Trong quá trình mang thai, bệnh nhân thường xuyên bị ra ít máu đen lẫn máu đỏ tươi. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch dù có thể phát hiện sớm.

My My (t/h) 09:59 04/02/2023

Theo thông tin từ báo giadinh.suckhoedoisong, bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa thực hiện ca phẫu thuật cứu sống >sản phụ bị >sốc mất máu do chửa ngoài tử cung vỡ. Đây là bệnh lý rất thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua gây hậu quả nghiêm trọng và đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Theo đó, sản phụ H.T.T (41 tuổi, trú tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) được nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng nhiều, ra nhiều máu âm đạo, choáng ngất tại phòng khám, da niêm mạc nhợt nhạt, chi lạnh, mạch nhanh huyết áp tụt. Đáng chú ý, bệnh nhân đang mang thai khoảng 3 tháng; trong quá trình mang thai, sản phụ thường xuyên bị ra ít máu đen lẫn máu đỏ tươi trong âm đạo và không bị đau bụng. 

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ bệnh viện nhanh chóng thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, siêu âm cấp cứu chẩn đoán kết hợp hồi sức tích cực. Kết quả siêu âm cho thấy, khối chửa ngoài tử cung tương đương thai 12 tuần và có nhiều dịch tự do ổ bụng.

Quá trình hội chẩn chuyên khoa xác định, sản phụ bị sốc mất máu do chửa ngoài tử cung vỡ. Cùng với việc tích cực cấp cứu cho bệnh nhân, ca phẫu thuật cho sản phụ được thực hiện gồm các chuyên khoa: Cấp cứu - Phụ sản - Gây mê hồi sức - Huyết học truyền máu.

Ca phẫu thuật cứu sống sản phụ sốc mất 2 lít máu do chửa ngoài tử cung bị vỡ. Ảnh: Zing News

 

Khi phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành hút 2.000ml máu ổ bụng, kẹp cắt khối chửa ngoài tử cung vỡ đang chảy máu tại vị trí loa vòi tử cung bên phải; đồng thời kết hợp hồi sức tích cực và truyền máu, huyết tương trong mổ. Sau 3 ngày trải qua ca phẫu thuật, >sức khỏe người bệnh đã ổn định.

Cũng theo Zing News, >thai ngoài tử cung là trường hợp trứng được thụ tinh, làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung. Thường gặp nhất là vòi tử cung (còn gọi là vòi trứng) chiếm tới 95% hoặc ở vị trí khác như buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng. Tỷ lệ chửa ngoài tử cung chiếm 1-2% thai nghén. Đây là nguyên nhân tử vong cao nhất trong sản khoa trong 3 tháng đầu thai kỳ (4-10%).

BSCKI Tô Thị Kim Quy, Trưởng khoa Phụ Sản, cho biết: "Thai ngoài tử cung là bệnh lý rất phổ biến, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như mất máu nhiều, dẫn đến sốc, thậm chí tử vong.

Tuy nhiên, bệnh lý này hoàn toàn có thể phát hiện từ rất sớm, điều trị ngoại khoa hoặc điều trị nội khoa mà không cần phải phẫu thuật khi bệnh nhân được chẩn đoán sớm. Trường hợp chị T. có khối chửa tại loa vòi tử cung bên phải to tương đương 12 tuần là rất hiếm và nguy hiểm".

Hàng năm, khoa Phụ sản, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận, phẫu thuật cấp cứu rất nhiều trường hợp bệnh nhân chửa ngoài tử cung. Trong đó, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc mất máu do vỡ khối chửa, phải cắt khối chửa, vòi trứng gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ khi mang thai cần tìm hiểu thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản, khám thai định kỳ tại cơ sở y tế uy tín để kịp thời phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có một trong những dấu hiệu như: Chậm kinh, đau bụng, ra máu âm đạo… cần đến cơ sở y tế khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu có sẹo mổ cũ ở tử cung, bạn cần được thăm khám định kỳ để xác định chính xác vị trí của thai nhi, tránh bỏ sót chửa ngoài tử cung và chửa tại sẹo mổ lấy thai cũ.

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe