Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Nội dung Chỉ thị nêu rõ, trong tháng 3 năm 2020, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được triển khai rộng khắp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và của toàn dân. Chúng ta đã và đang kiềm chế và kiểm soát được dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhân dân đồng tình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở nước ta, trong tháng 2 chỉ có 16 ca mắc, nhưng chỉ trong vòng 20 ngày (từ ngày 6 đến 26 tháng 3), đã có 137 ca mắc mới tại 23 tỉnh, thành phố, gấp trên 8,5 lần số ca mắc trước đó, đưa tổng số ca mắc lên 153 ca; đã có hiện tượng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số thành phố lớn, gây lo lắng trong nhân dân. Nước ta đã bước vào giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ tốt nhất cho >sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28 tháng 3 đến hết ngày 15 tháng 4 năm 2020:
Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, >giải trí tại các địa điểm công cộng.
Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.
Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Khẩn trương rà soát, yêu cầu thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, sàng lọc đối với các trường hợp đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 08 tháng 3 năm 2020 không thuộc diện cách ly tập trung để áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát phù hợp.
Chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, cảnh sát khu vực, công an xã, thanh niên xung kích trên địa bàn, tổ dân phố, thôn bản…tăng cường việc giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình, hạn chế tối đa việc giao tiếp của các đối tượng bị đề nghị cách ly y tế; thực hiện cưỡng chế cách ly y tế đối với các trường hợp chống đối cách ly theo quy định.
Tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới trên bộ (nhất là biên giới với Lào, Campuchia), đường thủy, đường biển, các cảng hàng không. Tăng cường năng lực cả về nhân lực, cơ sở vật chất bảo đảm cách ly tập trung đối với mọi trường hợp nhập cảnh; chú trọng việc bảo đảm an toàn cho các lực lượng quản lý nhập cảnh, làm việc tại các cửa khẩu, các khu cách ly tập trung và các cơ sở cách ly dân sự khác. Có phương án điều tiết hợp lý việc tiếp nhận, phân loại sàng lọc người nhập cảnh bảo đảm không quá tải các cơ sở cách ly tập trung trên tuyến biên giới đường bộ.
Bộ Y tế chỉ đạo phân luồng, phân tuyến khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân; có phương án chăm sóc tốt hơn, bảo vệ tốt nhất an toàn cho lực lượng bác sỹ, cán bộ y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện điều trị người mắc dịch COVID-19; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị cho các tỉnh giáp Lào, Campuchia.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án phòng, chống dịch, kể cả việc huy động cơ sở vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trên diện rộng; xây dựng phương án về áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28 tháng 3 năm 2020.
Các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư mở rộng việc xét nghiệm. Các thành phố lớn tăng công suất xét nghiệm, thực hiện chiến lược xét nghiệm sớm để cách ly.
Các Bộ: Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế; găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Y tế tiếp tục thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch; tập trung thông tin về việc không tập trung đông người, khuyến khích và hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện, phát hiện sớm và thông báo cho chính quyền về các trường hợp nghi mắc bệnh.
Các cấp, các ngành tích cực đối mới, cải tiến cách làm việc nhằm thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc, học tập, thực hiện thủ tục hành chính; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sỹ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.
Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền vận động nhân dân tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tích cực hỗ trợ chính quyền các cấp và nhân dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.