Bệnh nhân đến khám trong tình trạng đau nhức mũi, nhiễm trùng chất độn nhân tạo (silicon) sau khi làm đẹp.
Thông tin từ Báo Tiền Phong, sáng 17/3, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) cho biết, vừa tiếp nhận điều trị cho chị B.D.N (26 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) bị nhiễm trùng sau phẫu thuật >nâng mũi.
Theo lời kể của chị N. trước nhập viện 6 tháng, chị có thực hiện nâng mũi bằng vật liệu độn nhân tạo (silicon) tại một cơ sở >làm đẹp. Sau đó, phần mũi chị bị viêm đỏ, sưng, chảy dịch, đau nhức, có giảm khi uống thuốc nhưng sau đó tái đi tái lại nhiều lần nên đã đến bệnh viện kiểm tra.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy, mũi của chị N. bị lộ sống, bóng đỏ đầu mũi, ấn đau, chảy dịch ở tiền đình mũi.
Chẩn đoán chị N. bị nhiễm trùng sau phẫu thuật nâng mũi, nguy cơ hoại tử đầu mũi nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật rút vật liệu độn nhân tạo, làm sạch khoang đặt sống mũi. Sau đó, bệnh nhân được thiết kế tạo dáng sống mũi và đầu mũi bằng phương pháp ghép trung bì mỡ (trung bì mỡ lấy ở khe mông giúp giấu sẹo).
Trải qua 60 phút thực hiện và 2 tuần điều trị ngoại trú, tình trạng chị N. đã ổn định. Dáng mũi và da đầu mũi hồi phục tốt.
Theo Thạc sĩ Bác Sĩ Võ Hồng Phúc - Chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Khoa Liên chuyên khoa – Điều trị trong ngày, tình trạng sưng và nhiễm trùng của bệnh nhân có thể do quá trình phẫu thuật không đảm bảo vô trùng hoặc nâng mũi quá cao không phù hợp độ co giãn của da gây nên các biến chứng.
Trước trường hợp trên, các bác sĩ đã thực hiện phương pháp mảnh ghép trung bì mỡ giúp tạo lớp đệm chống co rút, bù đắp các mô mất đi trong quá trình viêm nhiễm và làm dày da sống mũi, giúp chuẩn bị tốt cho lần chỉnh sửa mũi tiếp theo.
Cũng theo Tuổi Trẻ trước đó, vụ việc một cô gái 22 tuổi tử vong sau nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ “chui” cảnh báo đến nhiều người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ. Theo các chuyên gia, dù là bất kỳ phẫu thuật nào cũng phải do bác sĩ có chuyên môn thực hiện.
Theo bác sĩ Tuấn, Bộ Y tế đã có quy định, chỉ cần là can thiệp có chảy máu phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Trong đó, ngay cả phun xăm thẩm mỹ cũng là can thiệp có chảy máu, vẫn có nguy cơ nhiễm trùng, nhưng thực tế rất nhiều cơ sở phun xăm thẩm mỹ do các "kỹ thuật viên" thực hiện.
Bác sĩ Phùng khuyến cáo, đầu tiên chính người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ phải tự bảo vệ bản thân mình. Bất kỳ phẫu thuật nào cũng phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện, ở những cơ sở y tế được cơ quan quản lý cấp phép, không nên tìm đến những cơ sở y tế không rõ ràng để phẫu thuật.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần siết chặt quản lý các cơ sở này. Rất nhiều vụ việc, chỉ khi có trường hợp tử vong xảy ra, khi điều tra mới biết cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép.
"Chúng ta nên ngăn ngừa ngay từ ban đầu, không để các cơ sở này hoạt động sẽ tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Phùng nhấn mạnh.