Hai mảnh đời, hai số phận bất hạnh đã có thể nương tựa vào nhau để cuộc sống vơi đi khó nhọc. Ban ngày, vợ chồng anh cùng đến trung tâm làm việc, chiều xuống lại đưa nhau trở về trong căn nhà trọ chỉ khoảng hai mươi mấy mét vuông.
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy giáo mù
Ký ức về những năm tháng nhìn thấy ánh sáng của anh Thuận cách đây đã gần 40 năm. Ngày mới giải phóng, bom mìn còn vương vãi khắp thành phố. Một lần nhặt được quả lựu đạn, cậu bé Thuận khi ấy 4 tuổi tò mò ngồi nghịch chơi. Đạn phát nổ khiến anh bị thương nặng.
Ngày đau đớn nhất là ngày anh mất đi đôi mắt và thất lạc người thân ngay trong bệnh viện. Mẹ mất sớm, anh Thuận sống cùng ông bà ngoại và các anh chị trong khi cha đi làm xa. Vậy mà thời điểm ấy, cậu bé 4 tuổi đã không còn lại gì...
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, anh Thuận kể lại: "Anh còn nhớ nơi đó là Bệnh viện Nhi đồng. Khi anh bị thương thì người nhà đưa đến bệnh viện. Sau khi tỉnh dậy không còn nhìn thấy gì và thất lạc mất người thân. Một thời gian sau, bệnh viện đã đưa anh đến >Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè".
Tại đây, anh được các cô giáo và nhân viên trung tâm chăm sóc, tạo điều kiện để được học hành. Năm 1989, anh được đi học chữ và học nghề tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.
"Sau khi hoàn thành khóa học vật lý trị liệu, anh được Trung tâm xin về làm việc vào năm 2008. Hơn 10 năm qua, đây như mái nhà lớn của anh" - Anh Thuận xúc động kể lại.
Hạnh phúc khi có được một tổ ấm nhỏ
Trở về lại trung tâm mình từng gắn bó, anh Thuận cùng các giáo viên và nhân viên ngày đêm chăm sóc cho những em bé tàn tật mồ côi. Ngay tại nơi này, hạnh phúc một lần nữa mỉm cười với anh khi gặp được chị Thảo, nhân duyên của đời mình.
"Trẻ em ở trung tâm khi trưởng thành sẽ được đưa lên cơ sở Bảo Lộc làm việc. Tính tình thích đi lại nên Thảo hay đi đi về về giữa hai cơ sở. Vậy rồi anh với Thảo biết nhau. Ban đầu tiếp xúc anh thấy thương hoàn cảnh mồ côi của Thảo. Sau đó là sự cảm mến và chia sẻ trong cuộc sống với nhau. Rồi anh chị quyết định làm đám cưới. Hoàn cảnh khó khăn nên các anh chị đã tạo điều kiện cho vợ chồng anh tổ chức đám cưới ngay tại trung tâm" - anh Thuận kể lại về câu chuyện tình đặc biệt của mình.
Năm 2013, anh Thuận và chị Thảo tổ chức đám cưới trong sự chúc mừng của anh em đồng nghiệp Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Trung tâm chính là ngôi nhà lớn của anh chị và cũng là "ông mai bà mối" se duyên cho đôi vợ chồng cùng cảnh ngộ có một tổ ấm nhỏ.
Chia sẻ về chồng, chị Thảo cho biết: "Anh Thuận rất hiền lành, chịu khó. Hồi năm 26 tuổi chị xuống trung tâm dưới Sài Gòn mới gặp ảnh. Không biết cơ duyên sao mà chị gặp anh Thuận, thấy thương rồi cưới luôn".
Mặc dù đôi mắt anh không nhìn thấy gì nhưng anh vẫn sinh hoạt và làm việc như bao người. Vợ chồng anh chị vẫn giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống thường ngày.
Năm năm trôi qua, hai vợ chồng anh chị mỗi buổi sáng vẫn đưa nhau đến trung tâm làm việc, chiều xuống lại đưa nhau về căn nhà trọ nhỏ vỏn vẹn hai mươi mấy mét vuông. Niềm mong ước của anh Thuận và chị Thảo lúc này chính là có một đứa con để tổ ấm thêm tiếng cười.
Câu chuyện tình của anh chị càng khiến cho những đồng nghiệp và những người bạn đồng trang lứa tin vào nhân duyên tốt đẹp, vào niềm hạnh phúc xuất phát từ sự đồng cảm, thấu hiểu nhau, không chút vụ lợi.