Để giữ an toàn cho bé, có những điều cha mẹ cần lưu ý để tránh mắc sai lầm và vô tình gây ra tai nạn đáng tiếc cho con.
- Ấn tượng những bài học giáo dục từ các thầy hiệu trưởng mầm non Nhật Bản
- Cách dạy con trai đặc biệt của quốc vương Bhutan - vua của đất nước hạnh phúc nhất thế giới
Đối với bé, cuộc sống xung quanh có thật nhiều điều thú vị, thôi thúc bé luôn muốn tìm tòi, khám phá. Vẫn biết con cái luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ, tuy nhiên chỉ một phút bất cẩn thôi, cha mẹ cũng có thể vô tình đẩy bé vào tình huống rắc rối, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Mỗi năm, trên thế giới có không biết bao nhiêu ca trẻ em nhập viện vì những rủi ro không đáng có. Vì vậy, để đảm bảo không gian sống thoải mái và an toàn cho bé, đôi khi không phải chỉ cần tinh ý hay chu đáo là đủ, mà đó còn là những điều cha mẹ phải luôn luôn lưu tâm và thực hiện mỗi ngày bằng những cách phòng ngừa đơn giản như sau:
1. Không đặt bất cứ thứ gì không cần thiết vào nôi/cũi của bé
Tổ chức American Baby and Safe Kids Worldwide tại Mỹ đã thực hiện nghiên cứu với 4.500 bà mẹ mới sinh con, kết quả cho thấy phần lớn các bà mẹ (73%) để thêm khá nhiều đồ như chăn, thú bông, đồ bảo hộ trong cũi của bé. Điều này được cho là khá nguy hiểm và làm tăng khả năng ngạt thở cho các bé.
Các mẹ cần bỏ ngay ý nghĩ: "Con chỉ là một đứa trẻ nhỏ, thậm chí còn chưa biết di chuyển" bởi chính bạn cũng không thể biết rằng trong lúc nằm bé có thể xoay người hoặc vô tình va vào những vật mà cha mẹ đã để trong nôi của bé. Chính vì vậy không nên đặt quá nhiều gối hoặc chăn bên cạnh bé bởi điều này có thể gây khó chịu và ngạt thở cho bé, đặt biệt khi không có người lớn trông chừng.
2. Đề phòng nguy cơ hóc đồ chơi với bé
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ trẻ dưới 3 tuổi bị hóc dị vật gây nghẹt đường thở khi chơi đồ chơi, nhiều nước đã không cho phép bán những loại đồ chơi có chứa các chi tiết nhỏ, gây nguy cơ cao. Và để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ nên kiểm tra thật kĩ mọi thứ trước khi đưa cho bé.
Mẹo nhỏ: Đặt đồ chơi vào lõi cuộn giấy vệ sinh, nếu đồ chơi khớp với phần rỗng của lõi giấy thì rất có khả năng mắc kẹt trong cổ họng của bé nếu không may nuốt phải. Cha mẹ tốt nhất hãy chọn những món đồ khác an toàn hơn cho bé.
3. Không được rời mắt khỏi bé
Nhiều cha mẹ tranh thủ thời gian bé ngủ để đi ra ngoài. Tuy nhiên, con còn quá nhỏ để có thể tự bảo vệ bản thân khi ở 1 mình như vậy, kể cả khi bé đã ngủ. Bởi chỉ 1 phút lơ là thôi cũng có thể xảy ra biết bao nhiêu điều rủi ro. Tất nhiên điều đó không có nghĩa cha mẹ phải ngồi canh chừng con 24/24, thay vào đó, hãy lắp thêm màn hình theo dõi với hình ảnh và âm thanh tốt để có thể theo dõi bé, đảm bảo sự an toàn tối đa cho bé trong khi cha mẹ vẫn có thêm chút thời gian.
4. Đảm bảo mọi vật dụng trong nhà trong giới hạn an toàn
Bé rất hiếu động, tò mò và thích khám phá, có thể đưa bất cứ vật gì vào miệng từ những vật sắc nhọn, dễ vỡ đến vật thô cứng, chi tiết nhỏ... Để đảm bảo bé luôn được an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình, cha mẹ hãy lưu ý để đồ đạc nguy hiểm ra khỏi tầm với của bé, luôn đảm bảo 1 ngôi nhà thân thiện và an toàn cho trẻ nhỏ.
5. Không vội vàng cho trẻ ăn quá nhiều món trong giai đoạn tập ăn dặm
Sự vội vàng khi cho trẻ ăn quá nhiều loại thực phẩm cùng lúc có thể gây dị ứng cho bé. Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng đó là sữa, trứng, đậu phộng, các loại hạt, cá, tôm, cua sò, đậu nành và lúa mì. Vì vậy, các bác sĩ vẫn khuyến cáo các bà mẹ nên cho bé ăn cùng một loại thức ăn trong vòng 4-5 ngày, sau đó mới thử loại khác để bé từ từ được làm quen với mùi vị và phát triển vị giác để thích ứng.
6. Đồ ăn và sữa của bé cần được làm nóng đúng cách
Sử dụng lò vi sóng đôi khi chưa phải là cách an toàn nhất để làm nóng đồ ăn và sữa cho bé. Bởi lò vi sóng có thể làm đồ ăn bị biến chất, gây hại cho bé, thậm chí việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến bé bị bỏng.
Thực ra việc làm nóng đồ ăn và sữa cho bé đơn giản chỉ cần 1 bát nước nóng là đủ. Trước khi cho bé bú thì thử nhỏ 1 vài giọt ra mu bàn tay để kiểm tra nhiệt độ.
7. Quy tắc chiếc nôi an toàn
Như đã nhắc ở trên, nôi hay cũi của bé không nên để quá nhiều đồ, càng đơn giản, gọn nhẹ càng tốt. Khi ngủ, cha mẹ hãy đặt bé trong tư thế ngủ bằng lưng ít nhất là đến khi bé được 1 tuổi. Sau đó các bé sẽ tự tìm được một vị trí thoải mái cho mình trong khi ngủ.
8. Lưu các số điện thoại cứu trợ phòng khi cần
Cha mẹ hãy lưu số điện thoại của bác sĩ nhi khoa, bệnh viện, hãng xe ngay trong tầm mắt như dán ở tủ lạnh, dán ở cửa để có thể gọi ngay lập tức, đỡ mất thời gian tìm kiếm trong điện thoại hay sổ sách mỗi khi gặp sự cố.
9. Cẩn thận khi chở bé trên xe
Khi lái xe, cha mẹ tốt nhất không nên nghe điện thoại, cho dù là không cần dùng tay cầm. Đảm bảo ghế ngồi cho bé đã được cài đặt đúng, dây an toàn cài chính xác vị trí.
10. Kiểm tra và theo dõi nguồn gốc các món đồ chơi của bé
Cha mẹ cần luôn đề cao cảnh giác với những loại đồ chơi dành cho con nhỏ và ghi chú lịch sử của những món đồ đó. Bởi các công ty đồ chơi trẻ em cũng có thể triệu hồi sản phẩm nếu nó không an toàn, và cha mẹ cần nắm được thông tin này.
Ngoài ra, những món đồ chơi phát sáng, có ánh đèn led sẽ khiến mắt trẻ bị tổn thương. Mới đây, tập đoàn phát thanh Australia đã đưa ra trường hợp cậu bé 14 tuổi đến từ Tasmania đã bị mất 75% thị lực do tự chiếu bút laser vào mắt. Cha mẹ cũng cần lưu ý với những loại đồ chơi này để đảm bảo an toàn cho các bé.
11. Tìm hiểu tư thế bú phù hợp nhất cho cả mẹ và bé
Trẻ sơ sinh sẽ tự tìm cách bú sữa mẹ bằng cách lấp đầy miệng với khuôn vú của người mẹ. Nhưng nếu bé gặp khó khăn, mẹ hãy hướng dẫn bé, giúp bé nghiêng đầu để bú được đủ sữa mẹ. Nhiều trường hợp bé bú sai cách nên bú được ít khiến bé không đủ no, quấy khóc.
12. Lập thời gian ngủ của mẹ và bé đồng thời
Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, không còn cách nào khác là thiết lập thời gian ngủ của mẹ trùng với bé. Tức là nếu bé ngủ thì mẹ cũng nên tranh thủ ngủ cùng, khi bé thức dậy thì mẹ cũng có thể tỉnh táo thức dậy cùng bé.
13. Cẩn trọng khi tắm cho con
Tuyệt đối không được để bé 1 mình khi đang tắm. Trước khi cho bé tắm phải thử nhiệt độ nước tắm để đảm bảo bé sẽ không bị nóng quá hoặc lạnh quá. Trong khi tắm thì tay mẹ cần giữ chặt để bé không bị trượt ngã.
14. Tin vào bản năng làm mẹ
Bản năng của người làm mẹ có lẽ luôn mách bảo những điều đúng đắn cho con vì vậy hãy tin vào linh cảm của chính mình. Nếu có vấn đề gì, đừng ngại đề nghị sự giúp đỡ, sự an toàn của bé vẫn là trên hết, các mẹ nhé.