Nhiều giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và hiệu trưởng của trường bị ‘khủng bố’ yêu cầu phải trả nợ.

H.A (t/h) 15:24 17/10/2022

Theo thông tin từ Báo Thanh Niên cho hay, ban giám hiệu, hiệu trưởng tại các trường học từ Mầm non đến THPT ở >TP.HCM vừa qua bị “khủng bố” bởi hàng trăm cuộc gọi điện thoại cho hay họ lừa đảo tiền bạc, trục lợi cá nhân. Nhiều thông tin riêng tư của họ cũng bị tung lên mạng xã hội với nội dung tố cáo 'thầy cô lợi dụng, hình ảnh, chức danh để kêu gọi phụ huynh và các nhóm thiện nguyện quyên góp từ thiện lên đến hàng trăm triệu đồng. Ăn cắp hình ảnh trẻ em khuyết tật, người già, lũ lụt… để trục lợi ăn chia nhau".

 

Hình ảnh ban giám hiệu bị lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Thanh Niên

Cụ thể, những tài khoản này đăng tải thông tin cá nhân, hình ảnh của các thầy cô bao gồm: tên tuổi, số điện thoại, chức vụ, nơi công tác. Một số giáo viên vào trang cá nhân của người đăng nhận thấy những tài khoản này chỉ đăng tải vài bức ảnh có thầy cô và nội dung kích động, tố giác, ngoài ra không còn bài đăng nào.

Một nữ hiệu trưởng liên tục bị đe dọa cho hay, ngay khi nhận được cuộc gọi đầu tiên, nhà trường đã liên hệ với giáo viên và phụ huynh. "Hai giáo viên khẳng định là không vay tiền. Một giáo viên bị mất CMND; một giáo viên có tên trong hộ khẩu của người thân nhưng không rõ người thân có vay tiền hay liên quan đến người vay nào khác hay không. Phụ huynh học sinh thì có khoản nợ với ngân hàng, chứ không liên quan đến vay nợ cá nhân", nữ hiệu trưởng nói.

Nữ hiệu trưởng trường THPT tại TP.Thủ Đức cho biết thêm: “Tôi bị khủng hoảng vì liên tục có những cuộc gọi đến trường, yêu cầu gặp trực tiếp, điện thoại cá nhân để gây áp lực trả nợ. Thêm vào đó, khi thấy hình ảnh, thông tin cá nhân bị lan truyền trên mạng xã hội, tôi thật sự hoảng sợ. Vì vậy, để tránh những thông tin ảnh hưởng đến danh dự cá nhân và nhà trường, tôi đã báo công an để có hướng xử lý, ngăn chặn kịp thời”. 

Trước đó, vào tháng 5/2022 vừa qua, thông tin trên VietNamNet cũng cho hay, mặc dù không vay tiền, nhưng nhiều giáo viên, hiệu trưởng ở Nghệ An bị đăng tải thông tin đe doạ, gọi điện thoại đòi nợ.

Trường THCS Phan Đăng Lưu nơi hàng chục giáo viên bị quấy rối bằng điện thoại. Ảnh: VietNamNet

“Ban đầu họ gọi bảo thầy L. vay một khoản tiền, yêu cầu tôi chỉ đạo thầy L. trả nợ. Tôi nói việc nợ nần ở bên ngoài của giáo viên không liên quan nhà trường thì họ liên tục gọi điện đe dọa. Mỗi ngày gọi mấy cuộc với nhiều số điện thoại khác nhau, không kể giờ giấc.  Cứ thấy tôi nghe máy là quát nạt, đe dọa. Mục đích của họ là để tôi gây áp lực cho thầy L. trả nợ cho họ nhưng tôi không có chức năng đó, đó là giao dịch dân sự”, thầy Nguyễn Trọng Giáp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thành 2 (huyện Yên Thành) cho biết.

Nhận tin báo, công an vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.

H.A (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe