Trong vòng 7 ngày liên tiếp, Hà Nội đứng đầu cả nước về số ca mắc COVID-19. Hiện, thành phố có 6/8 quận "vùng cam" đã ban hành hướng dẫn siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo báo Lao Động, báo cáo của Sở Y tế >Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 25/12, tổng số bệnh nhân COVID-19 hiện đang điều trị là 19.730 người, trong đó có hơn 10.000 người đang điều trị tại nhà, gần 5.000 người điều trị tại các cơ sở thu dung quận, huyện; số còn lại điều trị tại các bệnh viện trung ương và Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị của thành phố.
Cũng trong tối 25/12, Hà Nội ghi nhận "kỷ lục" 1.879 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp, thành phố "dẫn đầu" cả nước về số ca nhiễm. Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29.4), thành phố có tổng 37.522 ca, trong đó 13.539 ca cộng đồng và 23.983 người đã được cách ly. Dịch lan ra toàn bộ 30.30 quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, quận Đống Đa vượt 4.000 ca mắc với tổng số 4.040 F0. Một số quận, huyện vượt 1.000 ca mắc.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - nguyên nhân số ca COVID-19 liên tục tăng cao là do mầm bệnh đã ở trong cộng đồng, các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại sau giai đoạn giãn cách.
Ngoài hệ thống cơ sở xét nghiệm, người dân cũng có thể tự xét nghiệm bằng test nhanh và thông báo với chính quyền địa phương, y tế cơ sở xác nhận và quản lý tại địa bàn cũng là lý do số ca nhiễm tăng cao trong những ngày gần đây. Ngoài ra, tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân đã tiêm chủng vaccine.
"Hà Nội thực hiện rất nghiêm túc chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Mặc dù số ca mắc của Hà Nội tăng cao trong những ngày gần đây nhưng quan trọng nhất là Hà Nội vẫn chủ động kiểm soát dịch", bà Hà nói.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, thành phố kịp thời điều chỉnh các biện pháp hành chính phù hợp như có thể xem xét dừng, hạn chế các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động lễ hội, tôn giáo... Trong quá trình phòng chống dịch quan trọng nhất là phải nghiêm khắc với các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch.
Thành phố cũng đã phân cấp đến các quận, huyện để đánh giá cấp độ dịch, chủ động thực hiện áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp với cấp độ dịch nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo >sức khỏe, tính mạng cho người dân, để người dân đón Tết an toàn và trọn vẹn.
Theo Tuổi Trẻ, toàn Hà Nội được xác định thuộc cấp độ 2 nhưng đã có 8 quận cấp độ 3 như: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Hiện "vùng xanh" duy nhất của thủ đô là huyện Phúc Thọ.
Sau khi xác định dịch ở cấp độ 3 (màu cam), các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ đã điều chỉnh biện pháp chống dịch, dừng ăn uống tại chỗ. Trước đó, quận Đống Đa và Hai Bà Trưng cũng thắt chặt các biện pháp trên.
6 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ quyết định cho học sinh ngừng đến trường từ ngày 27/12 do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trước đó, Hà Nội có quận Hai Bà Trưng và Đống Đa cũng chuyển từ "vàng" sang "cam", học sinh phải ngừng đến trường.
Về điều trị F0 tại nhà, với ca COVID-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao, không ít bệnh nhân loay hoay tìm cách điều trị tại nhà khi chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời của y tế địa phương.
Theo UBND TP Hà Nội, số lượng thuốc điều trị mà Bộ Y tế cung cấp cho Hà Nội chỉ đáp ứng được một phần và trong thời gian ngắn. UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm thuốc điều trị kháng COVID-19 cho TP.
Đến tối ngày 23/12, Sở Y tế TP cho biết Bộ Y tế đã cấp thêm cho Hà Nội 200.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg và yêu cầu khẩn trương cấp phát cho các F0 đủ điều kiện.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, tất cả người dân trên địa bàn thành phố, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19.