Số ca mắc COVID-19 ở nước ta tuần qua tiểp tục tăng đáng kể, đã có ngày vượt mốc 3.000 ca, cùng với đó là ghi nhận ca tử vong.
Thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, theo thống kê, trong 7 ngày qua (từ 23/4- 29/4), cả nước ghi nhận 16.800 ca mắc mới COVID-19, trong đó ngày 28/4 ghi nhận 3.094 ca mắc, đây cũng là ngày có số mắc mới cao nhất trong hơn nửa năm qua, ngày 27/4, số mắc gần chạm mốc 3.000 ca- với 2.958 ca.
Số mắc COVID-19 của tuần này tăng 4.100 ca so với tuần trước đó - ghi nhận 12.700 ca.
Số ca mắc mới gia tăng nên số bệnh nhân nặng thở oxy cũng tăng, trong tuần qua, số F0 thở oxy có ngày đã lên đến 145 ca- ngày 25/4, ngày 29/4 có 122 ca thở oxy, trong số này có 24 bệnh nhân thở máy.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.559.862 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.821 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.621.473.
Sau gần 4 tháng không có bệnh nhân tử vong, tính đến ngày 29/4, Bộ Y tế đã công bố có 2 ca tử vong do COVID-19 tại Hà Nội và Nam Định, trong đó có ca bệnh mắc bệnh nền nhưng không tiêm vaccine COVID-19.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.188 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Cũng theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Báo cáo kịp thời và triển khai ngay các biện pháp ứng phó khi dịch có nguy cơ bùng phát trên địa bàn.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus. Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,...).
Các địa phương cũng cần tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ >sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao như nhóm người cao tuổi, nhóm di biến động, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai.
Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện, xử lý kịp thời các vi phạm, biểu dương, khen thưởng kịp thời để động viên cán bộ y tế, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.