Hiện nay, căn bệnh có trở nên phổ biến hơn khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ trên Báo Đại Đoàn Kết, viêm não cấp là một tình trạng viêm cấp tính của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em có tỉ lệ mắc cao hơn. Đây là bệnh lý nặng nề, đe dọa tính mạng bệnh nhân vì tỷ lệ mắc và tử vong còn cao.
Về triệu chứng của căn bệnh này, BS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Biểu hiện lâm sàng ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt (sốt rất cao, dai dẳng), nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu có khi hết sốt mà vẫn đau đầu. Cũng có trường hợp trẻ nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Đặc biệt, khi trẻ kêu đau đầu nhiều thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, màng não và đưa con đi khám gấp. Trường hợp nặng thì co giật, rối loạn thần kinh như lờ đờ, mệt, li bì, nặng hơn thì hôn mê. Những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác.
Theo các bác sĩ, viêm não và >viêm màng não xảy ra quanh năm, tỷ lệ di chứng cao trên 30% nếu nhập viện muộn. Các di chứng có thể gặp sau khi trẻ bị viêm não, viêm màng não như: bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập…, và có tỉ lệ tử vong từ 10% đến 15%.
Cũng theo BS Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) khuyến cáo trên Báo Đầu Tư: Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi mắc >bệnh viêm màng não thường biến chứng rất nhanh. Trong thời điểm giao mùa, bất kể trường hợp nào sốt, viêm đường hô hấp kèm theo triệu chứng đau đầu, buồn nôn cần phải được theo dõi để phát hiện sớm bệnh viêm não virus. Mặt khác, do virus này sinh sản nhanh trong đường tiêu hóa, không bị tiêu diệt bởi môi trường acid của dịch dạ dày nên trẻ em thường dễ bị nhiễm virus Coxsackie hơn người lớn do lây nhiễm qua đường ăn uống, tiếp xúc...
Các chuyên gia cho biết, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng viêm não, trong đó nguyên nhân chủ yếu là nhiễm khuẩn và thường gặp nhất do virus, nhưng cũng có thể do vi khuẩn, ký sinh trùng, đơn bào.
Khi trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi và có thêm dấu hiệu li bì, khó đánh thức, nôn ói, bú kém, quấy khóc, phồng thóp… phụ huynh cần nghĩ đến nguy cơ viêm màng não, viêm não.
Với trẻ lớn, đau họng, sốt, nôn ói, đau đầu nhiều là triệu chứng của viêm não, viêm màng não. Những trường hợp này cần được thăm khám sớm để tránh nguy cơ biến chứng.
Chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý, khi các bé có biểu hiện sốt, rối loạn tiêu hóa, khó thở... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Trong trường hợp nghi ngờ, để khẳng định bệnh, bác sĩ sẽ phải tiến hành chọc dịch não tủy, chụp cộng hưởng từ (MRI)... để xác định căn nguyên, điều trị sớm, tránh tình trạng phát hiện muộn, trẻ có nguy cơ để lại di chứng thần kinh, chi phí điều trị tốn kém.