Con trai đến với chị như một cơ duyên nên chị đã không ngần ngại nhận con về nuôi, thương như con đẻ. Dù cuộc sống còn khó khăn với đồng lương giúp việc ít ỏi nhưng chị vẫn quyết tâm mang lại hạnh phúc cho con, nuôi con nên người.
Đó là câu chuyện cảm động của chị giúp việc Huỳnh Hồng Hạnh (43 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) khi kể về đứa con trai bén duyên với chị ở cổng chùa.
Cơ duyên mẹ con gặp gỡ
Vào ngày 3/9, khi đang làm công quả ở chùa Diệu Giác (quận 2) thì chị Hạnh nghe tiếng khóc oe oe ngoài cổng. Ra tới nơi, chị phát hiện một chiếc túi xách du lịch đựng một bịch khăn giấy ướt, một bình sữa uống dở, bên cạnh là một bé sơ sinh còn đỏ hỏn, rốn chảy mủ, da nhăn nheo.
Hốt hoảng, chị Hạnh mang đứa trẻ vào chùa lau người, sưởi ấm và trình báo với chính quyền địa phương. Chị thầm nghĩ, từng nghe biết bao câu chuyện đứa trẻ bị bỏ rơi trên ti vi đài báo, không ngờ có ngày chị lại gặp chính trường hợp này.
Nhớ lại kỷ niệm đầu tiên, chị Hạnh kể: “Từ lúc được tôi bế, đứa trẻ không khóc nữa. Tôi đã rất hạnh phúc và nghĩ mình có tình yêu thật sự với bé”.
Nhìn đứa trẻ đáng thương vừa chào đời đã bị bỏ rơi, chị Hạnh xót xa nhớ về quá khứ đau buồn. Mười năm trước, uất ức khi chồng ngoại tình lần thứ hai lúc mình đang bụng mang dạ chửa, chị quyết định bỏ con. Mặc dù đã ly hôn và một tay nuôi con gái đầu khôn lớn nhưng quyết định ngày nào không khỏi khiến chị day dứt, ân hận.
Nhìn đứa trẻ, chị như nhìn thấy hình ảnh của đứa con chị đã bỏ đi. Chị tin rằng cơ duyên đã cho chị và bé gặp nhau, chị quyết định nhận nuôi bé, mong muốn mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con.
Lúc này, chùa Diệu Giác đã nhận đủ số trẻ bị bỏ rơi, nhà chùa không thể nhận nuôi thêm nữa. Sau lễ đặt tên cho đứa trẻ, chị nhận cháu bé về nuôi. Chị Hạnh đặt tên con ở nhà là Cà Rốt, tên khai sinh là Đỗ Pháp Chí với mong muốn đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, kiên cường và chọn ngày 3/9 làm ngày sinh cho con.
Hành trình dài của hai mẹ con
Đêm đầu tiên ở cùng mẹ Hạnh, Cà Rốt quấy khóc, chị ôm con vào lòng để sưởi ấm.
"Lúc miệng con nhóp nhép đòi ăn, chưa pha sữa kịp, tôi đành cho bé ngậm ti mình. Đầu ti đỏ ửng, sưng tấy vì bé mút mãi mà không ra sữa, nhưng nhìn miệng con, tôi lại thấy hạnh phúc", chị tâm sự với PV VNExpress.
Để có thời gian chăm sóc con, chị đã xin nghỉ việc một tháng. Bạn bè biết chuyện, người đến thăm cho bé hộp sữa, người cho bé bộ quần áo sơ sinh, người mua nôi, mua khăn… có người khi rảnh còn đến trông con giúp chị Hạnh.
Bên cạnh đó, cũng có người trách chị sao lại đèo bòng vào người khi công việc thu nhập thấp (6 - 7 triệu/tháng) lại không ổn định mà phải trang trải mọi chi phí: tiền thuê phòng trọ, tiền ăn, tiền sữa, tiền tã cho con, tiền thuê người trông trẻ… Đáp lời, chị Hạnh lạc quan: “Mọi khó khăn tôi đều có thể trải qua. Chỉ cần nhìn con trai khỏe mạnh, lớn lên từng ngày đã là một hạnh phúc. Một đứa trẻ còn thơ dại, bị cha mẹ bỏ rơi sẽ phải chịu biết bao nhiêu thiệt thòi”.
Căn phòng thuê chật hẹp chỉ 10 m2 giờ đây toàn đồ dùng cho trẻ. Chị Hạnh trở thành bà mẹ bỉm sữa thật sự, đầu bù tóc rối suốt ngày chăm sóc con.
Không phụ công chăm bẵm, chỉ sau 2 tháng, bé Cà Rốt khỏe mạnh hơn và tăng cân thấy rõ. Gương mặt Cà Rốt kháu khỉnh, mắt đen tròn, tay chân bụ bẫm. Lúc này chị mới yên tâm gửi con đi làm. Thương con đi nhà trẻ sớm, nhưng vì cuộc sống của hai mẹ con, chị không còn cách khác.
Không chỉ thương yêu và chăm sóc tận tình cho Cà Rốt, chị Hạnh còn liên tục nhờ bạn bè đăng tải thông tin của con lên mạng xã hội để cha mẹ bé nếu có đọc được sẽ đến nhận con, nhưng mãi vẫn không ai phản hồi. Những vật dụng mẹ Cà Rốt để lại, chị cũng cất giữ cẩn thận, làm kỷ niệm cho con. Sau này lớn, con trai muốn tìm lại người thân sẽ dễ dàng.
Con gái đầu của chị Hạnh đã tốt nghiệp đại học, hiện đang du học và làm việc tại Nhật Bản biết tin mẹ có em trai không khỏi vui mừng. Chị Hạnh tự hào kể, con gái động viên mẹ cố gắng nuôi em, chăm sóc và cho em được đi học. Nghe giọng con gái tỉ tê, nhìn sang con trai đang say giấc, lòng chị Hạnh lại vững tin hướng đến tương lai tươi sáng của các con.
Hiện tại, UBND phường Bình An (quận 2) đã chuyển hồ sơ xin nhận con nuôi của chị Hạnh lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM và tạo điều kiện cho chị Hạnh nuôi dưỡng bé Cà Rốt. Trước đó, khi vừa nhặt được Cà Rốt, chị Hạnh đã chủ động báo với chính quyền địa phương để đăng thông báo tìm kiếm cha mẹ nhưng không ai đến nhận - ông Văn Ngọc Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Bình An cho biết.