Những món ăn ngày tết miền Trung cũng đặc biệt không khác gì miền Bắc và miền Nam. Dẫu quanh năm khó khăn, người dân nơi đây vẫn mong muốn có một cái Tết sung túc để cầu cho một năm “mưa thuận gió hòa”. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhiều hơn về những món ăn này nhé!

Hồng Anh 10:48 29/12/2019
Cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm ngày Tết - Ảnh minh họa: Internet

1. Bánh Tét

Bánh tét là một món ăn ngày tết miền trung không thể thiếu. Đây là loại bánh gần giống bánh chưng nhưng lại có dạng trụ giống giò. Bánh tét được gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Khi ăn bánh được cắt bằng dây lạt thành khoanh tròn, có thể ăn ngay hoặc rán lên, và thường được ăn cùng dưa món. Đây là món ăn cổ truyền ngày tết miền trung.

Bánh tét có nhân và cách làm gần giống với bánh chưng - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên liệu 

  • Gạo nếp: 1 kg
  • Đậu xanh: 250 g
  • Hành tím: 2 củ
  • Hột vịt lộn muối: 5 trứng
  • Mỡ heo: 300 g
  • Rau ngót: 1 bó
  • Lá chuối, giấy bạc, cuộn dây, muối, tiêu, đường, hạt nêm

Thực hiện

Bước 1Bạn ngâm đậu xanh trong vòng 4 tiếng. Sau đó vớt đậu xanh ra và cho vào nồi, đổ ngập nước và nấu với lửa nhỏ. Khi đậu đã chín thì tắt bếp, nêm thêm một thìa muối, một thìa đường vào và trộn đều.

Bước 2Cắt thịt heo thành những miếng dài bằng nhau. Thường thì người ta dùng thì mỡ heo để làm bánh tét, nhưng nếu bạn không thích thì có thể thay bằng thịt nạc.

Tiếp đó, bạn đem thịt ướp với gia vị như sau: nửa thìa hạt nêm, nửa thìa hạt tiêu và hành tím băm nhỏ. Đợi trong 30 phút cho thịt ngấm gia vị.

Bước 3Trải giấy bạc ra, sau đó rải đậu xanh lên và ép dẹp. Tiếp đến, bạn trải miếng thịt lên trên lớp đậu xanh. Cắt trứng muối thành 4 phần rồi cho một phần lên trên lớp nếp. Sau đó, quấn phần đậu xanh lại rồi đem vào tủ lạnh cho đông cứng.

Bước 4Dùng máy xay sinh tố xay rau ngót rồi lọc lấy nước. Gạo nếp bạn để ngâm nước qua đêm. Sau đó, vớt nếp ra, đợi 10 phút cho nếp khô rồi đổ nước rau ngót vào chung.

Tiếp đến, bạn cho thêm một thìa muối vào rồi trộn đều hỗn hợp. Chú ý bạn chỉ nên trộn nhẹ tay để không làm vỡ nếp. Sau đó, chia phần nếp vừa trộn ra thành số phần tương ứng với số nhân đậu xanh.

Bước 5Trải tờ giấy bạc ra rồi xếp lá chuối lên trên. Mục đích sử dụng giấy bạc khi nấu bánh tét là để ngăn nước lọt vào bên trong bánh. Nhờ vậy, bánh sẽ chắc, ngon và để được lâu. Giấy bạc còn giúp giữ nhiệt cho bánh giúp bánh chín nhanh. Tiếp đến, bạn rải lớp nếp lên trên lá chuối, dàn đều rồi đến nhân đậu xanh.

Phủ tiếp một lớp nếp nữa lên trên nhân đậu xanh rồi cuộn tròn lá chuối lại.

Bạn lấy dây lạt buộc ngang, chính giữa cuộn bánh. Sau đó, bạn nhẹ nhàng bẻ gập phần góc chiếc bánh rồi dựng đứng lên, đổ thêm một phần nếp nữa để phần bánh cũng có nếp đều.

Đầu kia bạn cũng làm tương tự rồi dùng phần lá chuối che hai đầu bánh lại. Sau khi cột xong đòn bánh thì bạn lăn nhẹ để nếp bên trong chạy đều.

Bước 6Bạn cho các đòn bánh tét vào trong nồi lớn đun sôi có lót thêm vài lá chuối phía dưới đáy nồi. Bạn tiến hành nấu bánh với lửa vừa trong thời gian từ 3,5 – 4 tiếng.

Sau khi nấu được nửa thời gian thì bạn trở đầu lại cho bánh được chín lại. Bạn cũng cần chú ý quan sát châm nước thường xuyên, không để nồi cạn nước.

2. Bò kho mật mía

Trong các món ăn ngày tết của người miền trung, món bò kho mật mía là một món ăn mặn vô cùng đặc biệt. Bò kho mật mía có vị thơm, cay của gừng, quế, ớt và vị giòn, ngọt tự nhiên của bắp bò hòa quyện với vị đậm đà, thơm dịu của mật mía, mặn mặn, ngọt ngọt rất dễ ăn và ngon miệng, món Bò kho mật mía thường xuất hiện trên mâm cơm tiếp khách của người miền trung vào dịp Tết.

Món bò kho mật mía ăn lạ miệng và rất đưa cơm - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên liệu

  • 1kg bắp bò (chọn loại lõi rùa hay còn gọi là bắp hoa)
  • 100g gừng
  • 5 củ sả
  • 1 miếng quế
  • 1 bát mắm ngon
  • 1 bát mật mía
  • ½ thìa ớt bột.

Thực hiện

Bước 1

Bắp bò rửa sạch, để ráo nước.

Sả đập dập, cắt khúc khoảng 5cm.

Quế bẻ vụn. Gừng giã dập. Ở công đoạn này bạn nên dùng cối đá hoặc cối bằng gốm, tránh dùng cối gỗ sẽ làm mất nước cốt của gừng khiến món ăn giảm giá trị.

Bước 2:

Trộn đều quế, gừng, sả, ớt bột.

Thêm mắm, mật mía vào trộn đều.

Ướp thịt bò cùng hỗn hợp vừa trộn trong vòng tối thiểu 1 tiếng.

Bước 3:

Đặt nồi thịt bò đã ướp lên bếp, đậy vung đun với lửa to đến khi nồi thịt sôi khoảng 10 phút thì bạn tắt bếp, để thịt nguội.

Bước 4:

Tiếp tục đun lần 2, trong quá trình đun bạn nhớ đậy vung, thỉnh thoảng lật miếng thịt cho ngấm và đều màu.

Đun đến khi cạn nước là được.

Bắp bò kho mật mía có vị thơm, cay của gừng, sả, quế, ớt và vị giòn, ngọt tự nhiên của bắp bò hòa quyện với vị đậm đà, thơm dịu của mật mía là sự kết hợp hoàn hảo cho món ăn ngày thường cũng như các dịp nhà có khách.

3. Thịt ngâm mắm

Có thể là thịt lợn hay thịt bò tùy thích, cách chế biến đơn giản sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã được pha nấu theo tỉ lệ nhất định, khi ăn thái lát và ăn cùng dưa món ngon tuyệt cú mèo. Tuy đây là một món ăn ngày tết miền trung nhưng bạn hoàn toàn có thể làm và dùng ăn cùng với cơm hàng ngày.

Thịt chân giò ngâm mắm ăn cùng cơm nóng vô cùng hấp dẫn - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên liệu

  • Thịt ba chỉ hoặc thịt đùi, thịt đầu, thịt chân giò: 1kg
  • Nước mắm
  • Đường cát trắng
  • Đường phèn
  • Tỏi, cánh hoa hồi, ớt tươi, hạt tiêu, củ kiệu
  • Dụng cụ: Lọ thủy tinh cỡ lớn, vỉ nén.

Thực hiện

Bước 1Thịt cạo sạch lông, xát muối hoặc ngâm bằng giấm, rượu để khử mùi đồng thời sát khuẩn tốt hơn rồi rửa thật sạch với nước, vớt ra để ráo.

Dùng chỉ hoặc lạt tre buộc thật chặt quanh miếng thịt, cho vào nồi luộc cho chín tới, thêm ít rượu trắng trong khi luộc. Khi thịt chín tới, vớt ra, ngâm nước lạnh cỡ 15 – 20 phút, sau đó tháo lạt, rửa sạch nhớt, để ráo. Nếu có tủ lạnh thì cho tiếp thịt vào ngăn mát khoảng vài tiếng. Việc làm này sẽ giúp miếng thịt trắng, dai và giòn hơn, không bị bở hay nhũn.

Bước 2Pha nước mắm theo tỉ lệ: 1 chén nước mắm – 1 chén đường và 1/2 chén đường phèn. Để món thịt ngâm mắm ngon và nhiều chất >dinh dưỡng, bạn nên chọn loại nước mắm có độ đạm cao. 1kg thịt sẽ cần khoảng 1,5 lít nước mắm. Đun sôi hỗn hợp nước mắm này với lửa to rồi giảm nhỏ lửa lại (sôi là giảm lửa ngay), lúc đun phải liên tục khuấy đều tay để đường tan hoàn toàn.

Bước 3Trong lúc chờ hỗn hợp mắm nguội, bạn lấy lọ thủy tinh tráng qua nước sôi, lau thật khô và sạch. Sau đó, tỏi bóc vỏ, thái lát mỏng nếu thích; ớt tươi, củ kiệu, hoa hồi, rửa sạch, để ráo; hạt tiêu giã cho hơi vỡ – tất cả chuẩn bị sẵn sàng.

Bước 4Cho thịt vào lọ thủy tinh trước, tiếp đến là tỏi, ớt, củ kiệu, hoa hồi và hạt tiêu. Đổ nước mắm với lượng lấp hết thịt, cách mặt thịt ít nhất khoảng 2 đốt ngón tay trỏ. Dùng vỉ tre, đũa hoặc tô chén để dằn đè lên thịt để miếng thịt không bị nổi lên trên. Nếu không sẽ rất dễ sinh nấm mốc, món thịt sẽ bị hỏng. Đậy kín lọ, để khoảng 3 ngày thì thịt ngâm nước mắm có thể ăn được.

Thịt heo ngâm nước mắm ngon, đạt chuẩn khi phần mỡ phải trong, phần thịt màu ửng hồng, ăn giòn, có vị mặn ngọt với chút vị chua.

4. Tré

Tré là món ăn cổ truyền ngày tết miền trung rất thú vị, bởi sự mộc mạc từ những nguyên liệu bình dân như mũi heo, tai heo, ba chỉ, bì…dùng để nhâm nhi cùng rượu, làm mồi nhậu cho chú bác rất phù hợp.

Món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết của người miến Trung, tùy vùng miền sẽ có thêm 1 số gia vị khác - Ảnh minh họa: Internet

 

Nguyên liệu

  • Tai, mũi heo: 1kg
  • Da heo: 200 gam
  • Riềng: 300 gam
  • Ớt tươi: 100 gam
  • Ớt khô: 50 gam
  • Thính: 1/2 bát ăn cơm
  • Tỏi: 1 củ
  • Muối tinh: 3 thìa cà phê
  • Mè rang: 50 gam
  • Mì chính: 3 thìa cà phê
  • Đường: 2 thìa cà phê
  • Lá ổi hoặc lá đinh lăng

Thực hiện

Bước 1Tai và mũi heo rửa sạch với nước muối cho hết cặn bẩn rồi luộc chín. Khi luộc cho thêm chút tỏi, gừng thái lát và hoa hồi để khử hết mùi hôi.

Sau khi luộc vớt tai và mũi ra ngâm vào chậu nước lạnh trong khoảng 10 phút, vớt ra rổ cho ráo nước rồi thái sợi nhỏ.

Bước 2Riềng, ớt, tỏi băm nhuyễn. Thính gạo rang giã mịn. Ớt khô đem phi lên cùng dầu điều.

Bước 3Trộn tai, mũi heo đã thái sợi với các loại gia vị riềng, tỏi, thính, ớt khô đã sơ chế trước đó.

Bước 4Sau khi trộn xong, cho toàn bộ tai, mũi heo vào hũ thủy tinh nén thật chặt rồi đậy kín nắp. Cất hũ tré vào nơi thoáng mát, sau khoảng 2 – 3 ngày tré sẽ có vị chua và ăn được. Khi tré đã ăn ngon thì bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để không bị chua quá. Tùy theo khẩu vị từng gia đình mà phần gia vị có thể gia giảm thêm.

>>> Xem thêm:

- Cách nấu mì quảng gà củ nén đậm đà hương vị miền Trung

- Cách làm bầu ngâm chua ngon đúng điệu miền Trung, ai ăn một lần cũng nhớ mãi

5. Xôi đỗ xanh

Trong các món ăn ngày tết của người miền trung, xôi đỗ xanh là món không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên. Xuất hiện trên mâm cơm cúng giao thừa, xôi đỗ xanh cúng với gà, chân giò… là những món không thể thiếu.

Mâm cơm ngày Tết thì không thể thiếu xôi - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 500g
  • Đậu xanh bỏ vỏ: 200g
  • Dầu ăn, muối hạt.

Thực hiện

Bước 1: Gạo nếp chọn gạo ngon, đều hạt, vò sơ cho sạch bớt bụi bẩn và cho vào ngấm nước từ 6-8h cho gạo nở mềm. Đậu xanh chọn loại xanh vỏ ruột vàng, cho vào ngâm nước khoảng 4h cho đậu xanh nở hết, không bị lỗi khi nấu.

Bước 2: Sau khi gạo và đậu xanh đã ngâm nở, các bạn vớt gạo và đậu xanh lên, trộn vào với nhau và vò lại vài lần với nước cho thật sạch, để ráo. Trộn đều vào gạo nếp 2 thìa cà phê muối hạt, trộn đều cho gạo và đậu xanh ngấm muối.

Chuẩn bị nồi nước sôi hấp cách thủy, cho gạo nếp trộn đậu xanh vào đồ cho chín trong khoảng 30 phút.

Bước 3: Sau 30 phút, xôi đậu xanh đã chín mềm, các bạn xới đều phần xôi trong nồi lên, dùng 50ml dầu ăn tưới đều vào xôi, đánh tơi ra cho xôi ngấm dầu và tiếp tục đồ xôi thêm khoảng 10 phút nữa cho hạt xôi ngấm dầu, căng mọng.

Xới xôi đậu xanh ra đĩa, có thể dùng thắp hương trong những ngày rằm, mùng 1 hoặc dùng làm đồ ăn sáng cho cả nhà đều rất thơm ngon. Tùy sở thích có thể dùng kèm với ruốc thịt, muối vừng hay món thịt xá xíu, thịt quay hoặc thịt rang hành đều rất hợp.

Xôi dẻo dai, đậu xanh bở bùi với cách nấu xôi ngon như trên kể cả khi bạn để xôi qua đêm cũng sẽ không bị rắn, lại gạo mà xôi vẫn giữ được độ dẻo mềm như khi mới nấu.

Trên đây là những món ăn ngày tết miền trung đi kèm cách làm. Đây là những món ăn truyền thống không thể thiếu của người dân miền Trung nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng những món ăn này để làm mới mâm cơm hàng ngày của gia đình.

Hồng Anh | Theo Phụ nữ sức khỏe