Sau những ngày đầu chông chênh chống chọi cảm giác một mình thì giờ đây mỗi dịp Tết đến xuân về, với những bà mẹ đơn thân đã không còn bật khóc một mình mà ngược lại vô cùng vui vẻ bên những đứa con thân yêu.
Tết là sum vầy, là khi bố mẹ - con cái đều tạm gác tất cả các công việc, học tập của mình lại để ở bên những mâm cơm, mâm cỗ ấm cúng của gia đình, để cùng kể cho nhau nghe những chuyện năm cũ và những ước muốn, dự định trong năm mới.
Thế nhưng, Tết của những bà mẹ đơn thân, liệu khi vắng bóng người đàn ông, vắng bóng tiếng nói ấm áp của người cha trong gia đình vào những ngày sum vầy như thế này, họ có những cảm xúc như thế nào?
Sau 5 năm ly hôn là 5 cái Tết con gái chị Nguyễn Thu Trang (40 tuổi - Hà Nội) không được hưởng trọn niềm vui, hạnh phúc sum vầy có đủ bố và mẹ. Tuy nhiên, không vì thế mà chị Trang để con gái thiệt thòi hơn, mỗi dịp Tết đến xuân về, chị thường dành thời gian đưa con gái về ngoại để chơi Tết.
“Vào các ngày Tết, 2 mẹ con Trang thường về ông bà ngoại ít ngày và Tết năm nay cũng vậy, dự là từ 30 cho đến hết ngày mùng 2. Sau đó từ mùng 3, hai mẹ con dự kiến sẽ đi du lịch Nha Trang và về TP. HCM chuẩn bị cho chuyến công tác của mình.
Trước đó, mẹ con Trang cũng có dự định sẽ đi mua sắm để chuẩn bị quà Tết cho bà nội, nhà ngoại thì ông bà ngoại lo chu đáo rồi nên 2 mẹ con về đón Tết cùng ông bà cho đoàn tụ gia đình thôi”, chị Trang chia sẻ.
Cũng theo chị Thu Trang, với bà mẹ đơn thân nào cũng thế, trong khoảng 1-2 năm đầu sau khi ly hôn, người mẹ thường có cảm giác chống chếnh. Tuy nhiên, guồng quay của công việc và cuộc sống chắc chắn sẽ giúp họ nhanh chóng ổn định lại tâm trạng. “Mình đã ở trong môi trường nghệ thuật từ năm 20 tuổi, ngày Tết phải đi biểu diễn một mình, có hôm đêm giao thừa phải đứng ngoài đường một mình, tủi thân đến phát khóc. Tuổi trẻ đã rèn luyện cho mình sự độc lập đối mặt với mọi việc nên khi khoảng thời gian ly hôn càng dài, cảm giác chống chếnh của ngày đầu giờ không còn nữa".
“Với mình thì chỉ cần ở bên con gái là mọi thứ đều tuyệt vời.”
“Bố mẹ ly hôn, với chị Thu Trang điều đó không có nghĩa là bắt đứa trẻ ấy phải lựa chọn hoặc bố hoặc mẹ mà trách nhiệm dưỡng dục vẫn thuộc về cả hai và cả hai cần phải đảm bảo cho con được cảm nhận phần nào tình cảm của bố và của mẹ.
Chính vì thế, quan niệm của chị Thu Trang đó là trong những ngày Tết, con gái sẽ có ngày đi với bố và bà nội chúc Tết họ hàng bên nội chứ chị không hề giữ con “khư khư” cho riêng mình. “Mình phân bổ thời gian để bé không thiếu tình cảm của ai, ông bà 2 bên đều vậy. Mình là người quan tâm cảm xúc của con nên con luôn cảm nhận được con là cô bé hạnh phúc.
Bố của con cũng đã lấy vợ và làm việc ngay tại nhà bà nội, mình vẫn đi lại chào hỏi bình thường và luôn để cho con thấy mọi chuyện trong cuộc sống của người lớn không quá phức tạp như mọi người nghĩ”.
Mặc dù là năm đầu tiên con gái Sóc được đón Tết nhưng chị Ngọc Tâm Anh (TP. HCM) đành phải cùng con đón Tết tại nhà mà không có sự xuất hiện của bố. Bởi cách đây vài tháng, hai vợ chồng chị Tâm Anh đã lựa chọn việc không cùng sống chung một mái nhà và chị trở thành bà mẹ đơn thân chính hiệu.
“Mình đã từng nghĩ đến việc có hơi chạnh lòng mỗi dịp lễ Tết trước khi quyết định chia tay và một mình nuôi con. Lúc trước thì rất tủi, nhất là khi đưa bé đi chơi, đi đâu cũng chỉ có hai mẹ con, đến đâu cũng chỉ mỗi hai mẹ con thôi, nhìn gia đình người ta có người đàn ông phụ xách đồ, phụ bế bé, hay chỉ đơn giản là đi cùng thôi cũng làm mình bật khóc.
Nhưng ở thời điểm này khi bé đã lớn hơn biết tự đi lại, biết cảm xúc nhiều hơn thì mình cũng không còn buồn nữa. Thời gian trôi qua rồi cũng quen. Người đó cũng thường xuyên chu cấp cho bé chứ không đến thăm bé. Dần dần mình nhận ra thật ra tụi mình vẫn ổn. Không có cũng không sao. Có thì vui không có vẫn vui.
“Nếu không thể mang lại hạnh phúc cho nhau thì cũng đừng tước đoạt đi hạnh phúc hiện tại của con trẻ”.
“Vì thế mình hài lòng với quyết định của mình. Và Tết này tụi mình có thể không cần người đàn ông đó xuất hiện. Mà có khi không xuất hiện lại vui hơn ý chứ. Bởi tụi mình có quá nhiều sự quan tâm và tình yêu của mọi người. Chính bản thân tụi mình cũng có rất "nhiều trò" để mang lại thêm nhiều niềm vui cho mọi người. Vì thế mà cảm xúc của mình là tụi mình chỉ cần có nhau là đủ vui như Tết rồi. Thậm chí khỏi cần Tết ngày nào tụi mình cũng vui cả (cười)”.
Vì bé Sóc còn khá nhỏ nên cũng chưa cảm nhận được nhiều sự thiếu vắng của bố trong những ngày Tết. Tuy nhiên, cách mà chị Tâm Anh giúp con vui vẻ hơn trong những ngày Tết “với bà mẹ đơn thân” đó chính là cách nuôi dạy con mà chị cho là “quái dị”.
“Sau đổ vỡ mình rút kinh nghiệm sâu sắc là không can thiệp vào chuyện của người khác thậm chí của con mình. Cách nuôi con của mình hơi "quái dị" so với các mẹ, mình thích để bé tự quyết định và tự chịu trách nhiệm.
Vì vậy nên với việc thiếu bố, nếu bố cháu thích đến vui cùng chau thì mình cũng vui vẻ tạo điều kiện. Cùng chung vui... xin nhắc kĩ là "cùng chung vui" nghĩa là có ba có mẹ. Chứ không phải bố tới thì giao con cho bố rồi mẹ thì không được vui Tết với con nữa... Nên có bố xuất hiện hay không tuỳ bố quyết định. Mình vẫn lên kế hoạch trước là đi đâu làm gì? vui chơi gì? bố xuất hiện thì bố đi chung, còn không chịu đi chung thì mình chịu... (cười).
Ngoài ra, nếu nói là Sóc tủi khi Tết không có bố thì hoàn toàn không đúng vì thường ngày cũng chẳng có bố bé vẫn vui. Bố không phải là nhân vật chính xuất hiện quá nhiều, dày đặc để bé phải nhớ là không có thì tủi. Còn chuyện sau này bé lớn hiểu biết thì đến lúc đó tính. Mình tự tin rằng lúc đó bé cũng có đủ cảm nhận, chính kiến để tự quyết định mọi việc”.
Cũng theo chia sẻ của bà mẹ đơn thân, để kỉ niệm Tết Nguyên Đán đầu đời của cô con gái nhỏ, chị đã cùng con quay một MV bài hát kỉ niệm cho hai mẹ con và chụp 1 bộ hình áo dài. Bên cạnh đó bé cũng được tham dự các sự kiện tất niên cuối năm cùng mẹ, đến các khu vui chơi dành riêng cho bé. “Nếu rảnh rỗi nữa thì là “End year” cho hội bỉm sữa luôn. Và mình thấy rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Rất vui vẻ và tuyệt vời!”.