Ít ai ngờ con lạch nhỏ, nước đục ngầu trước nhà lại là nơi khởi đầu của một Siêu kình ngư Ánh Viên với nhiều kỳ tích chấn động trên đường đua xanh.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự kỳ SEA Games 31 trên sân nhà mà không còn sự phục vụ của Siêu kình ngư >Nguyễn Thị Ánh Viên – người được xem là "mỏ vàng" ở 4 kỳ SEA Games trước đó. Tuổi 25, "Tiểu tiên cá" đã nói lời giã từ đội tuyển quốc gia trong sự nuối tiếc của rất nhiều người hâm mộ.
Trải qua 10 năm thi đấu đỉnh cao, Nguyễn Thị Ánh Viên đã đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với tư cách là VĐV gặt hái được nhiều thành tích nhất ở đấu trường SEA Games, cùng với đó là các tấm huy chương danh giá ở đấu trường châu Á và thế giới. Đặc biệt, Ánh Viên cũng là kình ngư duy nhất của Việt Nam từng tham dự 3 kỳ Olympic liên tiếp. Một thành tích vô tiền khoáng hậu của thể thao Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, bơi lội Việt Nam hội nhập trở lại khu vực từ năm 1995 nhưng qua 3 kỳ SEA Games liên tiếp (1995, 1997, 1999), các VĐV tham dự đều tay trắng ra về. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, bơi lội Việt Nam mới bắt đầu có thành tích ở đấu trường khu vực nhưng chỉ dừng lại với 2 HCB và 4 HCĐ.
Suốt 15 năm, đội tuyển bơi Việt Nam vẫn loay hoay đi tìm nhân tố mới có thể tạo ra đột biến nhưng đành bất lực. Và khi bài toán khó chưa có lời giải thì Việt Nam xuất hiện một nàng "tiểu tiên cá" có tên Ánh Viên bước ra ánh sáng khiến tất cả phải ngước nhìn. Tại kỳ SEA Games 2011, cô gái quê Cần Thơ khi đó mới 15 tuổi nhưng lập tức làm dậy sóng đường đua xanh với 2 tấm HCB nội dung 100m ngửa và 400m hỗn hợp.
Dù chưa thể giúp bơi lội Việt Nam đổi màu huy chương nhưng thành tích của Ánh Viên cũng rất ấn tượng bởi cô là VĐV bơi đầu tiên trong lịch sử giành được 2 tấm huy chương trong 1 kỳ SEA Games. Sự xuất hiện của Ánh Viên lập tức tạo ra sự chú ý và câu chuyện sau đó đã trở thành lịch sử.
Trở lại SEA Games 27 trên đất Myanmar 2013, "Tiểu tiên cá" Ánh Viên đã thật sự hóa rồng khiến các đối thủ trong khu vực phải lắc đầu ngao ngán. Kình ngư Việt Nam thi đấu xuất sắc để giành 3 tấm HCV, 2 HCB và 1 HCĐ. Cô cũng phá 2 kỷ lục ở cự ly 200m ngửa với thành tích 2 phút 14 giây 80 và 400m hỗn hợp với 4 phút 46 giây 16. Sự tỏa sáng của Ánh Viên giúp cô được bình chọn là gương mặt "Ấn tượng vàng SEA Games 27".
Chưa dừng lại ở đó, Ánh Viên thật sự bước lên đỉnh cao tại kỳ SEA Games 28 với 8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ, kình ngư Việt Nam còn phá đến 7 kỷ lục. Tiểu tiên cá lập tức khiến báo chí quốc tế thán phục và giành nhiều mỹ từ ca ngợi, thậm chí có người còn gọi cô với biệt danh "Iron Girl – Cô gái thép".
Ngay cả kình ngư huyền thoại người Singapore - Joseph Schooling cũng dành cho Ánh Viên lời khen ngợi: "Cô ấy đã thực hiện mọi thứ một cách chuẩn mực, tôi chưa từng thấy một VĐV nào làm được như vậy. Ánh Viên có một trái tim thép, tinh thần thi đấu vô cùng tuyệt vời. Tôi thấy vui bởi những thành tích cô ấy đạt được".
"Tiểu tiên cá" Ánh Viên đến SEA Games 29 với tư cách là một Đại úy quân nhân chuyên nghiệp và được sự săn đón của rất nhiều cánh báo giới nước ngoài. Tại Malaysia, siêu kình ngư Việt Nam đăng ký thi đấu tận 14 nội dung và giành đến 8 HCV, 2 HCB; đồng thời cô còn phá thêm 8 kỷ lục SEA Games.
"Kình ngư số 1 Việt Nam làm dậy sóng đường đua xanh ở Malaysia. Nguyễn Thị Ánh Viên tạo ra cơn địa chấn", đó là những lời lẽ có cánh mà Daily Mail dành cho cô gái Cần Thơ. Chính vì những thành tích ấn tượng mà Ánh Viên đạt được đã giúp cô nhận được danh hiệu VĐV xuất sắc nhất năm 2017 tại cuộc bầu chọn "Vận động viên tiêu biểu Toàn quốc 2017".
Ở kỳ SEA Games 30 tại Philippines, Ánh Viên bước sang tuổi 23 và không còn giữ được phong độ cao nhưng Siêu kình ngư Việt Nam vẫn giành thêm 6 HCV, 2 HCB và ẵm luôn danh hiệu VĐV hay nhất SEA Games 2019.
Tính tổng cộng 5 kỳ SEA Games, Ánh Viên giành được thành tích "khủng" với 25 HCV, 9 HCB và 2 HCĐ. Ngoài ra, cô cũng ghi dấu ấn ở đấu trường châu lục khi giành được 1 HCV và 1 HCĐ tại giải vô địch châu Á 2016. Cô cũng từng giành 2 HCĐ tại ASIAD 2014 và là VĐV duy nhất của Việt Nam dự 3 kỳ Olympic liên tiếp vào các năm 2012, 2016, 2020.
Nhà bác học lừng danh thế giới Thomas Edison từng nói: "Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% là mồ hôi". Câu chuyện của Ánh Viên cũng phần nào giống như vậy, tài năng của "Tiểu tiên cá" được trui rèn qua năm tháng nhưng phải thừa nhận cô là báu vật "hiếm thấy khó tìm" mà thể thao Việt Nam sở hữu. Trong những câu chuyện về Ánh Viên, báo chí thường nói nhiều đến việc cô được ông nội dạy bơi từ thuở bé ngay ở con lạch nhỏ trước nhà.
Nguyễn Thị Ánh Viên sinh ra tại vùng ấp Ba Cao thuộc xã Giai Xuân, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ, nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Với mỗi một đứa trẻ sinh ra tại đây, biết bơi vốn là lẽ thường tình. Lúc 5 tuổi, những lúc bố mẹ vắng nhà, Ánh Viên thường được ông nội mang ra con lạch nước đục ngầu trước nhà để dạy bơi. Viên không mất nhiều thời gian để biết bơi nhưng cái mà cô gái nhỏ sở hữu lại là tố chất rất đặt biệt mà chỉ ở những VĐV bơi lội hàng đầu mới có.
Lên lớp 5, Viên bất đắc dĩ phải đi thi bơi do đứa bạn cùng lớp lén đăng ký nhưng cô bé lại đoạt giải nhất ở cuộc thi cấp trường. Rồi sau đó, thành tích liên tiếp đến với Viên ở các hội thi Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, thành phố. Cũng nhờ vậy mà cô được lọt vào mắt của các nhà tuyển trạch Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9).
Cuối năm 2010, HLV đội tuyển quốc gia Đặng Anh Tuấn tình cờ phát hiện ra điểm đặc biệt ở Ánh Viên nhờ kiểu bơi giống con "lăng quăng". Nhưng ẩn sau trong cô bé đó là một viên ngọc quý của làng bơi lội nước nhà bởi những đặc điểm nổi trội như: chiều cao 1m7, bàn chân to, sải tay dài tới 1m98 thuộc dạng hiếm trên thế giới. Những so sánh thú vị đã chỉ ra rằng sải tay của Ánh Viên chỉ thua kình ngư huyền thoại người Mỹ Michael Phelps đúng 4cm.
Những tố chất có một không hai đó là nền tảng tuyệt vời tạo ra sự khác biệt của Ánh Viên và hình thành nên một "tượng đài" khổng lồ trong làng bơi lội Việt Nam. Sau lần vươn ra ánh sáng với 2 tấm HCB tại SEA Games 2011, Ánh Viên nhận được kỳ vọng lớn và ban huấn luyện nhắm mục tiêu hướng đến chinh phục đấu trường lớn như ASIAD và Olympic.
Từ năm 2012, Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn thường xuyên có những chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ. Tại nơi đất khách, cuộc sống của Siêu kình ngư sinh năm 1996 chỉ gắn liền với việc bơi và bơi nhiều hơn nữa.
Thông tin từng tiết lộ về chế độ ăn của Ánh Viên cũng khiến nhiều người phải trầm trồ với 1 cân thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mỳ to, 1 đĩa rau trộn, 1 lít sữa tươi… chỉ trong 1 bữa ăn. Chế độ >dinh dưỡng đặc biệt này nhằm mục đích giúp Viên phát triển cơ bắp, thể lực, từ đó hoàn thiện dần kỹ thuật bơi. Mỗi ngày, Ánh Viên tập luyện 12 tiếng, thời gian còn lại dùng để nghỉ ngơi và phục hồi.
"Nhiều hôm tập mệt đến nỗi không nuốt nổi cơm, nhưng các chuyên gia vẫn yêu cầu phải ăn theo đúng thực đơn và khẩu phần hàng ngày. Rất nhiều lần tôi vừa ăn xong lại nôn ra hết, nhiều lúc phải bật khóc vì tủi thân, và tự nghĩ tại sao mình khổ như thế vì cái gì? Nhưng mỗi khi nhìn mái tóc ngày càng bạc trắng của thầy Tuấn, nhìn sự kỳ vọng của gia đình và các CĐV thì tôi lại cắn răng để tập", Ánh Viên từng chia sẻ.
Xa nhà từ năm 11 tuổi, cuộc sống của Ánh Viên 14 năm sau đó là chuỗi ngày chỉ xoay quanh việc tập luyện và thi đấu. Có thể nói, để vươn tới "giấc mơ hóa rồng" làm rạng danh thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, Ánh Viên đã đánh rơi cả tuổi thơ của chính mình. "Tiểu tiên cá" từng nói: "Một năm có 365 ngày thì 364 ngày tôi sống xa nhà. Khi còn nhỏ tuổi, tôi đã khóc rất nhiều vì nhớ bố mẹ. Giờ tôi bớt khóc bởi đã lớn, hiểu rằng muốn có thành công thì phải đánh đổi.
Đã chọn thể thao thì bắt buộc phải nỗ lực và hy sinh, bởi tôi muốn vươn lên đỉnh cao trong sự nghiệp, bởi kỷ lục không bao giờ có giới hạn, nên với tôi ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua. Nếu các bạn có ước mơ trở thành VĐV thì điều duy nhất là phải rèn luyện ý chí. Có ý chí thì mọi việc sẽ dễ dàng".
Nếu 1% là tài năng thiên bẩm thì quá trình khổ luyện "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" cùng sự nghiêm khắc của người thầy Đặng Tuấn Anh chiếm đến 99% để tạo nên một Siêu kình ngư với nhiều kỳ tích chấn động như Nguyễn Thị Ánh Viên.
Thực tế, thành tích của Ánh Viên đã bắt đầu đi xuống từ năm 2019 khi HLV Đặng Anh Tuấn dừng dẫn dắt. Khoảng thời gian sau do ảnh hưởng của Covid-19, cô cũng không được đi tập huấn nước ngoài và thi đấu quốc tế để cọ xát.
Tại Thế vận hội Olympic 2020, Ánh Viên thi đấu không như kỳ vọng và thất bại so với chính bản thân mình. Phong độ của một VĐV bơi lội cũng giảm dần khi bước qua tuổi 23 và Ánh Viên cũng không phải ngoại lệ. Đấu trường thế giới là một thách thức quá tầm với "Tiểu tiên cá" kể cả lúc cô đang ở độ chín nhất của sự nghiệp cũng khó lòng cạnh tranh huy chương Olympic.
Và sau khi kết thúc giải vô địch bơi quốc gia 2022, Ánh Viên chính thức nói lời giã từ đội tuyển quốc gia. "Kết thúc giải đấu Ánh Viên xin cảm ơn tất cả đã giúp Ánh Viên hoàn thành giải đấu. 12 năm là 1 chặng đường bơi lội, nên bây giờ em muốn sống cuộc sống bình thường, tự do và học hỏi thêm nhiều thứ mới nữa. Ánh Viên sẽ không tham dự SEA Games vì Ánh Viên không đủ khả năng cũng như sức khoẻ không còn tốt như trước để đạt được thành tích tốt. Ánh Viên xin cảm ơn tất cả", kình ngư sinh năm 1996 viết.
Sự chia tay của Ánh Viên để lại nhiều tiếc nuối đối với người hâm mộ trước thềm SEA Games 31. Ở tuổi 25, "Tiểu tiên cá" vẫn có thể cùng đồng đội gặt hái thêm nhiều HCV tại đấu trường Đông Nam Á, nhưng Ánh Viên đã chọn cách dừng lại.
Trên đường đua xanh, Ánh Viên thể hiện sự thống trị tuyệt đối với bảng thành tích đồ sộ. Sự vắng mặt của kình ngư Cần Thơ để lại khoảng trống mênh mông trên đội tuyển quốc gia bởi lứa VĐV kế cận còn khá non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Trong số những gương mặt VĐV bơi lội nữ được kỳ vọng tại SEA Games 31, có lẽ Lê Thị Mỹ Thảo là cái tên nhận được sự chú ý hơn cả. Kình ngư này từng giành HCĐ SEA Games 2019, đồng thời đánh bại chính Ánh Viên tại nội dung bơi bướm giải bơi quốc gia 2020. Giới chuyên môn kỳ vọng vào Thảo ở nội dung 100m và 200m bơi bướm sở trường, tuy nhiên rất khó để VĐV người Bình Phước này có thể giành nhiều hơn 1 HCV như Ánh Viên từng làm.
Một gương mặt nổi trội khác là kình ngư 17 tuổi Phạm Thị Vân lần đầu tham dự SEA Games hứa hẹn sẽ tỏa sáng. Ngoài ra còn có Võ Thị Mỹ Tiên (14 tuổi) hay Nguyễn Diệp Phương Trâm… Tuy nhiên, đây là những gương mặt trẻ chỉ dừng lại ở mức triển vọng và so với Ánh Viên thì rõ ràng vẫn "một trời một vực".
Mặc dù những gương mặt mới chưa thể làm yên tâm người hâm mộ, song sự dừng lại của Ánh Viên sẽ mở ra cho họ nhiều cơ hội để thể hiện, đóng góp vào thành tích chung của thể thao nước nhà.