Anh Vũ Đức Duy (45 tuổi, Vũng Tàu) vừa xuất viện sau cuộc phẫu thuật do bỏng thực quản. Hiện tại, sau khi tái khám, sức khỏe của anh ổn định, có thể ăn cơm.
Người bệnh bị teo 1/3 thực quản đoạn giữa dưới, dài khoảng 5 cm, do >uống nhầm hóa chất tẩy rửa, được phẫu thuật cắt bỏ và nối lại bằng ống dạ dày.
Trước đó, vào tháng 7, sau khi trở về từ Australia, anh đến Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám. Qua nội soi và chụp X-quang cản quang, bác sĩ phát hiện anh bị hẹp 1/3 thực quản đoạn giữa dưới, dài khoảng 5 cm. TS.BS Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đưa ra phác đồ điều trị gồm 2 giai đoạn: phục hồi >sức khỏe cho người bệnh bằng cách nuôi ăn qua hỗng tràng (phần đầu của ruột non) và cắt phần thực quản bị teo hẹp.
Sau khi trải qua 4 tháng nuôi ăn, cuối tháng 10, anh Duy nhập viện để phẫu thuật. Bác sĩ Hùng và êkip thực hiện cắt thực quản nội soi và tạo hình thực quản bằng ống dạ dày. Bác sĩ Hùng nhận định ca mổ khá phức tạp, kéo dài 8 giờ. Sau đó, người bệnh được tiếp tục theo dõi, nuôi ăn qua ống thông và xuất viện hơn một tuần sau.
Anh Duy kể lại, vào khoảng đầu tháng 5, trong một lần dọn nhà ở Australia, anh tưởng chai hóa chất tẩy rửa là nước nên đã uống một hơi. Ngay sau khi phát hiện, người nhà đã đưa anh đến một bệnh viện gần nhà cấp cứu. Anh được truyền nước điện giải, thải độc và xét nghiệm máu và xuất viện sau 21 ngày theo dõi điều trị.
Khoảng một tháng sau, anh cảm thấy khó ăn uống, uống nước nhưng không thể nuốt, ói ngược ra. Giọng nói ngày càng khàn nhỏ. Cân nặng từ 62 kg giảm còn 56 kg. Lo lắng khi triệu chứng bệnh nặng hơn, anh quyết định về nước điều trị dù trước đó, anh cũng được bệnh viện tại Australia tư vấn phác đồ điều trị.
Bác sĩ Hùng chia sẻ thêm, thông thường, biến chứng hay gặp của >bỏng thực quản là chít hẹp thực quản. Nếu đoạn hẹp ngắn và sớm, bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật nong thực quản để nới rộng đoạn chít hẹp giúp người bệnh ăn uống lại. Tuy nhiên, nếu một đoạn thực quản đã hẹp dài (như trường hợp của anh Duy) thì phải phẫu thuật cắt bỏ phần đó. Sau đó, bác sĩ cần thực hiện tái tạo lại thực quản mới bằng cách sử dụng một phần của cơ quan tiêu hóa khác (thường là đại tràng, ruột non, dạ dày). Kỹ thuật này giúp giải quyết vấn đề khó ăn, khó nuốt, vướng nghẹn ở người mắc các bệnh nặng tại thực quản.
Cắt thực quản cũng được chỉ định cho người bệnh ung thư thực quản khi khối u tiến triển. Tuy nhiên, phẫu thuật bỏng thực quản do hóa chất sẽ phức tạp hơn vì đoạn thực quản dễ bị dính hơn so với thực quản của người bệnh ung thư thực quản.
Sau phẫu thuật, người bệnh được nuôi dưỡng qua đường miệng sớm nhất có thể và cần chia nhỏ 5-6 bữa ăn, nhất là khi thay thế thực quản bằng ống dạ dày.
Người bệnh nên ăn thực phẩm giàu protein, carb tốt, rau xanh, trái cây. Hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, quá nhiều đường hoặc muối, thức ăn nhanh, cà phê, trà, đồ uống có cồn và ga. Ăn chậm, nhai kỹ, ngồi thẳng lưng khi ăn giúp thức ăn di chuyển xuống dưới dễ dàng hơn, hạn chế uống nước trong bữa ăn.
Nếu thấy xuất hiện biểu hiện nuốt không được hoặc sặc thức ăn, người bệnh cần đi tái khám để nội soi, kiểm tra lại.
Bác sĩ Hùng cho hay, để giảm tác hại của hóa chất với cơ thể, trong khi chờ cấp cứu, người nhà có thể cho người bị bỏng thực quản uống nước và đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Người nhà cũng nên nhớ tên nhãn hiệu hóa chất mà bệnh nhân đã uống để cung cấp thông tin cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ xác định xem hóa chất đó có thành phần kiềm (bazơ) hay axit là chính để đưa ra hướng điều trị nhanh chóng.
Để phòng ngừa bỏng thực quản do hóa chất, gia đình nên hạn chế sử dụng chất tẩy rửa, nhất là loại chứa axit và bazơ mạnh. Nếu sử dụng hóa chất cần chọn loại có nhãn mác rõ ràng, cất giữ nơi kín, trên cao, có khóa.