Khi hỏi con câu hỏi này, bạn sẽ hướng đến vấn đề mấu chốt mỗi đứa trẻ tự nhận thức về việc ăn uống của mình - dấu hiệu no, đói. Từ đó, trẻ sẽ biết cách ăn uống lành mạnh.
Đa phần mọi người nghĩ rằng, để ngăn ngừa các vấn đề rắc rối về ăn uống, duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, phải cho trẻ ăn thực phẩm lành mạnh. Rất nhiều cuốn sách trẻ em đề cập tới việc này. Nhưng sự thật không hẳn như vậy.
Cách trẻ ăn như thế nào mới là quan trọng
Nếu việc học cách yêu thích nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác nhau là quan trọng thì cách trẻ ăn cũng quan trọng không kém. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ càng lớn, càng mất dần khả năng điều chỉnh lượng thực phẩm hấp thụ. Như vậy có nghĩa là, trẻ ăn quá ít hoặc quá nhiều so với đặc điểm cơ thể của mình. Nói cách khác, trẻ sơ sinh và trẻ mới chập chững biết đi sở hữu khả năng điều chỉnh lượng thức ăn hấp thụ tốt hơn so với trẻ ở độ tuổi đến trường. Tương tự, trẻ ở độ tuổi đến trường lại giỏi hơn các anh chị tuổi teen. Và người trưởng thành là tệ nhất.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu gợi ý rằng, những người có khả năng điều chỉnh lượng thức ăn hấp thụ vào cơ thể - thường gọi là người ăn theo trực giác – có chỉ số BMI thấp hơn, ít bị rối loạn ăn uống hơn, chế độ ăn lành mạnh hơn và trạng thái vui vẻ, trẻ khỏe được cải thiện nhiều hơn.
Để khởi đầu việc giúp trẻ nhận thức, thấu hiểu cảm giác đói, no của mình, bạn hãy đặt câu hỏi cho trẻ: Bụng con nói gì thế? Câu hỏi này đặc biệt nên đưa ra vào các bữa ăn hay bất cứ khi nào trẻ muốn ăn nhiều hơn hoặc muốn rời khỏi bàn ăn. Trường hợp trẻ muốn ăn thêm nữa, hãy để trẻ ăn thêm. Trường hợp trẻ không muốn ăn thêm, hãy để trẻ ăn ít đi. Nhưng vấn đề mấu chốt là hãy để dấu hiệu no – đói chỉ dẫn quyết định ăn uống của trẻ chứ không phải chuyện phải ăn nốt bát cơm để nhận phần thưởng hay bỏ dở bát cơm vì biết vẫn còn món ăn vặt đang chờ.
Câu hỏi "Bụng con nói gì thế?" giúp giải quyết vấn đề như thế nào?
Có 3 chướng ngại vật mà bạn có thể vấp phải trên hành trình giải quyết rắc rối với đồ ăn cho trẻ: Con bạn nhẹ cân hay nặng cân; bản chất việc ăn uống ở trẻ và môi trường có sẵn đồ ăn hay không.
Trước hết, nếu cha mẹ coi con mình là quá nhẹ cân hay nặng cân, việc chấp nhận mức độ thèm ăn ở trẻ có thể gặp khó khăn khi họ không cảm thấy hài lòng với cân nặng của trẻ. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy, ép trẻ nhẹ cân ăn nhiều hơn hay cố gắng để nặng cân ăn ít đi đều gây hậu quả tiêu cực. Câu trả lời khôn ngoan nhất thường nằm ở chỗ cần giúp trẻ hiểu hơn, nhận thức rõ hơn về cảm giác của mình, thay vì cố để chúng ăn theo một cách nhất định – mà cách đó lại không phù hợp với khẩu vị và nhu cầu của trẻ.
Tất cả cha mẹ cần phải nhớ rằng, trẻ có những giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt. Khi đó, chúng sẽ thường xuyên đói hơn. Những thời điểm còn lại, cảm giác thèm ăn của trẻ sẽ giảm đi. Vì vậy, việc kỳ vọng con luôn ăn cùng một lượng là điều không thực tế hoặc không phù hợp với sự phát triển của trẻ. Thay vào đó, bạn hãy giúp con nhận ra sự khác biệt giữa cơn đói thực sự và những thứ khác.
Cuối cùng, về yếu tố môi trường, nếu trẻ quen với việc đồ ăn có ở khắp nơi, có thể dễ dàng cho vào miệng bất cứ lúc nào, trẻ sẽ không thể phát triển mối quan hệ lành mạnh với thực phẩm. Khi cha mẹ tổ chức các bữa ăn và khích lệ trẻ chú ý vào thứ mình ăn, trẻ sẽ học được cách kiểm soát môi trường này một cách ổn thỏa và tự biết cách ăn uống lành mạnh.
Vài nét về tác giả:
Maryann Jacobsen là chuyên gia dinh dưỡng gia đình kiêm tác giả sách và diễn giả. Cô cũng là biên tập viên chủ chốt của trang blog Raise Healthy Eaters chuyên mảng dinh dưỡng gia đình. Các bài viết của Jabosen từng xuất hiện trên Huffington Post, New York Times, Los Angeles Times, Mind Body Green và She Knows.
“