Hiện trường giải cứu Hạo Nam vẫn đang được gấp rút từng ngày thực hiện bất chấp thời tiết và những khó khăn cản trở.

H.A (t/h) 11:46 10/01/2023

Theo VietNamNet, hơn 350 người trong 5 ngày 4 đêm nỗ lực sử dụng nhiều phương án khác nhau để cứu bé trai, song việc cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn do đây là vụ hy hữu, rất khó xử lý, hiện trường nằm giữa cánh đồng, hạ tầng giao thông nhỏ, hẹp nên việc vận chuyển máy móc, thiết bị đến mất nhiều thời gian. Nhiều thiết bị, vật dụng được vận chuyển đến hiện trường nơi bé trai bị rơi xuống với hy vọng các giải pháp kỹ thuật này mang lại hiệu quả giải cứu được nạn nhân.  

 

 

Hiện trường nơi bé Hạo Nam rơi xuống. Ảnh: VietNamNet

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, Tổ trưởng Tổ Điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Kênh Rọc Sen cho hay, tỉnh chọn phương án khả thi đã thống nhất theo tư vấn của các chuyên gia đầu ngành trong nước. Đó là, đóng cọc ván thép xung quanh, sau đó lấy đất lên để tiến hành các biện pháp tiếp theo để đưa trụ bê-tông lên khỏi mặt đất. Chiều cùng ngày, xe đóng cọc khoan nhồi bê tông được lực lượng chức năng đưa vào hiện trường để thực hiện phương án làm lỏng địa chất xung quanh và nhổ trụ bê tông.

Nhiều thiết bị điều động cứu bé trai. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trả lời báo chí về công tác giải cứu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết: “Các đơn vị cứu hộ rất tích cực chủ động việc giải cứu bé trai. Song, khi khoan cột xuống độ sâu 30m gặp phải tầng đất phức tạp, rất chặt. Lực lượng cứu hộ phải thi công trong điều kiện tầng đất ở sâu, có tính chất đặc dính, cùng nhiều lần khoan guồng xoắn kết hợp bơm thuỷ lực nhưng chưa đạt được yêu cầu, nên giờ phải thay đổi. Chúng tôi hội ý, thảo luận với các chuyên gia được mời đến hiện trường để thống nhất phương án tiếp theo, do vậy công tác cứu hộ cứu nạn chậm so với dự kiến ban đầu... ”, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Ông Bửu cũng cho biết thêm, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đưa ra phương án rất khả thi nhưng thiết bị, phương tiện chưa tập hợp đủ. Các chuyên gia vẫn đang thảo luận, chọn phương án tối ưu, phù hợp năng lực, điều kiện của đội thi công.

Cũng theo VTC tìm hiểu, một cẩu trọng tải khoảng 120 tấn được đề nghị đưa vào hiện trường. Tuy nhiên, do hiện trường cứu hộ nằm giữa cánh đồng, sông nhỏ tàu lớn không vào được nên phương án này khó khả thi.

 

 

Hiện trường nơi bé Hạo Nam gặp nạn nhìn từ trên cao. Ảnh: VNExpress

Theo Người Lao Động, việc kéo trụ bê-tông lên mặt đất để đưa thi thể Nam ra ngoài được các ngành chức năng thực hiện 24/24 giờ. Quá trình tìm phương án cứu hộ có sự tham gia của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, các chuyên gia đến từ Nhật Bản… Lãnh đạo Sở TT&TT Đồng Tháp cho biết, các thiết bị được vận chuyển và bổ sung liên tục về hiện trường.

 

 

Hình ảnh giải cứu bé Hạo Nam từ trên cao. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trong ngày thứ 11 công tác cứu nạn bé trai vẫn tiến hành gấp rút, tỉnh Đồng Tháp cũng bố trí lực lượng cứu hộ thành 4 ca, mỗi ca 6 giờ để làm việc tại hiện trường. Việc chia ca ra làm việc như trên nhằm đảm bảo >sức khỏe và an toàn cho lực lượng cứu hộ.

Về phương án thực hiện, cơ quan chức năng cho biết, đã đóng xong khung vây ván thép vòng ngoài để giữ ổn định cho thiết bị thi công. Hiện đội thi công đã lắp xong 2/5 tầng khung chống, đồng thời đào đất được một phía vách.

Cuối ngày cứu hộ thứ 10, búa rung 180kW và máy phát điện được vận chuyển từ cảng Cái Mép, Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) được đưa đến công trường phục vụ công tác. Lực lượng cứu hộ làm việc liên tục ngày đêm không ngừng nghỉ, tìm cách nghiên cứu, tham vấn để sớm đưa thi thể bé Nam lên.

Đến ngày 10/1, mọi công tác cứu hộ vẫn đang nỗ lực được triển khai.

 

 

H.A (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe