Từ ngày đó đến nay, vaccine đã được nghiên cứu và phát triển nhiều về mọi mặt, từ hình thức, thành phần, quy trình sản xuất, giá thành đến tính an toàn. Vậy vì sao lại có cuộc tranh luận chống lại vaccine ngày nay?

08:15 25/09/2021
Vaccine từng được xem là một trong những thành công mang tính cách mạng nhất trong lịch sử phát triển y học. Nhân loại trên toàn thế giới từng chào đón sự ra đời của vaccine như một vị thần cứu mạng khi hàng loạt người chung quanh họ đột nhiên nhiễm bệnh, chịu đau đớn, biểu hiện các triệu chứng đáng sợ rồi chết đi, hoặc nếu còn sống thì cũng mang thương tật, dị dạng suốt đời.

Khi đó, họ lao vào sử dụng vaccine, hiểu và chấp nhận rủi ro mà những vaccine đời đầu vẫn chưa khắc phục được, bởi vì họ cảm thấy lợi ích do vaccine mang lại lúc này lớn hơn nhiều so với rủi ro của nó.

Từ ngày đó đến nay, vaccine đã được nghiên cứu và phát triển nhiều về mọi mặt, từ hình thức, thành phần, quy trình sản xuất, giá thành đến tính an toàn. Vậy vì sao lại có cuộc tranh luận chống lại vaccine ngày nay?

Vì sao lại có cuộc chiến chống vaccine ngày nay?

Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp và rõ ràng nhất là nỗi sợ hãi về tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine mà đôi khi khoa học hiện nay còn chưa có lời giải thích thỏa đáng, thì còn có nhiều nguyên nhân khác khiến cộng đồng phản đối vaccine đang ngày càng lan ra nhiều nước. Một vài nguyên nhân tiêu biểu cùng những hiểu lầm liên quan sẽ được phân tích sau đây.

Sự biến mất hoặc giảm dần của những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bác sĩ Kurt Link đã phân tích nguyên nhân tâm lý của hiện tượng chống lại vaccine trong cuốn "Cuộc luận chiến về vaccine" (The vaccine controversy) của mình: "Đôi khi, vaccine lại là nạn nhân do sự thành công của chính nó. Khi bệnh dịch dần biến mất (nhờ sự can thiệp của vaccine), điều còn lại duy nhất chỉ là những tác dụng phụ.

Cha mẹ ngày nay chưa từng được thấy nỗi kinh hoàng do ho gà gây ra hoặc cái chết rùng rợn do uốn ván mang đến (cho nên) sức chịu đựng của họ đối với tác dụng phụ của vaccine đang tiến về con số không.

Một bức tranh châm biếm những người phản đối vaccine ở Anh được vẽ từ năm 1930. Cho đến tận bây giờ, cuộc đấu tranh giữa những người ủng hộ và chống vaccine dường như vẫn không thay đổi mấy so với thời điểm đó. Nguồn: Huffington Post.

Cuộc luận chiến càng trở nên nóng bỏng khi vấn đề được tranh cãi là con số tử vong do vaccine gây ra.

Có bao nhiêu ca nhiễm bệnh hoặc tử vong đã được loại trừ nhờ tiêm vaccine? Nó có thể đem cân đo với ca tử vong do tác dụng phụ khi tiêm chủng không? Một vài người nói rằng sẽ không bao giờ cân đo được. Họ lập luận: một ngàn ca chết do bệnh sởi vẫn tốt hơn là một ca tử vong của một đứa trẻ khỏe mạnh.

Đối với các nhà khoa học y học, đây là một lập luận không logic, ngăn cản sự tiến bộ y học và từ chối quyền tự do của trẻ em được lớn lên một cách khỏe mạnh."1

Tuy nhiên, đối với các bậc cha mẹ, việc bảo vệ con trẻ là mối quan tâm hàng đầu của họ, nhất là trong những năm tháng đầu đời của trẻ.

Cha mẹ phải đấu tranh tâm lý để chọn giữa việc tiêm chủng với những rủi ro, dù rất nhỏ, có thể xảy ra trước mắt cho con chỉ để kháng lại những loại bệnh ngay chính họ còn chưa từng gặp và không hề nghĩ rằng con họ sẽ gặp trong cuộc sống sau này và không tiêm chủng. Tâm lý này rất dễ hiểu.

Chính vì gần như không còn nỗi sợ hãi đối với các loại bệnh tật này nên chỉ trừ khi dịch bệnh bùng nổ thì một số cha mẹ quên mất tác dụng phòng bệnh của vaccine và xem vaccine như là một loại thuốc chỉ khi nào cần mới dùng.

Điều đáng tiếc là đến khi con họ mắc phải các loại bệnh này và chịu những di chứng nghiêm trọng, nhất là khi đã trưởng thành, thì chúng đã không còn khả năng quyết định số phận của chính mình nữa. Đây chính là sự "từ chối quyền tự do của trẻ em được lớn lên một cách khỏe mạnh" mà bác sĩ Kurt Link có đề cập đến phía trên.

Sự thiếu am hiểu về các loại bệnh và nguy cơ xảy ra

Một trong những luận điểm của nhóm phản đối vaccine chính là họ có thể nuôi dưỡng con trẻ lớn lên một cách tự nhiên, lành mạnh mà không cần đến vaccine.

Tuy nhiên, vaccine bảo vệ con trẻ không chỉ trong những năm tháng đầu đời mà còn bảo vệ suốt đời (dù xin nhắc lại là không đạt hiệu quả 100% và tùy loại vaccine mà cần tiêm nhắc lại).

Không có cha mẹ nào có thể bảo vệ con cả đời khỏi nguy cơ nhiễm bệnh, và nhiễm bệnh ở tuổi trưởng thành đôi khi sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với bệnh ở tuổi ấu thơ.

Ví dụ như bệnh quai bị ở tuổi trưởng thành có thể làm giảm khả năng sinh sản hoặc bệnh rubella trong quá trình mang thai sẽ gây sẩy thai hoặc thai biến dạng. Đến lúc này, mọi can thiệp của vaccine đã là quá muộn.

Bên cạnh đó, việc giữ cho con khỏi bị phơi nhiễm trước các mầm bệnh sau khi con trưởng thành gần như là một chuyện không tưởng.

Một ví dụ chính là khả năng nhiễm bệnh sau khi đi du lịch ở những nước có mức độ miễn dịch cộng đồng thấp hoặc có bệnh đang hoành hành, như nguyên nhân gây bệnh sởi hiện nay ở Mỹ.

Năm 2000, bệnh sởi đã được tuyên bố bị loại trừ hoàn toàn khỏi Mỹ. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có trung bình khoảng 63 ca bệnh sởi (giai đoạn 2000-2007) do những người đi du lịch hoặc nhập cư vào Mỹ mắc phải. Năm 2014, một trận bùng phát dịch sởi xuất phát từ một người ở bang California vừa đi du lịch trở về đã lan ra 27 tiểu bang với 667 ca bệnh.

Đối với một số người, bệnh sởi chỉ gây ra sốt, chảy nước mũi và phát ban, nhưng ở một số người khác lại có thể gây biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, hoặc thậm chí tử vong.2

Khái niệm "miễn dịch cộng đồng" chưa được hiểu đúng

Một trong những lý do của các chương trình tiêm chủng quốc gia hiện nay chính là để nâng cao mức độ "miễn dịch cộng đồng" (tiếng Anh: herd immunity).

Theo khái niệm này, việc nâng cao khả năng miễn dịch trong toàn cộng đồng sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh chung và nhờ đó làm giảm khả năng nhiễm bệnh của những người có hệ miễn dịch yếu hoặc không thể tiêm chủng được do dị ứng, hóa trị, bệnh AIDS…

Một số người xem đây là trách nhiệm cộng đồng, và một số người cũng vì vậy xem đây không phải là trách nhiệm của họ.

Thật ra, nếu hiểu cho đúng mối nguy này, thì "cộng đồng" ở đây có thể là bất cứ ai trong gia đình bạn, chứ không phải chỉ là những "người dưng" trong cộng đồng. Họ có thể là ông bà tuổi cao trong nhà, một thành viên trong gia đình mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch, một trẻ sinh non trong họ, hoặc đáng tiếc hơn có thể chính là con của bé sau này.

Một điều cần luôn ghi nhớ là một số người khỏe mạnh có thể không bị mắc bệnh hoặc mắc bệnh mà không biểu hiện ra triệu chứng, nhưng vẫn có thể mang bệnh và trở thành nguồn trung gian truyền bệnh đến những người yếu hơn. Vì vậy, chính họ cũng không hề biết rằng mình đã gây bệnh cho những người thân yêu xung quanh.

Khoa học chưa có câu trả lời cho mọi vấn đề

Mặc dù các nghiên cứu được nhóm phản đối vaccine viện dẫn bởi chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các nghiên cứu về tính an toàn của vaccine, và hầu hết đã được chứng minh là không có cơ sở khoa học, vậy thì vì sao niềm tin vào mối liên hệ giữa vaccine và một số bệnh vẫn tồn tại?

Vì cha mẹ cần câu trả lời cho bệnh của con họ. Thật dễ hiểu vì sao các bậc phụ huynh không hài lòng trước câu trả lời "chưa rõ nguyên nhân" của giới y học cho rất nhiều trường hợp biến chứng nếu bản thân họ không phải là người trong ngành y tế hoặc làm nghiên cứu. Điều này tạo ra một lỗ hổng trong tâm thức của các bậc cha mẹ.

Do đó, lỗ hổng này sẽ dễ dàng được lấp đầy bởi những lập luận nghe có vẻ hợp lý nhưng không thể được chứng minh một cách thuyết phục. Phụ huynh phần lớn không phải là chuyên gia hoặc bác sĩ, do đó, dù đôi khi khoa học đã có câu trả lời, nhưng những câu trả lời này cũng không hề dễ hiểu nếu họ thiếu căn bản về sinh học hoặc phương pháp luận khoa học. Vì vậy mà họ dễ dàng bị lạc hướng.3

Có một số người thích tin vào "bà hàng xóm" hơn là tin vào các thông tin khoa học được truyền bá chính thống và chính xác. Nguồn: Bruce MacKinnon, Saltwire

 

Thêm vào đó là niềm tin rằng khoa học hiện nay có thể trả lời cho mọi câu hỏi. Chẳng phải vaccine đã được phát triển từ vài thập kỷ trước rồi đó sao?

Đúng vậy! Nhưng bản chất phức tạp và đa dạng sinh học của thế giới này đôi khi không cho phép các nhà khoa học chọn ra một câu trả lời đơn giản cho một vấn đề nào đó. Một bệnh nào đó xảy ra là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố về gen và môi trường, do đó luôn có sự khác nhau giữa cá thể này và cá thể khác.

Để có thể thực sự thiết lập mối quan hệ giữa hai yếu tố nào đó, những nhà khoa học chân chính luôn rất cẩn trọng và hoài nghi, bắt buộc phải dựa trên cơ sở khoa học và quan sát thống kê hợp lý, trong khi những người ngoài ngành thường dễ dàng chấp nhận một lý giải nào đó xuôi tai, phù hợp với những gì "mắt thấy tai nghe". Nếu không cẩn thận và khách quan, những gì "mắt thấy tai nghe" đó có thể chỉ là một sự trùng hợp khó nhận biết.

Lịch sử phát triển tự nhiên của chương trình tiêm chủng

Hình 1. Sự phát triển tự nhiên của một chương trình tiêm chủng

 

Robert Chen đã minh họa nguyên nhân của cuộc luận chiến chống vaccine bằng biểu đồ về sự phát triển tự nhiên của chương trình tiêm chủng như trong hình trên.

Trong thời kỳ đầu khi chưa có vaccine, con người cảm thấy bị đe dọa bởi các dịch bệnh, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm và khó trị. Họ thường biết nạn nhân trực tiếp của dịch bệnh, có thể đã tử vong hoặc hứng chịu những biến chứng nặng nề. Khi vaccine xuất hiện lần đầu, mọi người hồ hởi và hân hoan chào đón nó, mặc kệ những khiếm khuyết của nó do còn hạn chế về mặt khoa học và công nghệ.

Ví dụ tốt nhất ở Mỹ là khi toàn quốc gia vui mừng chào đón vaccine ngừa bại liệt được phát triển vào những năm 1950.

Trong giai đoạn thứ hai, khi vaccine đã giúp làm giảm đáng kể số ca bệnh và tử vong do các dịch bệnh mang lại, con người bắt đầu quên đi mối đe dọa từ dịch bệnh. Ký ức về những nạn nhân và những ảnh hưởng xã hội của bệnh dịch phai mờ dần. Với tỉ lệ tiêm chủng ngày càng được nâng cao, mối quan tâm dần chuyển qua những hiệu ứng phụ có thật và cả tưởng tượng của vaccine.

Khi vaccine ngày càng trở nên phổ biến, những sự kiện ngẫu nhiên xảy ra cùng lúc với thời điểm tiêm vaccine (trong 12 tháng đầu, trẻ sơ sinh được tiêm trung bình 2 tháng/lần) có vẻ có mối liên hệ nguyên nhân – hệ quả với vaccine. Điều này khiến cho vaccine từng bị quy là gây ra các bệnh như co giật, tiểu đường, chậm phát triển trí não, hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS), hội chứng tăng động giảm chú ý (hiểu nôm na là mất khả năng tập trung chú ý lâu dài, ADHD), tự kỷ và các bệnh khác.

Thay vì nhớ về những người đã chết hoặc hứng chịu thương tật nghiêm trọng do bệnh tật mang lại, các bậc cha mẹ ngày nay lại biết về những người bị "tổn thương do vaccine" nhiều hơn. Đây là lúc vaccine trở thành nạn nhân của sự thành công của chính nó. Tuy nhiên đây cũng là lúc mà tỉ lệ tiêm chủng đạt mức cao nhất.

Trong giai đoạn thứ ba, nỗi lo sợ đối với vaccine gia tăng.

Nỗi lo sợ này ngày càng lan ra do: các hoạt động của các nhóm phản đối vaccine, sự thiếu niềm tin vào nhà nước và các tổ chức >sức khỏe công cộng quốc gia và quốc tế, do các phương tiện truyền thông (đặc biệt là internet), những thuyết âm mưu (chính phủ, các công ty sản xuất vaccine và bác sĩ kiếm lợi nhuận bằng cách kiểm soát người tiêm chủng) và sau cùng là sự thiếu các giải thích khoa học cho nhiều vấn đề y học.

Tất cả những nguyên nhân này gây giảm tỉ lệ tiêm chủng, cuối cùng dẫn đến sự tăng tỉ lệ tử vong và thương tật từ dịch bệnh.

Trong giai đoạn thứ tư, tỉ lệ tử vong và thương tật do sự trở lại của dịch bệnh tăng cao đến mức nhắc lại nỗi sợ hãi của cộng đồng đối với dịch bệnh. Cộng đồng bắt đầu tiêm chủng trở lại cho con cái và cho bản thân.

Cuối cùng, trong giai đoạn thứ 5, dịch bệnh có thể đã được loại trừ và việc tiêm chủng có thể được chấm dứt (như tiêm chủng đậu mùa).

Chọn góc nhìn nào cho đúng về vaccine?

Góc nhìn đúng đắn nhất là nhìn nhận cả mặt tích cực và hạn chế của vaccine. Các nhóm ủng hộ vaccine cần hiểu rõ những biến chứng có thể có và đã được khoa học chứng minh của vaccine (hiểu rằng vaccine không 100% an toàn đối với tất cả mọi người), đồng thời cũng lắng nghe những lập luận của nhóm đối ngược để kiểm chứng.

Nghiên cứu khoa học hiện tại vẫn chưa lý giải được nhiều điều, và những tranh luận từ các nhóm đối ngược sẽ là sự kích thích tốt để khoa học phát triển trong quá trình giải quyết những tranh luận này.

Trong thực tế phát triển của vaccine, đã có không ít thất bại của vaccine được nhìn nhận và báo cáo. Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, các nhà khoa học đã dần cải tiến công nghệ sản xuất vaccine để khắc phục những nhược điểm cũ và hoàn thiện vaccine từng ngày.

Những mâu thuẫn của các nhóm lợi ích không phải là không tồn tại, nhưng tất nhiên là những ai nghĩ rằng cả thế giới (các nhà khoa học, bác sĩ, những tổ chức lớn như CDC, WHO…) đều bị thao túng bởi những nhóm lợi ích và các nhà sản xuất vaccine thì hiển nhiên là đã đánh giá quá thấp trí tuệ chung của loài người.

Ngược lại, các nhóm phản đối vaccine cần nhìn nhận mặt tích cực của vaccine, và tìm hiểu về cách đánh giá thông tin dưới góc độ khoa học, khách quan hơn là chỉ nhìn vào những lý thuyết chưa có cơ sở hoặc thống kê của những trường hợp ngoại lệ.

Một lập luận vững chắc sẽ luôn được hỗ trợ bằng những bằng chứng khoa học và phải có ý nghĩa về mặt thống kê trên quần thể lớn, chứ không chỉ dựa trên một nhóm đối tượng nhỏ.

Nếu một hiện tượng chỉ xảy ra trên một nhóm đối tượng nhỏ thì cần nhìn nhận rằng đó là những trường hợp ngoại lệ để tìm hiểu nguyên nhân và chọn lọc ứng dụng cho nhóm đối tượng đặc biệt, chứ không thể khái quát hóa thành một kết luận chung cho tất cả đối tượng được.

Một ví dụ về cách nhìn nhận như trên là bệnh celiac liên quan đến thực phẩm. Celiac là bệnh dị ứng với gluten – thành phần chính trong bột mì – gây ra các phản ứng miễn dịch làm mỏng thành ruột non và có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Bệnh khá phổ biến ở một vài nước nhưng rất hiếm gặp ở Việt Nam. Khi đó, chỉ có thể nói rằng gluten là không tốt cho những người mắc bệnh celiac, chứ không thể kết luận rằng gluten trong bột mì là một chất gây hại cho tất cả mọi người.

Không khó để nhận ra rất nhiều lập luận chống đối vaccine đã được thiết lập và lan truyền trên cơ sở thiếu khoa học như vậy, nếu xem xét về số lượng vaccine đã được tiêm cho trẻ trên toàn cầu (hàng tỉ mũi) và số lượng báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng (vài chục ngàn đến vài trăm ngàn, chiếm tỉ lệ <0,01% cho hầu hết các loại vaccine).

TS Nguyễn Quốc Thục Phương

Nhà khoa học cao cấp bậc I, Công ty ACM Global Laboratories, Mỹ.

(Công ty ACM Global Laboratories là công ty chuyên thực hiện các xét nghiệm của thử nghiệm lâm sàng pha 1-3 của các công ty từ 65 nước trên thế giới với ba trung tâm xét nghiệm tại Mỹ, Anh và Singapore).

Tài liệu tham khảo

1. The vaccine controversy: the history, use, and safety of vaccinations. Choice: Current Reviews for Academic Libraries, 2006. 43(5): p. 888-888.

2. WHO: Measles Is Gone from the Americas. tại: https://www.usnews.com/news/articles/2016-09-27/measles-declared-eradicated-in-the-americas.

3. Herlihy, S.M. and E.A. Hagood, Your baby’s best shot : why vaccines are safe and save lives. 2012, Lanham: Rowman & Littlefield Publishers, Inc. x, 213 pages.

4. Ołpiński, M., Anti-Vaccination Movement and Parental Refusals of Immunization of Children in USA. Pediatria Polska, 2012. 87(4): p. 381-385.

 
Theo TS Nguyễn Quốc Thục Phương /Tổ Quốc