toàn phần. Trong đó, các protein bị phá vỡ thành các đoạn rất ngắn ít có khả năng gây phản ứng dị ứng.
Mẹ không nên cố gắng tạo ra loại sữa công thức riêng cho trẻ. Các công thức sữa thương mại đã được chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phải trải qua quá trình kiểm tra rất nghiêm ngặt mới được sản xuất.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần lưu ý các loại sữa hạt (sữa gạo, sữa hạnh nhân, nước cốt dừa...) được cho là an toàn với trẻ lớn khi bị dị ứng sữa không thích hợp cho trẻ sơ sinh. Lý tưởng nhất là trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn.
TS.BS Phạm Diệp Thùy Dương
Giảng viên Đại học Y dược TP.HCM