Tôi bực bội dằn mạnh mâm cơm xuống bàn thì vợ cũng chẳng vừa khi đứng dậy, chỉ thẳng mặt tôi mà mắng.
Xin chào Hướng Dương,
Vợ chồng tôi có cuộc sống đủ ăn đủ mặc. Nói ra cũng ngại nhưng sau khi vợ sinh con thứ hai thì tôi cũng nghỉ làm để ở nhà chăm con phụ vợ. Sau thời gian nghỉ hậu sản, vợ tôi đi làm lại và là trụ cột kinh tế trong nhà suốt 2 năm nay.
Thật ra tôi cũng muốn đi làm nhưng phần vì thương con, phần vì sợ áp lực công việc. Tôi bị ám ảnh mỗi khi đến công ty chị ạ, tôi stress khi bị sếp mắng mỏ, đồng nghiệp dè bìu, công việc dồn ứ. Thôi thì tôi làm phần việc nội trợ của vợ còn vợ kiếm tiền hộ tôi vậy.
Nhưng thái độ của vợ rất đáng ghét. Cô ấy nhăn nhó và tỏ vẻ cáu kỉnh mỗi khi về nhà. Dù tôi nấu nướng, dọn dẹp hay >chăm sóc con cái xoay cuồng thì cô ấy chỉ thấy mỗi việc tôi không kiếm ra tiền. Có lần vợ còn dùng chuyện đó để mắng mỏ chồng.
Như hôm qua, cô ấy lớn tiếng chỉ trích tôi vô dụng khi ở nhà cho vợ nuôi. Tôi bực quá dằn mạnh mâm cơm xuống bàn thì vợ cũng thách thức lại bằng việc đòi ly hôn. Hướng Dương ơi, tôi thấy vợ không còn tôn trọng chồng nữa. Nhưng nghĩ đến việc đi làm lại, tôi lại thấy rất mệt mỏi. Tôi nên làm sao đây? (hoaiphuong...@gmail.com)
Hướng Dương tư vấn
Chào bạn,
Có lẽ bạn là kiểu đàn ông an phận thủ thường, không có chí hướng tiến thủ. Nhưng trong gia đình, nếu người đàn ông không kiếm ra tiền thì đang tự dồn mình vào chỗ khó. Vì thế, nếu muốn giữ gìn hạnh phúc và lấy lại vị trí đứng trong gia đình, bạn phải chấp nhận vượt qua chính mình, làm chủ kinh tế, vực lại tài chính để lo cho vợ con. Vợ bạn hẳn cũng đang căng thẳng trong việc gồng gánh kinh tế cho gia đình.
Bạn sợ áp lực trong công việc nhưng lại đặt áp lực ấy lên đôi vai của vợ. Có lẽ chính vì điều này đã khiến vợ bạn thất vọng về chồng, lâu dần sẽ không còn tôn trọng chồng nữa. Bạn nên nhớ rằng: có áp lực mới có động lực, có động lực mới có cố gắng, có cố gắng mới có thành công. Thành công không bao giờ dành cho những kẻ yếu, hèn nhát và sợ sệt. Thành công cũng không dành cho những kẻ mà chính bản thân mình cũng không vượt qua được.
Vì thế, bạn nên vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, trau dồi kiến thức, lấy lại sự tự tin và ngẩng cao đầu bước vào công việc mới. Hãy xem những khó khăn là thử thách để rèn giũa bản thân và cố gắng đạt được mục đích, thành công của mình. Khi bạn làm được những điều đó, vợ bạn sẽ tôn trọng chồng hơn và gia đình sẽ gắn bó hạnh phúc.
Chúc bạn mạnh mẽ. Thân gửi.