Tết đến "ngập" trong đồ ăn, mẹ bầu ăn uống thế nào cho đúng?

Mẹ bầu 14/02/2018 06:30

Khi ăn những món đặc trưng của ngày Tết, mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý, không để "cái miệng làm hại cả mẹ cả con".

Tết Nguyên Đán là ngày gia đình, bạn bè cùng sum họp nên đương nhiên không thể thiếu những bữa tiệc liên hoan với đủ các món ăn khác nhau. Ngoài ra, những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, mứt,... chắc hẳn gia đình nào cũng chuẩn bị. 

Trong tình huống như vậy, nếu mẹ bầu ăn uống một cách "vô tội vạ" sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đến cả mẹ và con. Vậy ngày Tết "ngập" trong đồ ăn, mẹ bầu ăn sao cho đúng? 

Tết đến 'ngập' trong đồ ăn, mẹ bầu ăn uống thế nào cho đúng? - Ảnh 1
Tết là những ngày "ngập" trong đồ ăn. (Ảnh minh họa)

Trước tiên, mẹ bầu cần lưu ý không tập trung ăn quá nhiều đồ ăn vào một bữa và chia nhiều bữa nhỏ 4-5 bữa/ngày để tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa, nôn, khó hấp thu...

Ngoài ra, mẹ bầu nhớ tăng cường uống nước, đảm bảo từ 2,5 lít - 3 lít một ngày. Hạn chế thành phần đạm quá nhiều và tăng tỷ lệ chất xơ lên từ hoa quả, rau trong thực đơn. 

Những món nên ăn

 Thực đơn dinh dưỡng cho mẹ bầu ngày Tết cũng đừng quên các món ăn vặt là các loại hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, nho khô, hạt óc chó,… vì các loại hạt này giàu axit béo thiết yếu, vitamin, chất đạm và khoáng. Tuy nhiên, mẹ bầu cần chú ý mua ở nơi có uy tín, tránh hạt có tẩm hóa chất tạo màu và chỉ nên dùng tay tách, không nên đưa vào miệng cắn khi ăn. 

Tết đến 'ngập' trong đồ ăn, mẹ bầu ăn uống thế nào cho đúng? - Ảnh 2
Các loại hạt rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu. (Ảnh minh họa)

Những món không nên ăn 

Mẹ bầu cần hạn chế các đồ ăn kích thích, nóng, đồ sống, đồ nướng và đồ ngọt. Cụ thể:

- Rượu bia, cà phê là những thứ phải nói “không” trước tiên. Rượu có thể gây sảy thai, ngộ độc nên mẹ tuyệt đối không uống một chút nào, kể cả rượu vang. 

 - Nem chua, thịt chua, tiết canh... (thường được mời trong các bữa tiệc) cũng cần cho vào "danh sách đen" bởi những món ăn này được chế biến từ thịt sống và không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào nên khi ăn mẹ bầu rất dễ bị nhiễm khuẩn Ecoli, gây tiêu chảy.

Tết đến 'ngập' trong đồ ăn, mẹ bầu ăn uống thế nào cho đúng? - Ảnh 3
Mẹ bầu tuyệt đối không được ăn nem chua. (Ảnh minh họa)

- Các loại thức ăn xông khói, nướng. Thực phẩm loại này phải dùng gỗ, than làm chất đốt để chế biến. Nhiên liệu đốt lên sẽ phát tán ra một loại chất độc có thể làm ô nhiễm các thức ăn được xông nướng. Lời khuyên là mẹ bầu không nên ăn những loại thực phẩm này.

- Không ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn và các món chiên, rán vì các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ có thể sẽ làm gia tăng chứng ốm nghén, nôn ói của mẹ bầu. 

- Không ăn quá nhiều các loại kẹo ngọt, sôcôla, trái cây sấy, thịt hộp. Tất cả những thực phẩm này đều không tốt cho bạn cũng như cho bé.

Lưu ý khi ăn các món "đặc sản" ngày Tết

Tết đến 'ngập' trong đồ ăn, mẹ bầu ăn uống thế nào cho đúng? - Ảnh 4

Bánh chưng 

Bánh chưng gần như không dành cho các thai phụ bị béo phì, đái tháo đường hoặc cao huyết áp vì món ăn này chưa hàm lượng tinh bột và đường nhiều. Các nguyên liệu làm bánh chưng là gạo nếp, thịt mỡ đều giàu dinh dưỡng nên ăn nhiều dễ dẫn đến đầy hơi, khó tiêu, nghén. Đặc biệt, nếu mua bánh chưng bên ngoài mẹ bầu cần chọn nơi có uy tín, cẩn thận chất bảo quản có thể gây ngộ độc, nguy hại đến sức khỏe của mẹ và bé.

Thịt gà, giò 

Thị gà là loại thịt lành tính, tuy nhiên mẹ bầu cũng chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải. Đặc biệt, thịt gà làm món luộc sẽ tốt hơn món chiên và gà ta cũng tốt hơn gà công nghiệp. Ngoài ra, thịt gà để lâu trong tủ lạnh mẹ bầu cũng không nên ăn. 

Còn đối với món giò, mẹ bầu nên cẩn trọng khi ăn nếu mua bên ngoài vì không thể tránh khỏi việc các cơ sở sản xuất sử dụng chất phụ gia hay chất bảo quản. 

Các món muối 

Mẹ bầu có tiền sử loét dạ dày không nên ăn các món muối như dưa, hành. Bản chất của dưa hành là chứa nhiều chất chua, khiến dạ dày tiết dịch vị nhiều hơn và làm bệnh tiến triển nặng hơn.

Mứt 

Các loại mứt tuy được làm từ trái cây hoặc củ nhưng đã mất hết vitamin và thành phần chủ yếu của mứt chỉ là đường ngọt. Do vậy, cũng giống như bánh kẹo ngọt hoặc nước ngọt, mứt sẽ cung cấp năng lượng rỗng và không có các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như chất đạm, vitamin, hay khoáng chất. Nếu ăn nhiều mứt mẹ bầu sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, tăng cân nhanh, thiếu các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. 

Tết đến 'ngập' trong đồ ăn, mẹ bầu ăn uống thế nào cho đúng? - Ảnh 5
Các loại mứt tết chứa rất ít chất dinh dưỡng và lại nhiều đường nên mẹ bầu cần hạn chế ăn. (Ảnh minh họa)

Nước ngọt 

 Chất CO2 trong nước ngọt có ga khiến bà bầu có cảm giác đầy bụng, khó chịu. Hơn nữa, loại nước uống này không có chất dinh dưỡng nên mẹ bầu cũng nên lưu ý hạn chế, thậm chí hoàn toàn không uống sẽ tốt hơn.

Mẹ sinh đôi chia sẻ bí quyết cho sữa mẹ vàng như nghệ, đặc quánh như váng sữa và vắt được 3 lít sữa/ngày

Kinh nghiệm ăn uống, kích và hút sữa giúp bà mẹ Hà thành này dư thừa nguồn sữa mẹ nuôi hai con sinh đôi bụ bẫm, đáng yêu.

TIN MỚI NHẤT